Thanh Hóa: Vành đai xanh hồi sinh vùng biển "chết"

Không chỉ là "lá chắn thép" bảo vệ bờ biển, làng mạc…, rừng ngập mặn tại Thanh Hóa còn giúp hồi sinh môi trường sinh thái những vùng biển chết, tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây
09/08/2021 09:30

Đứng trên triền đê nhìn về những cánh rừng xanh tốt vươn mình trước biển, ông Trần Xuân Lâm (ngụ xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết hơn 10 năm trước, vùng biển này chỉ là một bãi triều trơ trọi. Cứ mỗi lần thủy triều lên hay gió bão, nước biển cứ thế xô thẳng vào thân đê, đe dọa trực tiếp tới làng mạc, dân cư bên trong; người dân cứ phải sống thấp thỏm lo âu.

"Bức tường xanh" vững chắc

"Tôi năm nay đã 71 tuổi, chứng kiến không biết bao nhiêu cơn bão. Cứ mỗi lần bão qua đi, hậu quả để lại rất nặng nề, tuyến đê bị tàn phá, nước biển tràn qua xâm thực khiến đồng ruộng xác xơ. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, rừng ngập mặn đã phủ kín cửa biển, tạo thành một "bức tường xanh" vững chắc, giúp bà con không phải lo âu mỗi khi có tin báo bão" - ông Lâm nhớ lại.

Nhờ các chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, đầu tư trong nhiều năm qua mà hàng chục km bờ biển tại tỉnh Thanh Hóa đã được phủ xanh bởi hàng ngàn hecta rừng ngập mặn. Những cánh rừng sú, vẹt, bần chua... xanh mướt chạy dài tít tắp cửa biển không chỉ phục hồi môi trường biển, giúp ngăn gió bão, triều cường, chống sạt lở, giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn tạo kế sinh nhai bền vững cho hàng ngàn cư dân ven biển.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết vùng biển của xã đã có dự án trồng rừng từ năm 1987 nhưng hồi ấy cũng chỉ trồng rải rác. Từ năm 1996, việc trồng rừng mới được triển khai rầm rộ. Đến nay, toàn tuyến đê biển dài khoảng 5 km của Đa Lộc đều được phủ xanh bởi những rừng cây sú, vẹt, bần chua...

"Toàn xã hiện có 412 ha rừng ngập mặn, gần như phủ kín mặt biển của xã. Nơi mỏng nhất khoảng 600 m, nơi dày nhất khoảng 1,5 km chạy từ đê ra biển. Nhờ "bức tường xanh" này mà đê biển của chúng tôi trong những năm qua gần như được bảo vệ tuyệt đối trước sóng biển, triều cường" - ông Trung tự tin.

Tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ông Vũ Bá Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu - người trực tiếp tham gia trồng rừng ngập mặn, khẳng định đây là một chương trình đúng đắn, thiết thực, đã làm thay đổi toàn bộ đời sống, môi trường nơi cửa sông, cửa biển của không chỉ quê ông mà còn nhiều xã trên địa bàn huyện. Theo ông Lĩnh, Hoằng Châu là một xã vừa có sông vừa có biển. Hằng năm, vùng đất ngập mặn này thường xuyên đối mặt hiện tượng sạt lở, triều cường lên xuống thất thường khiến đất đai cứ mất dần.

"Lúc đầu, việc trồng rừng ngập mặn gặp vô vàn khó khăn, cây chết rất nhiều. Sau hàng chục năm trồng mới, trồng bổ sung, những cánh rừng ở Hoằng Châu mới được hình thành, phát triển khỏe mạnh như bây giờ. Hiện toàn xã có 115 ha, trong đó có tới 50 ha rừng sú, vẹt trồng từ năm 1996, được xem là rừng giống của tỉnh Thanh Hóa" - ông Lĩnh cho biết.

Theo ông Lĩnh, người đã chứng kiến nhiều cơn bão đổ bộ vào đất liền, không có con đê nào vững chãi, chắc chắn như những cánh rừng ngập mặn. "Năm 1996, một cơn bão lớn đổ bộ vào Hoằng Châu. Đê biển bị hư hỏng nặng, toàn bộ vùng nuôi trồng thủy sản của dân ở bãi nổi Cồn Trường bị sóng biển kèm theo cát san phẳng. Thời điểm đó, rừng ngập mặt chưa có. Đến năm 2017, Hoằng Hóa tiếp tục hứng chịu một cơn bão lớn, lúc này rừng ngập mặt ở Hoằng Châu đã phát triển xanh tốt, tạo thành một bức tường chắn gió, sóng biển nên vùng nuôi trồng thủy sản không bị vùi lấp, đặc biệt tuyến đê của xã không hề hấn gì" - ông Lĩnh dẫn chứng.

26
25

Cánh rừng ngập mặn xanh tốt ngút tầm mắt ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

24

Niềm vui của ngư dân Phạm Văn Tú (xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) sau nửa ngày săn thủy sản trong rừng ngập mặn

23

Nghề nuôi ong đã giúp nhiều hộ dân ven biển Thanh Hóa vươn lên làm giàu

Trồng rừng được rừng nuôi

Không chỉ tạo ra "vành đai xanh" vững chắc ngăn chặn sóng biển và triều cường, làm giảm thiểu rủi ro thiên tai, cải tạo môi trường vùng biển, những cánh rừng ngập mặn tại Thanh Hóa còn đang mang lại sinh kế bền vững cho nhiều người dân không có công ăn việc làm, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu dưới những tán rừng.

Mỗi khi thủy triều rút, hàng chục người dân các xã Đa Lộc, Hoằng Châu, Nga Thủy, Nga Tân (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) lại kéo nhau ra rừng ngập mặn để "săn" cá còi, cá nác hoa, cua, cáy... dưới những gốc cây sú, vẹt. Đây được xem là nghề của người dân vùng cửa biển hơn chục năm qua. Mưu sinh dưới những tán rừng ngập mặn không giúp người dân giàu lên nhưng lại giúp họ có nguồn thu ổn định, vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Bà Vũ Thị Gái (ngụ xã Đa Lộc) cho biết những lúc nông nhàn, bà và hàng chục phụ nữ lại vào rừng ngập mặn săn bắt thủy sản. Chỉ cần vài giờ vào rừng, những phụ nữ như bà Gái có thể kiếm được vài ký cá, cua, cáy... để cải thiện bữa ăn hằng ngày và bán cho thương lái.

"Cá còi, cua, cáy toàn là những thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao nên mỗi ngày chúng tôi có thể kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Thậm chí, nhiều người có hôm gặp may kiếm được 300.000 - 500.000 đồng. Nghề này có thể khai thác quanh năm, vì thủy sản sinh sôi nảy nở rất nhiều và đa dạng theo các mùa" - bà Gái giải thích.

Người dân địa phương cũng cho biết kể từ ngày có rừng sú, vẹt, nghề nuôi ong mật tại nhiều xã ven biển trên địa bàn huyện Hậu Lộc và huyện Nga Sơn phát triển rất mạnh. Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu, có thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong mật khi tận dụng được nguồn hoa khổng lồ từ những cánh rừng ngập mặn ven biển. Nuôi ong mật vốn không mới ở miền núi nhưng với người dân ven biển, nghề này đã mang lại hiệu quả bất ngờ.

Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết toàn xã có gần 100 hộ nuôi ong, với số lượng đàn khoảng gần 1.000. Hằng năm, cứ mỗi mùa hoa sú, vẹt, bần chua... nở rộ (tháng 4 đến tháng 7), hàng trăm hộ dân trong xã và nhiều địa phương khác trong tỉnh mang hàng chục ngàn đàn ong về đặt ven rừng để chúng lấy mật. Mỗi vụ hoa như thế, những người nuôi ong có thể thu được khoảng 5 tấn mật.

"Ngoài hương vị đặc trưng của loài hoa này, theo những người nuôi ong có kinh nghiệm, mật ong từ hoa sú, vẹt có thể hỗ trợ chữa bệnh đại tràng, dạ dày rất tốt. Xã Đa Lộc đang xây dựng thương hiệu mật ong rừng ngập mặn là sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương để nâng cao thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân" - ông Đỉnh cho hay. 

Vững chắc hơn bất cứ công trình bê-tông nào

 Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, thông qua nhiều chương trình dự án trồng rừng phục hồi môi trường, tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư dễ tổn thương nơi cửa biển tại 6 huyện, thị xã, TP có biển, đến nay, Thanh Hóa có trên 1.000 ha đất ngập mặn ven biển được phủ xanh bởi những cánh rừng sú, vẹt, bần chua và hàng trăm ha đang được triển khai trồng mới. Ông Lê Trọng Hòa, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết qua thực tế, rừng ngập mặn bảo vệ các khu vực ven biển vững chắc hơn bất cứ công trình bê-tông nào trước sức tàn phá của nước mặn và sóng biển, giúp giảm thiểu tới 50% lực tác động của sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cao, góp phần quan trọng bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở ven biển.

Theo NLĐ

comment Bình luận

largeer