Thịt cóc có phải là thần dược chữa được ung thư và bệnh còi xương ở trẻ?

Trong dân gian, thịt cóc được coi là "thần dược" chữa được bệnh còi xương ở trẻ em. Do vậy, rất nhiều bà mẹ đã mua cóc về để chế biến món ăn cho bé. Ngoài ra, nhiều người cũng tin rằng đây cũng được coi là loại thực phẩm có thể chữa khỏi ung thư.
23/10/2020 17:28

Ăn thịt cóc chữa được còi xương?

Cóc có nhiều loại, trong đó có cóc nhà và cóc rừng. Cóc nhà có tên khoa học là Bufo melanosti ccus Schneider; cóc rừng có tên khoa học là Bufo galeatus Gunther. Cóc là loài lưỡng thể, có thể sống được trên cạn và cả dưới nước.

Trong Đông y, thịt cóc được dùng như một loại thực phẩm bổ dưỡng cho người già và cho trẻ em còi cọc.

Thịt cóc chứa 53% protein, trong đó có nhiều axit amin có giá trị như histidin, tyrosin, methionin, leucin, phenyllamin, sắt, phốt pho, canxi và các vi lượng. So với các loại thịt gia súc, gia cầm có giá trị như thịt lợn, thịt bò, thịt dê, thịt thỏ, thịt gà, thịt vịt… thì giá trị dinh dưỡng của thịt cóc không hề thua kém.

thit coc

Thịt cóc có chữa được còi xương không?

Nhựa cóc chứa cholesterol, axit ascorlic, và một số chất độc như byfotoxin, bryotalin, bufotenin, cynobufagin…

Thịt cóc có thể chế biến thành các món ăn ngon và đậm đà, có giá trị dinh dưỡng cao. Điều đặc biệt là thịt cóc là một vị thuốc bổ rất tốt cho trẻ em, dùng chữa chứng cam, kém ăn, chậm lớn, bụng ỏng, đít teo. Thông thường người ta làm thịt cóc lấy thịt (có nơi chỉ lấy đùi) thái nhỏ đem rim, băm nhỏ làm chả hoặc tráng trứng, nhưng phần lớn chế biến thành ruốc để bảo quản và sử dụng trong nhiều ngày.

Tuy nhiên theo phân tích của Ths. Bs. Dương Công Minh trên trang Webiste của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho hay dựa trên Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện dinh dưỡng công bố năm 2007, cho thấy thịt cóc không phải là "thần dược" để chữa còi xương và biếng ăn cho trẻ.

Lượng kẽm trong cóc không sánh được hải sản như sò, hến, hàu. Mặt khác, thịt cóc, với hàm lượng canxi và Vitamin D "nghèo" coi như bằng không, rõ ràng không thể giúp bé phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương được. 

Ăn thịt cóc chữa được ung thư?

Trong một vài năm gần đây xuất hiện thông tin về việc sử dụng cóc hay mật cóc chữa bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Có người đưa tin rằng bệnh đã thuyên giảm nhưng có cũng có thông tin về những trường hợp bệnh không qua khỏi sau lần sử dụng đầu tiên.

thit coc 1

Hình minh họa.

Trong bài phỏng vấn trên báo chí, PGS. TS. Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ăn thịt cóc có thể xảy ra ngộ độc đáng tiếc, bởi con cóc có nọc độc (Bufotoxin) tiết ra ở tuyến dưới da, đặc biệt ở phần gáy và cổ nhiều nhất. Ngoài tuyến độc dưới da, nọc độc cóc còn có ở một số bộ phận trong cơ thể cóc như trong gan, trứng.

Chất Bufotoxin trước đây được ngành y sử dụng để kích thích thần kinh, trợ tim mạch nhưng hiện đã cấm sử dụng và buôn bán vì độc tính và khả năng gây nghiện cho người dùng.

Theo đó, nọc độc này có đặc tính không bị phân hủy vì nhiệt. Dù nấu, xào, rang… thì nó đều không mất hoạt tính. Độc nhất là đánh thẳng vào tim, có thể gây tan máu, liệt cơ, suy thận cấp, vô niệu…

Đông y sử dụng nhựa cóc làm một vị thuốc có tên gọi là Thiềm ô. Vị thuốc này có độc và việc sử dụng phải được kiểm soát kỹ liều lượng cũng như cách bào chế.

Nhiều người truyền tai nhau việc nuốt mật cóc, nuốt con cóc hay nướng thành than để uống sẽ chữa được ung thư. Thực ra, đây là thông tin không được kiểm trứng. Hiện chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được tác dụng điều trị ung thư của việc nuốt cóc, ăn gan mật hay trứng cóc tươi. Trong khi đó, lượng nọc độc trong một con cóc có thể giết chết 4-5 người trưởng thành. Bộ Y tế khuyến cáo cấm sử dụng cóc trong việc chữa bệnh.

Hiện chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được tác dụng điều trị ung thư của việc nuốt cóc, ăn gan mật hay trứng cóc tươi. Trong khi đó, lượng nọc độc trong một con cóc có thể giết chết 4-5 người trưởng thành. Bộ Y tế khuyến cáo cấm sử dụng cóc trong việc chữa bệnh.

Thực tế, vào năm 2013, Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Sơn ghi nhận trường hợp 3 bố con phải nhập viện cấp cứu sau 30 phút ăn thịt cóc. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn, buồn nôn liên tục. May cả ba đều ăn ít nên chỉ ngộ độc nhẹ. Vào năm 2019, tại Đăk Lăk cũng ghi nhận trường hợp 3 chị em bị ngộ độc khi ăn thịt cóc.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer