Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Thử thách momo là gì? Tại sao thử thách momo lại nguy hiểm đối với trẻ nhỏ?

Momo Challenge được cho là một trong những nguyên nhân làm nhiều trẻ em, thanh thiếu niên trở nên kích động và có nhiều hành động bạo lực nguy hiểm, thậm chí là tự sát. Mới đây, bé trai 8 tuổi tử vong do tự dùng áo treo cổ, theo nghi vấn của gia đình là bé trai này học theo hướng dẫn của trò “thử thách momo”. Vậy thử thách momo là gì? Tại sao thử thách này lại nguy hiểm đến vậy?
26/11/2020 08:16

Thử thách momo là gì?

photo1606310077374-1606310077871419384203

Hình minh họa

Nhân vật búp bê Momo hay cụ thể là "Thử thách Momo" (Momo Challenge) được cho là trào lưu đến từ nước Anh từ tháng 8/2018. Trong các đoạn video "Thử thách Momo", nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

Có lẽ nhà điêu khắc người Nhật Bản Keisuke Aisawa có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được tác phẩm “Chim mẹ” theo tường phái siêu thực, có hơi hướng Toxic, một trong những tác phẩm điêu khắc mà anh tâm đắc nhất, từng gây tiếng vang lớn khi trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla tại Tokyo năm 2016, lại trở thành “công cụ” cho một trào lưu khủng khiếp, độc hại và gây ám ảnh.

Những thử thách này nhắm mục tiêu vào các thanh thiếu niên. Một nhóm những kẻ tự xưng là "Momo" trên trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp đã cố gắng thuyết phục mọi người liên hệ với chúng qua điện thoại di động. Hệt như các "thử thách tự sát" khác trên internet như "cá voi xanh" , người chơi sau khi gọi điện sẽ được nhận các chuỗi nhiệm vụ đáng sợ. Nếu người gọi từ chối thực, bọn chúng sẽ buông những lời đe dọa khủng khiếp. Tin nhắn của những kẻ này còn đi kèm những hình ảnh đẫm máu thay cho sự cảnh cáo.

Tại sao thử thách momo lại nguy hiểm đối với trẻ nhỏ?

thu-thach-momo-2111

Hình minh họa

Mới đây, Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang tiến hành điều tra nguyên nhân một bé trai 8 tuổi tử vong bất thường. Nạn nhân cháu V.P.L (SN 2012) trú tại ấp Trà Cổ, xã Bình Minh. Thông tin ban đầu, vào khoảng 20h30 ngày 21/11, cháu L. ngồi xem tivi tại phòng khách cùng mẹ, anh trai và em trai của mình, sau đó vào nhà vệ sinh. Sau khi gọi và kiểm tra không thấy trả lời, dự tính có điều chẳng lành, người mẹ nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thì thấy cháu L. treo lơ lửng ở sát tường. Sau khi bế ra khỏi nhà vệ sinh, cháu L. đã không còn thở, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng cháu đã tử vong trước đó.

Gia đình cho biết, cháu L. không có bệnh tật gì nhưng thường ngày cháu rất hiếu động, khi chơi đùa thì thích móc áo, quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng. Nghi vấn ban đầu, cháu L. tử vong với tình trạng như trên có thể do học theo "thử thách Momo" trên mạng xã hội.

Không chỉ trường hợp của cháu L. mà trước đó đã có rất nhiều vụ việc trẻ em kích động, bạo lực, tự vẫn liên quan đến “thử thách momo”.

Sau khi "chuyển đất diễn" từ Whatapps sang Youtube, nhất là Youtube Kid, "thử thách Momo" mới thực sự khiến dư luận xã hội chú ý. Vậy mánh khóe đe dọa, dụ dỗ của "Momo" đáng sợ thế nào mà khiến trẻ em sợ hãi và răm rắp nghe theo?

Đầu tiên, những kẻ xấu lợi dụng Momo để tạo nên điều tồi tệ này sẽ lồng ghép nhân vật "Momo" vào trong một video hoạt hình trẻ em phổ biến, ví dụ như hoạt hình Peppa. Vài phút đầu, video sẽ chỉ toàn là hình ảnh và âm nhạc dễ thương về Peppa. Thế nhưng sau đó, "Momo" sẽ được lồng ghép vào với "nhiệm vụ" xúi Peppa uống thuốc độc, bật lò nướng khi cha mẹ ngủ, đâm người, tự cắt cổ tay,... và kèm theo hướng dẫn cách làm. Thậm chí, "Momo" còn kèm theo lời đe dọa nếu nói cho cha mẹ biết về mình thì sẽ bị nó bắt đi. Tinh vi ở chỗ, những hướng dẫn này vẫn phát trên nền nhạc đáng yêu của trẻ con khiến cha mẹ nếu không xem cùng con sẽ không thấy.

Chính sự tinh vi, lời đe dọa độc ác, những hướng dẫn nhiệm vụ oái oăm cùng ngoại hình kinh dị của "Momo" đã khiến những đứa trẻ hoảng loạn làm theo sau đó nhận hậu quả đáng tiếc. 

Làm thế nào để phụ huynh có thể bảo vệ trẻ trước “thử thách momo” và những trò chơi trên mạng khác?

kiem-soat-tre-em-dung-smartphone-2020-07-12-15-52

Hình minh họa

Carolyn Bunting, CEO của hội nhóm bảo vệ an toàn trẻ em Internet Matters đã khuyên các bậc phụ huynh nên ngồi xuống và nói chuyện với con cái họ.

Cô nói:"Sự tồn tại của những thách thức trực tuyến như "Momo" rõ ràng là một vấn đề cần quan tâm của các bậc cha mẹ. Nghiên cứu Back To School mới nhất của chúng tôi cho thấy 7 trong số 10 phụ huynh học sinh đang lo lắng con cái họ sẽ bị đẩy vào những cơn sốt và thách thức trực tuyến nguy hiểm."

Phát thanh viên Andy Robertson, người tạo video trực tuyến với tư cách là Geek Dad, chia sẻ rằng cha mẹ không nên chia sẻ những cảnh báo gây ra và hoang đường hóa câu chuyện. Thay vào đó ông khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tập trung tốt hơn vào những lời khuyên tích cực cho trẻ em, thiết lập công nghệ phù hợp và quan tâm đến các tương tác trực tuyến của chúng.

Một điều quan trọng nữa là không được hoảng sợ và đi đến kết luận mà không hỏi rõ sự thật. Không phải bất cứ sự thay đổi nào của trẻ em cũng là do "Momo" hay do những trò thử thách trên mạng. Đôi khi cha mẹ phải tinh tế trong cách nắm bắt tâm lý trẻ. Sẽ là một điều tốt nếu cha mẹ ngồi xuống với con cái và nói chuyện về những thứ chúng hay xem trên internet như những người bạn.

Để bảo vệ con mình trước môi trường trực tuyến thì cha mẹ cần phải: đảm bảo biết được trẻ truy cập gì trên internet, đảm bảo cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân và không trao nó cho bất kỳ kẻ nào không quen biết, bố mẹ cũng nên cho trẻ biết không ai có quyền yêu cầu chúng phải làm những điều mà chúng không muốn và điều cuối cùng là bố mẹ hãy lưu ý việc cài đặt, sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên smartphone và máy tính để giữ an toàn cho trẻ.

Thanh Trà ( Tổng hợp)

comment Bình luận