Thừa Thiên Huế cảnh báo mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh từ ngày 30/11 - 3/12

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 30/11, một đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ và toàn tỉnh, nhiệt độ thấp nhất ở vùng A Lưới từ 14 - 16 độ C, các nơi khác 17 - 19 độ C.
30/11/2022 12:00

Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10; biển động dữ dội. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Theo đó, từ chiều tối ngày 30/11 đến ngày 3/12, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 400mm, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc sét và gió giật mạnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện Công văn số 606/VPTT ngày 29/11/2022 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai về việc ứng phó mưa lũ, rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, Ban, ngành triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến gió mạnh trên biển và thông tin cảnh báo, dự báo mưa lớn của cơ quan khí tượng thủy văn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, Hue-S , trang Facebook Thông tin phòng chống thiên tai Thừa Thiên Huế, nhóm Zalo trực ban PCTT các huyện, thị xã, thành phố; theo dõi lượng mưa trên địa bàn tại trang web http://Vrain.vn hoặc ứng dụng Vrain trên điện thoại. Tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến cộng đồng biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, có kế hoạch bảo vệ sản xuất.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của gió mạnh trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. 

Chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh rét đậm, rét hại đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; các biện pháp an toàn cho cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là đối với vùng núi cao.

Kiểm tra, rà soát phương án sơ tán dân tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị, để chủ động sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công. 

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Các đơn vị cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer