Thừa Thiên Huế hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch số 315/KH-UBND thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh.
20/09/2023 17:11

Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030. Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; Tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội. Bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đối với trẻ em, phấn đấu đến năm 2025: Có ít nhất 40% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 96% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non (GDMN); trong đó, có 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 90% các huyện, thị xã tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS) có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và phát triển

Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và phát triển

Đến năm 2030: Có ít nhất 43% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non (GDMN); trong đó, có 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 100% các huyện, thị xã tập trung đông trẻ em người DTTS có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Hàng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

Đối với giáo viên, hàng năm, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho 100% giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phấn đấu đến năm 2030: Xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo kế hoạch quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.

Để đạt được những mục tiêu trên, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau: Nghiên cứu xây dựng và thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; Triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em; Huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer