Thực hư tình trạng bệnh hô hấp ở trẻ em gia tăng đột biến tại TP. Hồ Chí Minh

Từ nhiều năm qua, một trong những bệnh lý nặng ở trẻ em mà 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP. Hồ Chi Minh thường tiếp nhận điều trị do các bệnh viện trong khu vực phía Nam chuyển đến đó là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp nặng, những bệnh nhi này cần phải được hồi sức hô hấp và điều trị chuyên sâu.
20/11/2023 14:52

Gần như là một quy luật, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em thường tăng vào những tháng cuối năm, năm 2023 cũng không là năm ngoại lệ.

Trước tình hình này, chiều ngày 17/11/2023, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Bệnh viện chuyên khoa Nhi và BV Bệnh Nhiệt đới tổ chức họp giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch với các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa Nhi thuộc các tỉnh phía Nam về các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp đang lưu hành như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và nhất là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp như viêm phổi và viêm tiểu phế quản đang có dấu hiệu gia tăng theo chu kỳ cuối năm.

bac-si-gioi-ve-ho-hap-nhi-canh-bao-nhung-benh-ho-hap-thuong-gap-1

(Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà)

Tại hội nghị này, các bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Nhi Đồng Thành phố và BV Bệnh Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh đều nhận định hiện nay số ca mắc nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng trong tháng 10/2023 so với các tháng trước đó, đây là hiện tượng tăng theo chu kỳ vào những tháng cuối năm của nhóm bệnh này ở trẻ em, điều đáng lo là khi số ca mắc tăng thì số ca nặng và số tử vong sẽ tăng là điều rất khó tránh khỏi nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các tuyến. Do đó, thông qua hội nghị các chuyên gia của các bệnh viện tuyến cuối mong muốn chia sẽ kinh nghiệm chẩn đoán và nhất là thống nhất phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm trách gây quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố.

Theo các chuyên gia, bệnh nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, việc bệnh hô hấp tăng trong những tháng cuối năm khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, mưa nhiều cũng được ghi nhận trong những năm trước vì các cháu nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết. Tình hình mắc và tử vong do viêm phổi nặng ở trẻ em tại khu vực phía Nam trong những năm qua vẫn chưa có thay đổi đáng kể. Theo các chuyên gia về Nhi khoa của Thành phố, phần lớn những bệnh nhi tử vong do bệnh hô hấp có bệnh nền mạn tính đi kèm như tiền căn sanh non, nhẹ cân, bệnh phổi mạn, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh lý huyết học bẩm sinh… Đây là nhóm bệnh lý phức tạp, giảm tỷ lệ tử vong của nhóm bệnh này ở trẻ em vẫn còn là thách thức đối với chuyên ngành Nhi khoa không chỉ của nước ta mà cả các các nước phát triển.

Theo số liệu báo cáo của các bệnh viện chuyên khoa Nhi trên địa bàn Thành phố, số trường hợp điều trị ngoại trú, điều trị nội trú và số trường hợp tử vong của nhóm bệnh này trong 10 tháng đầu năm 2023 có tăng nhẹ so với các năm 2021, 2022 (những năm bùng phát của dịch COVID-19), tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước dịch COVID-19 (giai đoạn từ năm 2015-2020). 

Về tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường, đa số là các tác nhân thông thường gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em như vi rút cúm mùa, vi rút Adeno, RSV, các vi khuẩn Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Mycoplasma pneumoniae. Tăng cường truyền thông thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thường xuyên đeo khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi,… vẫn là giải pháp quan trọng giúp hạn chế lây lan mầm bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, các chuyên gia của Ngành Y tế Thành phố mong rằng các công trình nghiên cứu về vắc xin phòng chống nhiễm trùng đường hô hấp trên thế giới và trong nước sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu mới, giống như vaccine phòng COVID-19 vừa qua.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer