Thực phẩm tốt cho người mắc hội chứng chuyển hóa

Đối với những người mắc hội chứng chuyển hóa (nhóm bệnh rối loạn trao đổi chất với các biểu hiện bao gồm béo bụng, mỡ trong máu cao, huyết áp cao và kháng insulin), lựa chọn đúng thực phẩm hữu ích tương đương với uống thuốc.
23/08/2023 16:03

Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa cần bổ sung lượng vitamin E nhiều hơn 50% so với người khỏe mạnh. Nguyên do là mức độ căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm của họ cao hơn, nên cơ thể cần bổ sung nhiều chất chống oxy hóa như vitamin E để đẩy lùi các tác động có hại. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị thay vì dùng thuốc bổ, người bệnh nên ưu tiên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin E vào chế độ ăn uống hằng ngày như:

Dầu mầm lúa mì

Loại dầu chiết xuất từ mầm của hạt lúa mì nguyên cám này là một trong những nguồn bổ sung vitamin E tốt nhất, 1 muỗng dầu cung cấp đủ 100% lượng vitamin E được khuyên dùng hàng ngày (RDA). Lưu ý, dầu mầm lúa mì rất dễ biến chất ở nhiệt độ cao, nên tốt nhất chỉ dùng cho các món ăn không đun nấu, chẳng hạn như làm nước sốt cho món rau trộn hoặc nhỏ thêm vài giọt vào các món sinh tố.

Ảnh: Prevention

Ảnh: Prevention

Hạt hướng dương

Chỉ cần nhâm nhi một nắm hạt hướng dương giòn rụm là đủ đáp ứng gần 40% nhu cầu vitamin E của cơ thể. Nhờ sở hữu hương vị trung tính, nên hạt hướng dương có thể được dùng làm thành phần chính cho nhiều loạt nước chấm và nước sốt dạng kem. Trước khi chế biến, chỉ cần ngâm hạt hướng dương ít nhất 2 tiếng để làm mềm chúng.

Hạnh nhân

Loại hạt dồi dào protein này chứa hàm lượng vitamin E gần bằng hạt hướng dương. Nếu ngán ăn không, hãy thử băm nhỏ hạt hạnh nhân và dùng làm bột phủ bên ngoài món gà hoặc cá chiên thay cho vụn bánh mì. Một lựa chọn khác là sử dụng bơ hạnh nhân để chế biến các món súp đặc hoặc kem súp.

Hạt phỉ (Hazelnut)

Dùng 1 nắm hạt phỉ đủ cung cấp cho cơ thể 25% nhu cầu vitamin E hằng ngày. Để đỡ ngán, bạn có thể nhâm nhi hạt phỉ với một mẩu socola đen hoặc rắc một ít hạt phỉ rang vàng băm nhỏ lên các loại rau củ nướng để tăng hương vị.

Cải bó xôi

Một chén cải bó xôi nấu chín đáp ứng 20% lượng vitamin E cơ thể cần. Cách nhanh và đơn giản để chế biến cải bó xôi là xào với dầu ăn và tỏi. Ở một vài nơi, người ta còn trộn cải bó xôi (được nấu chín, xắt nhỏ và trữ lạnh) vào sữa chua để bổ sung dinh dưỡng.

Bông cải xanh

Khi ăn một chén bông cải xanh nấu chín, cơ thể nhận được gần 15% lượng vitamin E cần thiết. Tuy bông cải xanh thường được trang trí như rau ăn kèm của món ăn chính, song bạn có thể nghiên cứu chế biến nó thành món ăn chính. Ví dụ, chẻ bông cải xanh làm tư, làm chín trong chảo nóng và rưới thêm một ít nước sốt, bạn đã có ngay một món ăn chính không chứa thịt.

Theo Prevention

comment Bình luận

largeer