Thủy điện nhỏ có tác động tới mưa lũ?

Chuyên gia Nguyễn Tài Sơn đánh giá thủy điện nhỏ không gây ra lũ mà còn góp phần cắt lũ. Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Chu đã phản bác ý kiến này.
31/10/2020 06:45

Sáng 30/10, Hội Truyền thông số tổ chức tọa đàm "Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt". Đánh giá thủy điện nhỏ không gây ra lũ, ông Nguyễn Tài Sơn đưa ra ví dụ, đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, nước đổ về thủy điện Quảng Trị là 1.400 m3/s, hồ Quảng Trị cắt được 296 m3 (21%). Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) cắt được 2.052 m3/s trên lưu lượng đổ về 4.552 m3/s, đạt 45%. Thủy điện Đắk Mi 4 cắt được 2.353 m3/s trên lưu lượng đổ về 3.149 m3/s.

"Thủy điện sông Tranh 2 ở Quảng Nam từ qua đến nay đã cắt được 50% lũ", ông Sơn nói và cho rằng đợt mưa từ ngày 6 đến 20/10 ở miền Trung nhiều nơi ghi nhận hơn 2.000 mm là nguyên nhân chính dẫn tới lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng hồ thủy điện chỉ xả đúng lưu lượng nước đổ về.

dai bieu

Chuyên gia Nguyễn Tài Sơn phát biểu tại tọa đàm ngày 30/10. Ảnh: Gia Chính

Về ảnh hưởng đến rừng, ông Sơn nhận định thủy điện góp phần phục hồi độ che phủ rừng từ 28% năm 1995 lên 41,9% vào năm 2019. "Các thủy điện khi xây dựng đã phá đi diện tích rừng nhất định, nhưng họ phải đóng góp chi phí phục hồi rừng hàng năm. Đây là khoản tiền được trả trực tiếp cho người dân giúp họ có sinh kế mới không vào rừng khai thác như trước đây nữa", ông Sơn nói.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Đại học Tài Nguyên và Môi trường, phân tích mức độ giảm nhẹ lũ tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành hồ. Các hồ nhỏ gần như không có khả năng tích nước nên cũng không gây ra lũ. "Khi mưa, các hồ sẽ xả nước về mức đón lũ, không làm gia tăng lũ. Nước trong hồ là tài sản của thủy điện nên việc tích nước với họ rất quan trọng, xả hơn thì hồ mất nước, mất tiền chứ không có lợi gì", ông Ca nói.

db

PGS Vũ Thanh Ca nói về thủy điện. Ảnh: Gia Chính

Theo ông Ca, khi mưa lớn thì thủy điện phải xả lũ nhưng lượng xả tối đa sẽ chỉ bằng lượng nước đổ về nên việc lũ quét gây hậu quả nghiêm trọng là do lượng mưa quá lớn chứ không phải do thủy điện xả lũ.

Về khả năng trữ nước cắt lũ, PGS Ca cho biết phần nước do thủy điện lưu giữ trong lòng hồ lớn hơn rất nhiều lượng nước có thể chứa trong phần rừng bị phá. "Nếu mưa nhỏ hơn 200 mm thì rừng có thể chứa được, nhưng với lũ cực đoan và lũ trên diện rộng do mưa lớn kéo dài thì rừng không còn khả năng giữ thêm nước", ông Ca nói.

Trái với quan điểm trên, TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng thủy điện nhỏ không có khả năng điều tiết mà còn góp phần tăng thêm mức độ nghiêm trọng của lũ. "Lưu lượng xả có thể không tăng so với dòng chảy tự nhiên, nhưng tốc độ chảy sẽ nhanh hơn khiến sức tàn phá của nước lũ lớn hơn", TS Chu nói.

Ngoài ra, TS Chu nhận định việc xây dựng nhiều thủy điện nhỏ tiềm ẩn nguy cơ về khai thác rừng tự nhiên. "Rừng tự nhiên sẽ có khả năng tiêu lũ khác so với rừng trồng. Diện tích rừng trồng có thể tăng lên nhưng chưa chắc đã giữ được nhiều nước bằng rừng tự nhiên", ông nói.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết hiện các nhà máy thủy điện đã trồng được 33.000 ha rừng. Theo Nghị quyết 62 năm 2014, tổng diện tích các loại đất để sản xuất ra 1MW điện chỉ khoảng 1,89 ha rừng. Từ năm 2016, riêng rừng tự nhiên không lập quy hoạch để xây dựng thủy điện.

Ông Quân thông tin hàng năm UBND các tỉnh đều lên phương án phòng chống lụt bão. Tuy nhiên, với mưa bão như thời gian vừa rồi thì không có phương án nào ứng phó kịp. "Ví dụ như ở A Lưới, lượng mưa tới hơn 2.000 mm thì cả đá cũng bay. Việc xây dựng công trình thủy điện luôn đảm bảo chất lượng, ví dụ ở Rào Trăng 3 mưa lũ lớn nhưng các công trình chính đều không ảnh hưởng, phần sạt lở nằm trên đường cách công trình chính khoảng 500 m", ông Quân lấy ví dụ.

dbb

TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng thủy điện làm tăng ảnh hưởng của lũ. Ảnh: Gia Chính

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Công Thương, việc xây dựng thủy điện gây mất rừng tự nhiên thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương mà trực tiếp là lực lượng kiểm lâm, còn các công trình thủy điện gây mất rừng "không đáng kể".

Từ ngày 6/10 đến nay, miền Trung trải qua ba đợt mưa lũ. Đỉnh lũ, lượng mưa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã vượt giá trị lịch sử. Sạt lở đất xuất hiện ở nhiều nơi, trong đó riêng vụ ở Đoàn 337 tỉnh Quảng Trị làm 22 quân nhân hy sinh; vụ ở Trạm Kiểm lâm 67 (Thừa Thiên Huế) làm 13 người chết; vụ ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) vùi chết 5 công nhân, 12 người vẫn mất tích.

Mới đây nhất ngày 28/10, hai vụ sạt lở núi ở huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi 16 sinh mạng, 12 người đang mất tích.

Theo VnExpess

comment Bình luận

largeer