Tình dịch COVID-19 trên thế giới ngày 23/4

Đến sáng 23/4, thế giới có trên 508,36 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,23 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
23/04/2022 09:01

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 82,58 triệu ca mắc và hơn 1,017 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 26.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giới chức thành phố Philadelphia thuộc bang Pennsylvania cho biết, thành phố 1,5 triệu dân này sẽ bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian trong nhà. Một người phát ngôn cơ quan y tế sở tại nêu rõ, giới chức y tế thành phố chuyển sang khuyến nghị thay vì bắt buộc người dân đeo khẩu trang trong các không gian công cộng trong nhà trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 phải nhập viện giảm.

Đến nay, đa số các khu vực và bang của Mỹ đều nới lỏng các yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 22/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,05 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 522.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Chính quyền thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang trở lại sau khi số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng trong những ngày gần đây. Mặc dù số ca nhiễm mới tăng cao nhưng số ca nhập viện vẫn thấp và các bệnh viện vẫn đủ năng lực điều trị.

Số ca nhiễm mới ở thủ đô New Delhi chiếm hơn 42% trong tổng số 2.380 ca trên toàn quốc. Số lượng các trường hợp mắc mới hàng ngày ở Ấn Độ dao động quanh mức hơn 2.000 ca trong một tháng gần đây, sau khi hầu hết các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả các hình phạt đối với việc không đeo khẩu trang, đã được dỡ bỏ vài tuần trước.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 662.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,33 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, một bệnh nhân Anh có hệ miễn dịch suy yếu từng mắc COVID-19 trong 505 ngày liên tiếp, đây là trường hợp mắc bệnh lâu nhất từng được ghi nhận. Người này được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesiver và đã qua đời trong năm 2021. Các nhà nghiên cứu đã từ chối tiết lộ lý do gây tử vong và cho biết, bệnh nhân mắc một số bệnh nghiêm trọng khác.

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát triển thêm nhiều thêm phương pháp điều trị để hỗ trợ những người mắc COVID-19 trong thời gian dài đánh bại được virus. Mặc dù việc mắc COVID-19 trong thời gian dài hiếm khi xảy ra nhưng chuyên gia cảnh báo, vẫn còn nhiều người có hệ miễn dịch yếu. Họ là đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng và đang nỗ lực tự bảo vệ sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Do đó, việc đeo khẩu trang vẫn là biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Bộ Y tế bang New South Wales của Australia thông báo, từ ngày 25/4 tới sẽ thực hiện báo cáo tổng hợp hàng tuần về dịch COVID-19 thay vì báo cáo hàng ngày. Động thái này cho thấy, bang New South Wales đang chuyển sang giai đoạn mới sống chung an toàn với đại dịch. Ngoài bang New South Wales , ba địa phương khác của Australia cũng đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với người tiếp xúc gần là Vùng Thủ đô Canberra, bang Queensland và Victoria.

Tính đến nay, hơn 95% dân số Australia từ 16 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 69% người đủ điều kiện đã được tiêm mũi tăng cường.

848

Đeo khẩu trang vẫn là biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh

Bắt đầu từ ngày 26/4, Singapore sẽ loại bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra sau khi Singapore ghi nhận sự giảm mạnh các ca mắc mới COVID-19 hàng ngày.

Quốc gia này sẽ loại bỏ các hạn chế về qui mô nhóm được tụ tập, cho phép nhân viên được trở lại nơi làm việc đầy đủ, hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với khách du lịch đã tiêm phòng. Các động thái này được cho là sẽ giúp phục hồi ngành hàng không và du lịch của Singapore.

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 22/4 đã công bố những thay đổi lớn trong các quy định phòng chống dịch đối với người nhập cảnh. Theo đó, từ ngày 1/5 tới, Thái Lan bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR khi đến đối với du khách đã được tiêm chủng đầy đủ.

Kể từ đầu tháng 4 này, du khách nước ngoài và người Thái Lan về nước không cần phải làm xét nghiệm RT-PCR trước khi lên đường, nhưng vẫn phải làm xét nghiệm bằng phương pháp này sau khi nhập cảnh, kể cả những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Ngành du lịch và các khách sạn ở Thái Lan đã liên tục kêu gọi Chính phủ bãi bỏ yêu cầu nói trên vì gánh nặng chi phí gia tăng khiến khách du lịch tìm đến các quốc gia khác có những quy định dễ dàng hơn.

Ngày 22/4, Thái Lan ghi nhận 21.808 ca mắc mới cùng 128 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay ở Thái Lan là trên 4,12 triệu trường hợp, trong đó có hơn 27.520 người không qua khỏi.

Đến nay, Thái Lan đã tiêm được 132,09 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 21/4, 80,6% dân số Thái Lan đã được tiêm một mũi vaccine, 73,1% được tiêm 2 mũi, trong khi 36,2% được tiêm mũi tăng cường.

Chính quyền thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã quyết định duy trì "giai đoạn tái bùng phát dịch bệnh" thêm một tháng nhằm sẵn sàng đối phó với khả năng số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Theo đó, các nhà hàng tại Tokyo sẽ được nới lỏng mức giới hạn số lượng khách theo nhóm từ 4 người lên 8 người. Tuy nhiên, thời gian ăn uống bị hạn chế trong 2 giờ đồng hồ và nhà hàng chỉ được phục vụ đồ uống có cồn đến 21h.

Những quy định trên sẽ được miễn nếu toàn bộ khách đều được xác nhận âm tính với COVID-19. Ngoài ra, chính quyền Tokyo kêu gọi người dân hoàn tất tiêm chủng vaccine mũi thứ 3 trước khi tham gia di chuyển du lịch trong "Tuần lễ Vàng" sắp tới.

Ngày 22/4, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum thông báo, bắt đầu từ tuần tới, nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt để phòng dịch COVID-19. Theo đó, người dân sẽ được phép ăn uống trong các rạp chiếu phim, các phòng tập thể dục trong nhà, các địa điểm tôn giáo, tàu điện, tàu hỏa và xe bus.

Phát biểu tại một cuộc họp ứng phó với COVID-19, ông Kim Boo-kyum cho biết, số ca mắc mới trung bình theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 40% so với một tuần trước đó, trong khi số ca bệnh nặng và tử vong cũng tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên, Thủ tướng Kim cảnh báo, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế không đồng nghĩa không còn nguy cơ lây nhiễm.

848

Số ca mắc mới trung bình theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 40% so với tuần trước

Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã chính thức nới lỏng lệnh phong tỏa vốn được áp đặt từ cuối tháng 3 vừa qua nhằm ngăn dịch COVID-19. Theo đó, chính quyền Thượng Hải đã cho phép 4 triệu người dân có thể ra ngoài. Những nơi được nới lỏng là những khu vực không có báo cáo ca bệnh mới. Người dân được phép ra khỏi nhà nhưng vẫn hạn chế đến các khu dân cư lân cận.

Các quan chức Thượng Hải cho biết, hiện 12,3 triệu dân trên tổng số 25 triệu dân của thành phố đang ở trong các khu vực "kiểm soát" hoặc "phòng ngừa", mức hạn chế thấp nhất trong hệ thống ba cấp. Ngày 21/4, thành phố Thượng hải ghi nhận hơn 20.000 người khỏi bệnh.

Sau hơn 4 tháng phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã tiến hành nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo từng giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, các nhà hàng được phục vụ khách ăn tại chỗ đến 22h, thay vì 18h. Tuy nhiên, cả thực khách và nhân viên phục vụ phải được tiêm vaccine đầy đủ. Chính quyền Hong Kong cũng đã cho phép mở cửa trở lại các trung tâm thể dục, thẩm mỹ viện, địa điểm giải trí công cộng, rạp chiếu phim... Các địa điểm này sẽ giới hạn 50% sức chứa và các nhóm tụ tập không quá 4 người. Nhiều trường học đã nối lại việc học trực tiếp theo từng giai đoạn sau nhiều tháng học trực tuyến. Tuy nhiên, bể bơi, bãi biển, quán bar, câu lạc bộ đêm và phòng xông hơi vẫn phải đóng cửa.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25% trong tuần trước, tiếp tục đà giảm từ cuối tháng 3, cụ thể trong tuần từ ngày 11 - 17/4 là gần 5,59 triệu ca. Số người tử vong liên quan COVID-19 cũng giảm 21%, còn hơn 18.200 ca.

WHO cho biết, mọi khu vực đều ghi nhận số ca mắc giảm, riêng các nước châu Mỹ tỷ lệ giảm chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý, xu hướng giảm cần được tiếp cận, phân tích một cách thận trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2, làm giảm số lượt xét nghiệm, kéo theo số ca mắc COVID-19 được thống kê cũng giảm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể nhẹ nhưng có nguy cơ cao nhập viện. WHO cho rằng, thuốc Paxlovid là sự lựa chọn tốt trong điều trị những người chưa tiêm vaccine, người già hay người không có khả năng miễn dịch với COVID-19. WHO đưa ra khuyến nghị mới này sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm mới đây cho thấy, thuốc Paxlovid làm giảm nguy cơ nhập viện tới 85%.

Khuyến nghị mới này của WHO chỉ áp dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên, không sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ cho con bú cũng như những bệnh nhân COVID-19 ít có nguy cơ trở nặng.

Trái với suy nghĩ thông thường, di chứng hậu COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến phổi hoặc các cơ quan hô hấp khác mà còn được ghi nhận ở đa số các bộ phận trong cơ thể con người như não bộ, tim, thận và thậm chí là cả tóc. Đây là kết luận trong nghiên cứu của nhóm tác giả Hàn Quốc về di chứng hậu COVID-19 được công bố ngày 21/4.

Theo nghiên cứu, đa số những hội chứng không mong muốn này xảy ra trong 3 tháng sau khi mắc bệnh. Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cho thấy, gần 40% số bệnh nhân COVID-19 đã đến viện để khám bệnh mới phát sinh trong 3 tháng sau khi mắc COVID-19. Chuyên gia khuyến cáo, những người có triệu chứng mắc bệnh mới trong 3 tháng sau khi mắc COVID-19 cần được kiểm tra xem liệu đó có phải là di chứng hậu COVID-19 hay không.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer