Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới ngày 25/5
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, Mỹ hiện ghi nhận trên 85,14 triệu ca mắc và hơn 1,029 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 30.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi, trong tuần qua, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 107.000 ca mắc COVID-19 là trẻ em, tăng 72% so với cách đây hai tuần. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp số trẻ em mắc COVID-19 tăng tại Mỹ. Như vậy, kể từ khi bùng phát đại dịch, đến nay Mỹ có 13,3 triệu trẻ em dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng chú ý là trong số này có tới 316.000 trẻ được ghi nhận mắc trong 4 tuần vừa qua. Từ đầu năm tới nay, có gần 5,4 triệu trẻ ở Mỹ mắc COVID-19.
Báo cáo trên cũng cho biết, trẻ em chiếm 19% tổng số ca mắc tại Mỹ. AAP cho biết cần khẩn cấp thu thập thêm dữ liệu chi tiết về tuổi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh liên quan đến các biến thể mới cũng như các tác động tiềm ẩn về lâu dài.
Các bác sĩ và các nhà khoa học tại Mỹ đã công bố những kết quả nghiên cứu đầu tiên nhằm giải mã nguyên nhân khiến một số người phải vật lộn với hội chứng COVID kéo dài, một trong những "bí ẩn" lớn nhất trong đại dịch COVID-19. Ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã bắt đầu phân tích bệnh án của hàng trăm bệnh nhân nhằm tìm hiểu nguyên nhân khiến những người này mắc hội chứng COVID kéo dài.
Các nhà khoa học ghi nhận là hơn một nửa số bệnh nhân COVID-19 dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau nhiều tháng nhưng vẫn có các triệu chứng mệt mỏi, sương mù não, đau đầu, tức ngực và nhiều biểu hiện khác. Tuy nhiên, họ khẳng định, số người gặp các triệu chứng trên không chiếm tới 50% số ca đã khỏi bệnh. Con số thực tế có thể thấp hơn nhiều.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 24/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,14 triệu người mắc COVID-19, bao gồm 524.490 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 665.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,8 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA có thể giúp tăng nồng độ kháng thể và phản ứng miễn dịch của tế bào T cao hơn so với mũi thứ 3. Đây là dữ liệu cuộc thử nghiệm được công bố mới đây tại Anh.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đối với 166 người trưởng thành đã tiêm mũi thứ ba vaccine mRNA của hãng Pfizer-BioNTech sau khi hoàn thành liều cơ bản với vaccine cùng loại hoặc vaccine công nghệ vector của hãng AstraZeneca. Những người này được lựa chọn ngẫu nhiên để tiêm mũi thứ tư vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna (công nghệ mRNA). Một nửa số người tham gia thử nghiệm trên 70 tuổi và thời gian trung bình kể từ mũi tiêm thứ ba là 7 tháng.
Kết quả cho thấy, hai tuần sau mũi tiêm thứ tư, nồng độ kháng thể chống lại protein gai của virus SARS-CoV-2 cao gấp đôi nồng độ kháng thể được tạo ra ở thời điểm 4 tuần sau mũi tiêm thứ 3. Nồng độ kháng thể sau mũi thứ tư của vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna là tương đương.
Trong khi đó, phản ứng miễn dịch từ tế bào T tăng mạnh sau 14 ngày kể từ mũi vaccine mRNA thứ 4, nhanh hơn so với 28 ngày sau mũi thứ 3. Tuy nhiên, kết quả này chỉ ghi nhận ở những tình nguyện viên đã tiêm 3 mũi đầu tiên vaccine của Pfizer-BioNTech và mũi thứ tư là vaccine của Moderna.
Ngành du lịch của vùng lãnh thổ Yukon (Canada) đang háo hức trước thông tin lần đầu tiên kể khi đại dịch COVID-19 bùng phát, biên giới cực Bắc của nước này sẽ mở cửa lại vào ngày 1/6 tới. Tuyến biên giới này là một con đường để “kết nối gia đình”, đặc biệt là đối với cộng đồng thổ dân First Nation tại địa phương. Vì vậy, mở cửa biên giới cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc duy trì văn hóa và lịch sử của địa phương.
Ngày 24/5, Triều Tiên không ghi nhận trường hợp tử vong mới nào trong số các ca sốt, lần đầu tiên kể từ khi nước này phát hiện đợt bùng phát COVID-19 gần 2 tuần trước. Đồng thời, giới chức Triều Tiên cho biết, số trường hợp bệnh nhân liên quan đến dịch COVID-19 đang có xu hướng giảm "ổn định". Triều Tiên cho biết, nước này đã "thành công" trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và không có trường hợp tử vong do sốt mới nào được báo cáo tính đến tối 23/5, mặc dù có thêm 134.510 bệnh nhân mới.
Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca sốt hàng ngày ở mức dưới 200.000 trường hợp và lần đầu tiên Triều Tiên báo cáo không có ca tử vong mới kể từ khi công bố số bệnh nhân sốt hàng ngày, theo hãng Thông tấn chính thức KCNA.
Triều Tiên đã không xác nhận tổng số người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thay vào đó, Bình Nhưỡng báo cáo số bệnh nhân có các triệu chứng sốt. Theo đó, tổng số trường hợp sốt tính từ cuối tháng 4 đến nay ở nước này đã tăng lên 2,95 triệu ca, trong khi số người tử vong là 68, theo KCNA.
Triều Tiên cho biết, các nhà chức trách nước này đang phân phối thực phẩm và thuốc men trên khắp đất nước, trong đó các lực lượng quân y được triển khai để giúp phân phát thuốc và tiến hành những cuộc kiểm tra sức khỏe. KCNA cũng cho biết, Triều Tiên đang mở rộng sản xuất các nguồn cung cấp thuốc thiết yếu, mặc dù họ không nói rõ chính xác loại thuốc nào đang được sản xuất.
Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca lần đầu tiên trong 4 tháng qua. Hàn Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron dần suy yếu.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc thông báo, nước này ghi nhận 9.975 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 vừa qua. Số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện điều trị cũng giảm xuống còn 225 người. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số bệnh nhân nặng tại Hàn Quốc ở ngưỡng 200.
Từ đầu tháng 5, Hàn Quốc đã nới lỏng hầu hết các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi ở ngoài trời, trong bối cảnh số ca mắc mới có xu hướng giảm.
Từ tháng 6 tới, Hàn Quốc sẽ nối lại gần 140 chuyến bay trên 22 đường bay quốc tế. Trong đó, đường bay nối thủ đô Seoul của Hàn Quốc và thủ đô Tokyo của Nhật Bản dự kiến được nối lại vào ngày 8/6 sau hơn 2 năm ngừng hoạt động do đại dịch. Bốn sân bay khác ở Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường các chuyến bay quốc tế. Trong số này, sân bay ở thành phố Busan sẽ nối lại gần 80 chuyến bay quốc tế trên 13 đường bay từ tháng tới, cung cấp dịch vụ bay nối các thành phố Hà Nội (Việt Nam), Fukuoka (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan), và Ulan Bator (Mông Cổ).
Ngày 24/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono cho biết sẽ mất hơn 6 tháng để theo dõi tình hình dịch COVID-19 và xác nhận đại dịch kết thúc ở Indonesia. Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện Indonesia (DPR), Thứ trưởng Harbuwono nêu rõ: "Chưa đến lúc đề cập giai đoạn bệnh đặc hữu. Tình hình hiện nay là đại dịch được kiểm soát. Còn phải qua một số giai đoạn nữa".
Theo ông Harbuwono, một trong những thông số để Indonesia bước vào giai đoạn an toàn là duy trì chỉ số lây nhiễm (RT) dưới 1 trong hơn 6 tháng. Chỉ số RT phản ánh số ca nhiễm mới trong cộng đồng sau khi đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát đại dịch, chẳng hạn như hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM), tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các biện pháp khác được áp dụng ở Indonesia.
Theo số liệu cập nhật tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 23/5, số người tiêm đủ liều 2 mũi vaccine tại nước này là 166,9 triệu người, trong khi mục tiêu bao phủ vaccine là hơn 208 triệu người. Hiện Indonesia ghi nhận trên 6,05 triệu ca mắc COVID-19, 156.548 trường hợp thiệt mạng.
Số ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày tại Bắc Kinh vẫn tăng
Trong khi dịch COVID-19 trên toàn Trung Quốc đang có xu hướng suy giảm trong tuần qua, với tổng số ca nhiễm mới hàng ngày đã xuống dưới 1.200, cuộc chiến chống dịch tại thủ đô Bắc Kinh của nước này vẫn đang trong tình thế giằng co. Mặc dù giới chức Bắc Kinh đã áp đặt nhiều biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhưng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại đây đã tăng lên đỉnh mới vào hôm 22/5 vừa qua, khiến giới chuyên gia y tế phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh hơn.
Nhà chức trách và các cộng đồng dân cư ở Bắc Kinh đã liên tục siết chặt công tác phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm sớm dập tắt làn sóng dịch lần này. Nhiều khả năng làn sóng dịch lần này ở Bắc Kinh có thể kéo dài đến tháng 6.
Kết quả một nghiên cứu quy mô nhỏ tại Mỹ mới đây cho thấy, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch ở những người trẻ tuổi đã tiêm phòng COVID-19.
Các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2 đều ảnh hưởng đến chức năng của tim và các mạch máu ở bệnh nhân COVID-19. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, tình trạng tương tự sẽ xảy ra ở 23 tình nguyện viên trẻ tuổi được chẩn đoán lây nhiễm đột phá biến thể Omicron (lây nhiễm ở người đã tiêm chủng đầy đủ) trong 6 tuần qua.
Kết quả cho thấy, trái với giả thuyết của các nhà nghiên cứu, không có sự khác biệt về chức năng tim mạch ở những người trẻ tuổi đã tiêm phòng nhưng mắc COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron vừa qua và những người chưa từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, gần đây có một số bằng chứng cho thấy, sức khỏe tim mạch của những người mắc COVID-19 vẫn có thể bị ảnh hưởng về lâu dài. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu rộng hơn về vấn đề này.
Pfizer-BioNTech tuyên bố, sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả đối với trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi nếu trẻ được tiêm 3 mũi. Pfizer đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ có kế hoạch họp trong những tuần tới để chuẩn bị cấp phép sử dụng loại vaccine này cho nhóm đối tượng trẻ tuổi nhất.
Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, nhóm trẻ này được tiêm 3 mũi, mỗi mũi 3 microgram. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine đã giúp hệ miễn dịch của trẻ được kích hoạt mạnh mẽ nếu trẻ được tiêm 3 mũi vaccine. Hiệu quả của vaccine đạt 80,3%.
Trong một nghiên cứu của Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC), các nhà nghiên cứu đã phân tích và đưa ra 3 viễn cảnh dịch bệnh COVID-19 trong 5 năm tới. Theo đó, các nhà nghiên cứu tại ISC cho rằng, rất có thể vào năm 2027, COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung nhưng vẫn sẽ gây ra những đợt dịch theo mùa, đòi hỏi phải có các loại vaccine cập nhật để ứng phó. Phần lớn dân số chưa tiêm phòng COVID-19 trên thế giới chủ yếu vẫn sẽ nằm ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi có nguy cơ mất an ninh lương thực và hệ thống y tế có thể sụp đổ.
Trong một viễn cảnh bi quan hơn vào năm 2027, thế giới có chưa đến 70% dân số đã tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như phong tỏa diện rộng sẽ được áp dụng ở một số quốc gia. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với những biến động xã hội nghiêm trọng như trường học đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời gian dài, trong khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao sẽ cản trở nỗ lực tiêm chủng và làm phát sinh thêm xung đột.
Theo ISC, kịch bản thứ ba và lạc quan nhất là nỗ lực hợp tác toàn cầu sẽ khiến COVID-19 trở thành một căn bệnh dễ kiểm soát hơn và không còn là căn bệnh được ưu tiên giải quyết cấp bách. Vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối công bằng hơn trên toàn cầu bao phủ hơn 80% dân số, trong khi không còn cần phải đóng cửa các trường học cũng như áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Theo VTV
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Reborn Lift – Phương pháp trẻ hóa đa điểm giúp căn chỉnh gương mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng
Phương pháp Reborn Lift được nhiều chị em lựa chọn vì mang đến giải pháp trẻ hóa toàn diện, giúp điều chỉnh các đường nét khuôn mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và tự nhiên. Sử dụng công nghệ nâng cơ đa điểm tiên tiến, Reborn Lift không chỉ giúp làn da trở nên săn chắc mà còn hỗ trợ định hình cấu trúc khuôn mặt, duy trì sự cân đối và nét tươi trẻ lâu dài.November 23 at 6:06 pm -
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm