Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tính đến ngày 17/10

Đến sáng ngày 17/10, thế giới có trên 629,89 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,57 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
17/10/2022 08:34

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,82 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,09 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Theo nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, sự gián đoạn xã hội và giáo dục trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sức khỏe tâm thần và hành vi tự sát của thanh thiếu niên tại nước này.

Nghiên cứu dựa trên câu trả lời của hơn 4.300 học sinh trên toàn nước Mỹ khi tham gia Khảo sát về hành vi và trải nghiệm vị thành niên năm 2021. Kết quả cho thấy, gần 75% học sinh phổ thông dưới 18 tuổi cho biết từng ít nhất một lần có Trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu (ACE) trong giai đoạn đại dịch. Trong số này, 53,2% từng 1-2 lần có trải nghiệm ACE, 12% có trải nghiệm này từ 3-4 lần hoặc nhiều hơn nữa.

1000-1665908077936591011310

Ấn Độ đã ghi nhận những ca mắc biến thể Omicron BF.7 đột biến nhanh và độc hại hơn (Ảnh: AP)

ACE có liên quan vấn đề sức khỏe tâm thần kém và hành vi tự sát. Trải nghiệm này là những sự việc có khả năng gây tổn thương có thể ngăn chặn, thường xảy ra ở thời thơ ấu như bị bỏ rơi, trải qua hoặc chứng kiến bạo lực, hoặc có một thành viên trong gia đình tìm cách tự vẫn và mất do tự vẫn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các khía cạnh của môi trường có thể làm gia tăng cảm giác bất an và lạc lõng.

Nghiên cứu nhận thấy, ACE phổ biến trong thanh thiếu niên Mỹ trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19 và thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần, cũng như dẫn đến hành vi tự tử, kể cả ở những thanh thiếu niên từng chỉ 1-2 lần có trải nghiệm này. Trong năm qua, tỷ lệ sức khỏe tâm thần kém ở thanh thiếu niên Mỹ từng hơn 4 lần có trải nghiệm ACE trong giai đoạn đại dịch cao gấp 4 lần và tỷ lệ các vụ tìm cách tự tử cao gấp 25 lần so với những người không có ACE.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 16/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,62 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm gần 528.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Giới chức y tế Ấn Độ đã cảnh báo về mối đe dọa mới từ biến thể Omicron BF.7 đột biến nhanh và độc hại hơn khi Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước nhiễm biến thể này. Các chuyên gia y tế cộng đồng đã khuyến cáo người dân phải thận trọng vì các biến thể BF.7 và BA.5.1.7 của Omicron được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng mạnh số ca mắc COVID-19 gần đây ở Trung Quốc. Điều này đã khiến giới chức Trung Quốc phải áp đặt các biện pháp phong tỏa ở nhiều tỉnh.

Các biến thể phụ của Omicron có khả năng lây truyền mạnh hơn. Giới chuyên gia kêu gọi người dân phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 phù hợp để tránh sự gia tăng số ca mắc trong bối cảnh Ấn Độ đang chứng kiến xu hướng giảm số ca mắc bệnh và các trường hợp tử vong mới.

Tiến sĩ Madhavi Joshi, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat, xác nhận: "Biến thể BF.7 đã được phát hiện ở Ấn Độ, nhưng không có lý do gì để hoảng sợ vì nó thuộc nhóm biến thể phụ của Omicron. Không giống như các quốc gia khác, Omicron đã không gây ra bất cứ sự tàn phá nào ở Ấn Độ. Chúng tôi đang quan sát các biến thể này và động thái của chúng". Chuyên gia này khẳng định, người dân Ấn Độ đã được tiêm chủng, có khả năng miễn dịch tốt, tuy nhiên cần tiếp tục đeo khẩu trang, tránh tụ tập và tuân thủ vệ sinh tay.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 36,25 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 16/10, Pháp ghi nhận 41.973 ca mắc mới.

Brazil có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với trên 687.000 trường hợp trong tổng số hơn 34,79 triệu bệnh nhân người nhiễm bệnh, cao thứ tư toàn cầu.

Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 tại Đức đang có chiều hướng bùng phát mạnh trở lại khi số ca nhiễm mới gia tăng hàng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach đã khởi động chiến dịch kêu gọi người dân đi tiêm vaccine mũi thứ tư (mũi tăng cường thứ hai) nhằm giảm số người lây nhiễm cũng như các trường hợp bệnh trở nặng trong mùa Thu và mùa Đông.

Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đang quay trở lại, bởi chúng chưa thực sự kết thúc, đồng thời kêu gọi các bang sớm có thêm các quy định về việc đeo khẩu trang trong không gian kín. Theo ông Lauterbach, các loại vaccine mới, thuốc men cho người bệnh cũng như dữ liệu chính xác hơn chính là công cụ để kiểm soát đại dịch vào mùa thu và mùa đông này.

Tuyên bố của ông Lauterbach được đưa ra khi riêng trong ngày 13/10, trên cả nước Đức đã ghi nhận gần 114.200 ca nhiễm mới, thậm chí ngày trước đó còn ghi nhận trên 145.200 người mắc mới và tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày có chiều hướng liên tục tăng lên. Đây là con số chính thức được báo cáo lên các sở y tế, trong khi khả năng nhiều trường hợp lây nhiễm không báo cáo cho cơ quan chức năng. Bộ trưởng Lauterbach cho rằng, có thể số ca nhiễm thực tế cao gấp 3 lần so với con số chính thức hiện nay. 

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mắc COVID-19 cũng sẽ có hội chứng COVID kéo dài, tuy nhiên những trường hợp qua đời khoảng 6 tháng sau khi mắc bệnh không được đưa vào con số thống kê do mắc COVID-19. Theo ông, cũng cần tính số trường hợp này vào tổng số ca tử vong do COVID-19, bởi nếu không mắc bệnh thì có thể họ chưa qua đời.

Singapore đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới do biến thể phụ XBB (còn được biết đến là BA.2.10) gây ra. Giới chức Singapore không loại trừ khả năng sẽ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trở lại.

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cảnh báo, làn sóng lây nhiễm mới sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 11 tới, với bình quân 15.000 ca nhiễm mỗi ngày. Số ca nhiễm chủng phụ XBB của biến thể Omicron trong tuần này chiếm tới 54% số ca mắc mới COVID-19 tại "đảo quốc sư tử", tăng mạnh so với mức 22% của tuần trước đó. Ngày 14/10, Singapore đã ghi nhận gần 9.000 ca nhiễm mới.

Theo Bộ trưởng Ong Ye Kung, ngành y tế nước này đang theo dõi sát tình hình và tác động của làn sóng lây nhiễm biến thể phụ XBB tới hệ thống y tế và cân nhắc việc siết chặt trở lại các biện pháp phòng chống COVID-19 trước đây. Trước mắt, những người cao tuổi hoặc có nguy cơ nhiễm cao nên đeo khẩu trang tại những nơi đông người trong môi trường kín.

Bộ Y tế Singapore cũng đã và đang triển khai một số biện pháp phòng ngừa, như không tiếp nhận nội trú những ca bệnh không khẩn cấp (hiện tỷ lệ giường bệnh đang điều trị lên tới 93%); các bệnh viện chuẩn bị sẵn hơn 800 giường cho bệnh nhân COVID-19 trong 2 tuần tới (hiện chỉ có 562 ca nhiễm COVID-19 phải điều trị nội trú).

Biến thể phụ XBB của Omicron được phát hiện từ tháng 8, nay đã xuất hiện tại hơn 17 quốc gia, trong đó có Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Mỹ. Giám đốc Cơ quan Dịch vụ y tế, Bộ Y tế Singapore Kenneth Mak tại buổi họp báo cho biết, biến thể phụ XBB lây nhiễm nhanh hơn nhưng ít nguy hiểm hơn và tới nay chưa có ca tử vong nào liên quan tới biến thể này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin lạc quan rằng nước này sẽ có thể chấm dứt đại dịch COVID-19 nếu số ca bệnh không tăng đột biến từ nay đến tháng 2/2023.

Phát biểu tại sự kiện "Thảo luận Y tế G20", Bộ trưởng Budi bày tỏ hy vọng, các quy trình y tế và chương trình tiêm chủng hiện tại sẽ được duy trì và đại dịch sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần tại Indonesia. Theo ông, nếu số ca mắc mới tiếp tục giảm trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, Indonesia sẽ không ghi nhận đợt bùng phát nào trong suốt 12 tháng.

Indonesia công bố các ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 3/2020. Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19, tính đến ngày 16/10, quốc gia này đã ghi nhận trên 6,45 triệu ca mắc, trong đó có 158,301 trường hợp tử vong.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer