Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tính đến ngày 28/10

Đến sáng 28/10, thế giới có trên 634,44 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,588 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Trong đó, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Mỹ; Tiếp đến là Ấn Độ, Pháp, Brazil,...
28/10/2022 09:37

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 99,22 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,094 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo sẽ chấm dứt quyền miễn trừ tạm thời về số chuyến bay quốc tế tối thiểu tại một số sân bay lớn nước này. FAA nêu rõ sẽ không gia hạn miễn trừ tại các sân bay John F. Kennedy và LaGuardia ở New York và sân bay quốc gia Ronald Reagan ở Washington khi quyền miễn trừ hết hiệu lực vào ngày 29/10 tới. Theo đó, các hãng hàng không có thể bị mất chỗ đậu tại các sân bay có mật độ cao nếu không sử dụng hết tối thiểu 80% công suất. Theo FAA, tình hình hiện nay không phù hợp để gia hạn miễn trừ các quy định về sân đỗ đối với các chuyến bay quốc tế.

Tháng 3/2020, Mỹ áp dụng quyền miễn trừ tạm thời trên để hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các hãng hàng không lớn ghi nhận lượng đặt vé thấp kỷ lục, với tổng lượng vé đặt giảm tới 82% trong năm 2020 so với năm 2019.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,64 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm gần 529.000 trường hợp thiệt mạng.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với 156.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 36,74 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Brazil có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ với 687.960 người trong tổng sống trên 34,84 triệu trường hợp nhiễm bệnh.

Chính phủ Qatar cho biết sẽ bãi bỏ quy định yêu cầu khách du lịch phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính khi đến nước này. Quyết định trên được đưa ra trước khi diễn ra World Cup 2022 vào tháng 11 tới. Theo Bộ Y tế Qatar, quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11 trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm trên toàn thế giới nói chung và tại Qatar nói riêng.

Theo dự kiến, World Cup 2022, một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, sẽ bắt đầu khởi tranh tại Qatar vào ngày 20/11 và kéo dài đến ngày 18/12.

Singapore đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi tại 4 trung tâm tiêm chủng trên cả nước. Loại vaccine được sử dụng là Spikevax của Moderna, với 2 liều tiêm cách nhau ít nhất 8 tuần, mỗi liều tiêm 25 microgam. Loại vaccine Comirnaty của Pfizer cũng đã được Singapore phê duyệt tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi, nhưng phải tới cuối năm 2022 mới có vaccine.

Theo thống kê gần đây nhất vào tháng 7 của Bộ Y tế Singapore, có khoảng 64.000 trẻ em dưới 5 tuổi mắc COVID-19, chiếm 3,9% trong tổng số 1,7 triệu ca mắc COVID-19 tại "đảo quốc sư tử". Tuy nhiên, số ca dưới 5 tuổi tử vong chỉ là 3 ca trong tổng số hơn 1.600 ca tử vong.

Như vậy, với việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, Singapore đã triển khai tiêm chủng cho hầu hết các nhóm tuổi. Singapore hiện cũng đang triển khai cho trẻ em từ 5-11 tuổi đăng ký để tiêm mũi tăng cường (mũi 3) trong hai tháng cuối năm 2022.

Cùng ngày, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) đã cấp giấy phép tạm thời cho việc sử dụng vaccine bivalent (có hiệu quả với nhiều biến thể) của Pfizer-BioNTech cho những người từ 12 tuổi trở lên. Loại vaccine này sẽ về vào cuối năm 2022 và được sử dụng làm mũi tăng cường cho những người đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản.

Trước đó, loại vaccine Spikevax bivalent của Moderna cũng đã được phê duyệt từ tháng 9 và bắt đầu được triển khai tiêm từ 14/10, trước mắt ưu tiên những người trên 50 tuổi. Những người từ 18-49 tuổi sẽ có thể được tiêm mũi tăng cường bằng vaccine bivalent vào cuối năm nay.

Các thành phố của Trung Quốc từ Vũ Hán ở miền Trung đến Tây Ninh tại vùng Tây Bắc đang tăng gấp đôi các hạn chế chống COVID-19, ngăn chặn dịch bùng phát.

Ngày 27/10, Trung Quốc báo cáo ngày thứ ba liên tiếp có hơn 1.000 trường hợp COVID-19 mới trên toàn quốc. Con số này dù còn khiêm tốn so với hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày khiến thành phố Thượng Hải rơi vào tình trạng bị đóng cửa hoàn toàn vào đầu năm nay nhưng đủ để Trung Quốc kích hoạt thêm nhiều hạn chế phòng dịch.

Thành phố Vũ Hán, nơi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2019, đã báo cáo khoảng 20 đến 25 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần này. Thành phố đã ghi nhận tổng cộng 240 trường hợp mắc mới trong 14 ngày qua. Chính quyền địa phương đã yêu cầu hơn 800.000 người dân ở một quận phải ở nhà cho đến ngày 30/10.

Chính quyền Vũ Hán cũng đình chỉ việc bán thịt lợn ở các khu vực của thành phố sau khi nhà chức trách tại đây cho biết đã xác định một trường hợp mắc COVID-19 có liên quan đến chuỗi cung ứng thịt lợn tại địa phương.

Quảng Châu, thành phố lớn thứ tư của Trung Quốc tính theo sản lượng kinh tế và là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, trong ngày 27/10 đã phong tỏa nhiều đường phố và khu vực lân cận, yêu cầu người dân ở trong nhà của họ tại các khu vực có nguy cơ cao tái bùng phát dịch.

Tại thành phố Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, các bài đăng trên mạng xã hội nói về tình trạng thiếu lương thực và giá những mặt hàng thiết yếu tăng cao, trong khi các cơ quan y tế ở thành phố 2,5 triệu dân này đang chạy đua để kiềm chế sự phục hồi của dịch COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần vào đầu tháng 10.

Các thành phố lớn khác trên khắp Trung Quốc bao gồm Đại Đồng và Tây An đã thực hiện những biện pháp hạn chế mới trong tuần này để kiềm chế bùng phát dịch tại địa phương.

Ở Bắc Kinh, công viên giải trí Universal Resort đã đóng cửa vào ngày 26/10 sau khi ít nhất một du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đối với thành phố Trịnh Châu, dịch bùng phát tại một nhà máy sử dụng khoảng 300.000 nhân công và được biết đến là nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Theo kết quả của một phân tích được Đại học Washington (Mỹ) công bố mới đây, số ca mắc COVID-19 hàng ngày trên toàn cầu dự báo sẽ tăng chậm từ mức 16,7 triệu ca/ngày lên mức 18,7 triệu ca/ngày vào tháng 2/2023, khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông.

Báo cáo của Viện nghiên cứu số liệu và đánh giá về y tế (IHME) thuộc đại học trên dự báo, số ca mắc sẽ thấp hơn nhiều so với mức trung bình 80 triệu ca trong giai đoạn đỉnh dịch vào tháng 1/2022 (cũng vào mùa đông), thời điểm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh. Viện này cũng dự báo sự gia tăng số ca mắc sẽ không kéo theo số ca tử vong tăng vọt, theo đó số ca tử vong theo ngày sẽ ở mức trung bình 2.748 trường hợp vào đầu tháng 2/2023 so với 1.660 bệnh nhân/ngày hiện nay. Tháng 1/2022, con số này là hơn 11 triệu ca/ngày trên toàn cầu.

IHME cũng dự báo số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ sẽ tăng khoảng 33%, lên hơn 1 triệu ca do học sinh, sinh viên trở lại trường học và người dân có xu hướng tụ tập trong không gian kín vì thời tiết lạnh hơn. Trong khi đó, Đức đã chứng kiến số ca mắc tăng trở lại, và dự báo sẽ giảm hơn 33% xuống còn khoảng 190.000 ca vào tháng 2 năm sau. Theo IHME, diễn biến dịch tại Đức hiện nay có thể do biến thể phụ BQ.1 hoặc BQ.1.1 của Omicron, có khả năng sẽ lây lan ra nhiều nơi khác ở châu Âu trong những tuần tới. Viện này bày tỏ quan ngại khi số ca nhập viện ở Đức tăng nhanh, lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch năm 2020.

Phân tích của IHME cũng phát hiện biến thể phụ XBB (còn được biết đến là BA.2.10) của Omicron, hiện đang làm tăng số ca nhập viện ở Singapore, có khả năng lây lan nhanh hơn song không gây bệnh nặng. Tác động toàn cầu của XBB được dự đoán sẽ không lớn vì những người trước đó đã nhiễm biến thể BA.5 sẽ có khả năng miễn dịch với XBB.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer