Tổ chức lại Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình thuộc Sở Y tế Hà Nội

Thực hiện kết luận chỉ đạo của Thành ủy và chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế vừa xây dựng dự thảo Đề án về việc kiện toàn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung sắp xếp, tổ chức lại Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thuộc Sở Y tế Hà Nội.
15/12/2023 11:41

Theo như đề án, Sở Y tế đề xuất giữ nguyên Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội nhưng đề nghị đổi tên thành Chi cục Dân số Hà Nội để phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao và đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Chi cục Dân số-KHHGĐ hiện nay đang thực hiện 4 lĩnh vực lớn về dân số gồm quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số và quản lý dữ liệu dân cư.

img202312349060401923_151220236

(Ảnh minh họa - Nguồn: Người lao động)

Lý giải về sự cần thiết phải giữ nguyên Chi cục Dân số - KHHGĐ, đề án của Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, ngày 15/8/2022, Bộ Y tế đã có văn bản 4348/BYT-TCDS gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc ổn định tổ chức bộ máy làm công tác Dân số-KHHGĐ ở địa phương. Lý do là trong giai đoạn tới đây, công tác dân số cần phải triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, trong đó việc củng cố, ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp thực sự quan trọng. Bộ Y tế cũng khẳng định việc giữ ổn định mô hình tổ chức Chi cục Dân số- KHHGĐ thuộc Sở Y tế là cần thiết. Hiện nay, có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang duy trì mô hình Chi cục Dân số-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế.

Tại Chương trình 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025 giao 9/27 chỉ tiêu cho Sở Y tế. Trong số đó có 4 chỉ tiêu hiện nay Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội đang thực hiện, bao gồm: tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất (đạt 85%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất (đạt 90%); tỷ lệ tuổi thọ trung bình 76,5; mức sinh thay thế (bình quân số con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đạt 2,1.

Tuy vậy, hiện nay, tỷ suất sinh tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố không đồng đều (tại các huyện tỷ suất sinh còn cao, tỷ lệ sinh từ con thứ 3 trở lên cao), tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao, 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái, nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề xã hội như giáo dục, hôn nhân gia đình... Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh gần 15% (năm 2022) và dự kiến tăng lên 22% vào năm 2030 dẫn đến tình trạng già hóa dân số, ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế, chăm sóc y tế, an sinh xã hội và phát triển dịch vụ theo cơ cấu dân số. Bên cạnh đó, chất lượng dân số và số năm sống khỏe mạnh còn chưa cao, vì vậy cần giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế- xã hội.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 cũng đã ban hành Nghị quyết 99/2023/QH15 về Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong nghị quyết nêu rõ, trước ngày 1/7/2025 phải hoàn thành việc “thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; bảo đảm quản lý toàn diện của chính quyền địa phương, nhất là về nhân lực và cơ sở vật chất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với việc quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế nhằm thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Từ việc thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác dân số; thực tiễn công tác dân số trên địa bàn thành phố; sự biến động về mô hình tổ chức TTYT cấp huyện, do đó, rất cần một cơ quan chuyên môn giúp Sở Y tế quản lý nhà nước các nội dung liên quan đến lĩnh vực dân số tại 30 quận, huyện, thị xã. Cơ quan chuyên môn này cũng tham mưu thực hiện các cơ chế, chính sách đồng bộ về giải pháp, biện pháp duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng già hóa dân số, phân bố dân cư hợp lý, nâng cao chất lượng dân số góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Về chức năng, nhiệm vụ của Chi cục Dân số Hà Nội, Sở Y tế đề xuất giữ nguyên theo Quyết định 1240/QĐ-UBND ngày 13/10/2008 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội.

Về tổ chức, giữ nguyên 3 phòng hiện tại và đề xuất đổi tên phòng Tổ chức-Hành chính thành phòng Hành chính tổng hợp; phòng Kế hoạch-Tài vụ thành phòng Nghiệp vụ và Chất lượng dân số; phòng Truyền thông-Nghiệp vụ thành phòng Truyền thông Dân số; biên chế được giao là 29 người.

Đối với Trung tâm Tư vấn dịch vụ Dân số - KHHGĐ trực thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ được Sở Y tế đề xuất giải thể và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của trung tâm này về TTYT các quận, huyện, thị xã thực hiện. Với biên chế hiện có của trung tâm sẽ được giao cho các đơn vị trực thuộc ngành. Sau khi có quyết định giải thể trung tâm của UBND thành phố, Sở Y tế sẽ rà soát và đề xuất phương án giải quyết đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị này.

Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội tiền thân là Uỷ ban Dân số- KHHGĐ Hà Nội được thành lập năm 1994.

Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em thành phố Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Dân số - KHHGĐ Hà Nội và Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Hà Nội là cơ quan thuộc UBND thành phố theo Quyết định số 20/2001/QĐ-UB ngày 3/5/2001 của UBND thành phố Hà Nội.

Ngày 13/10/2008, Chi cục Dân số- KHHGĐ Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1240/QĐ-UBND trên cơ sở giải thể Uỷ ban Dân số- Gia đình và Trẻ em thành phố Hà Nội. Chi cục thực hiện 04 lĩnh vực lớn về dân số gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số và quản lý dữ liệu dân cư.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer