TP. HCM xét xử 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trong vụ án vi phạm đấu thầu

Ngày 9/2, Tòa án nhân dân TP. HCM đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 20 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại một số bệnh viện ở Cần Thơ.
09/02/2023 16:34

Giữ quyền Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản - Tòa Hình sự (TAND - TP. HCM). Ngoài ra, HĐXX sơ thẩm còn có Thẩm phán và các Hội đồng nhân dân dự khuyết.

Trong vụ án này, Sở Y tế TP Cần Thơ tham gia phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự (bị hại). Còn UBND TP Cần Thơ, Công ty TNHH Siemens Healthcare, Công ty TNHH Tập đoàn hành trình Thành công mới (viết tắt là NSJ Group), Công ty CP Công nghệ kỹ thuật Bình An, Công ty CP Thẩm định giá BTC Value, Công ty Liên doanh TNHH Tư vấn Y tế Mediconsult Việt Nam… giữ vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Có tổng số 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Các bị cáo bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Bùi Thị Lệ Phi (SN 1964), Cao Minh Chu (SN 1967) - đều là cựu Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ; Lương Tấn Thành (SN 1982) và Hồ Phương Quỳnh (SN 1983) - cùng là chuyên viên Ban quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ.

cao-phi-251-5847

Hai cựu Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ

Các bị cáo thuộc NSJ Group gồm: Hoàng Thị Thúy Nga (SN 1975) - cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập (bị cáo Nga đã bị tuyên phạt 12 năm tù trong vụ Vi phạm quy định vè đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Da khoa Đồng Nai và Công ty AIC); Lê Huy Bình (SN 1981) - cựu Tổng giám đốc; Kim Trọng Đoàn (SN 1974) - cựu phó Tổng giám đốc.

Tiếp đến là Hoàng Ngọc Hồng Phúc (SN 1983) - cựu Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng ban kiểm soát, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên NSJ; Phùng Thị Thùy Dương (SN 1986) và Đoàn Thị Nở (SN 1990) - đều là cựu Trưởng phòng dự án; Nguyễn Viết Hồng (SN 1981) - cựu Giám đốc kinh doanh khu vực miền Tây; Nông Thị Bích Sửu (SN 1973) - cựu Phó phòng dự án; Lê Thành Hưng (SN 1990) - nhân viên kinh doanh; Nguyễn Bảo Trân (SN 1984) - nhân viên và Hoàng Hà Anh (SN 1981) - cựu Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ kỹ thuật Bình An.

Các bị cáo thuộc Công ty Liên doanh TNHH Tư vấn y tế Mediconsult gồm: Vũ Quang Ngọc (SN 1981) - Phó giám đốc; Tạ Trường Xuân - nhân viên.

Các bị cáo thuộc Công ty Thẩm định giá BTC Value gồm: Đặng Xuân Minh (SN 1977) - cựu Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Quốc Việt (SN 1977) - Thẩm định viên; Nguyễn Duy Hùng (SN 1992) - nhân viên.

Theo cáo trạng truy tố, từ năm 2015-2019, Hoàng Thị Thúy Nga – Chủ tịch Hội đồng thành viên NSJ Group đã lập 7 công ty và giao cho một số nhân viên đứng tên như Công ty NSJ, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại MQF, Công ty CP Công nghệ mới Thái Dương, Công ty TNHH Đồ chơi Poliese, Công ty CP Đầu tư thương mại Sun Sea Land, NSJ Group và Công ty Bình An.

Thực chất 7 pháp nhân trên đều do Hàng Thị Thúy Nga bỏ vốn thành lập (chiếm từ 80% vốn trở lên) và chỉ đạo điều hành, sắp xếp, luân chuyển nhân sự, chỉ đạo các công ty ký các hợp đồng mua bán nội bộ để nâng giá thiết bị dự thầu.

Trong thời gian từ 2017-2019, Sở Y tế Cần Thơ là chủ đầu tư thực hiện 4 gói thầu trị giá gần 90 tỷ đồng, gồm gói thầu 01/2017 tại Bệnh viện Tim trị giá gần 38 tỷ đồng; 3 gói thầu tại Bệnh viện Nhi giá trị gần 52 tỷ đồng.

Nắm được nhu cầu đầu tư trang thiết bị tại Sở Y tế Cần Thơ, tháng 6-2017, Nga tìm cách liên hệ với Bùi Thị Lệ Phi để tạo điều kiện cho công ty của Nga tham gia và trúng thầu.

Sau khi thống nhất với Sở Y tế, Nga họp lãnh đạo chủ chốt công ty, chỉ đạo nhân viên cung cấp cấu hình, thông số kỹ thuật, báo giá khống. Để tạo lợi thế khi dự thầu và trúng thầu, các công ty của Nga ký trước hợp đồng mua bán nhằm đáp ứng được thời gian thực hiện hợp đồng theo tiêu chí mời thầu. Đồng thời, đối với hàng hóa đặc thù, đặc quyền ký hợp đồng trước để đảm bảo chỉ duy nhất công ty của Nga có hàng hóa tham dự.

Khi chủ đầu tư lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, Nga chỉ đạo cấp dưới liên hệ với nhân viên Công ty Mediconsult (đơn vị tư vấn có quan hệ với Nga) để thống nhất, điều chỉnh về nội dung hồ sơ theo hướng có lợi cho công ty của Nga. Đối với các gói thầu đấu thầu rộng rãi, Nga sử dụng các công ty thân thuộc làm “quân xanh” để thông thầu.

Với kế hoạch trên, Công ty NSJ và Công ty Bình An của Nga đã trúng 4 gói thầu gần 90 tỷ đồng, còn nhà nước thiệt hại hơn 33 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo Bùi Thị Lệ Phi, Hoàng Thị Thúy Nga và Cao Minh Chu là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Cáo trạng thể hiện, cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lê Phi trực tiếp quản lý vốn của Nhà nước để đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, ký các quyết định chỉ định thầu, thuê tư vấn thẩm định giá, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ mời thầu, chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, bị cáo này đã lợi dụng chức vụ của mình chỉ đạo nhân viên cấp dưới tạo mọi điều kiện để đảm bảo cho các công ty của Nga tham gia và trúng thầu.

“Dù không hứa hẹn trước nhưng cá nhân bị cáo Phi đã nhận từ Nga 3 tỷ đồng và nhận 200 triệu đồng cho Sở Y tế Cần Thơ” - cáo trạng xác định và quy kết bị cáo Phi đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Quá trình điều tra, Hoàng Thị Thúy Nga không thừa nhận là chủ sở hữu Công ty Bình An, không thông đồng với Phi và Chu để Công ty NSJ cũng như Công ty Bình An được tham gia đấu thầu… Song, cơ quan tố tụng cho rằng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập có đủ căn cứ xác định Nga tổ chức thực hiện tội phạm, chi 3,2 tỷ đồng cho Phi và 200 triệu đồng cho Chu.

Cũng theo cáo trạng, nhóm Công ty BTC Value đã ký phát hành chứng thư thẩm định giá, theo giá thỏa thuận, áp đặt trước giữa Sở Y tế Cần Thơ với Công ty NSJ. Khi ban hành chứng thư thẩm định giá và báo cáo kết quả thẩm định giá các bị cáo đã có sự thỏa thuận trước về giá với chủ đầu tư, nhà thầu, sử dụng 3 báo giá khống để ấn định giá hàng giá là trái pháp luật.

Việc cố ý ban hành chứng thư thẩm định giá khống làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính là hành vi gian lận thầu.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 20/2/2023.

Theo ANTĐ

comment Bình luận

largeer