Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

TP. Hồ Chí Minh: Cấp cứu thành công bệnh nhi 3 tuổi bị sốc phản vệ do ong ruồi đốt

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận bé trai 3 tuổi (ngụ tại Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) bị sốc phản vệ do ong ruồi đốt.
04/05/2025 16:27

Trước đó, bệnh nhi đang chơi trong nhà thì bị một con ong đốt vào đùi phải. Người nhà cho biết đó là ong ruồi làm tổ trước cửa..

Sau khi bị đốt, bệnh nhi ói một lần, đỏ da, phù mắt và môi tái. Bệnh nhi được đưa đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

z6566542890939_d2900f6e949c7a879900016d5e745a41

Vết ong đốt của bệnh nhi (Ảnh: VTV)

Tình trạng lúc nhập viện, bệnh nhi lơ mơ, tím tái, thở co kéo 42 lần/phút, mạch yếu, huyết áp tụt 80/60mmHg. Vết đốt được ghi nhận ở đùi và lòng kẽ các ngón chân 1-2 bên phải. Các bác sĩ chẩn đoán: Sốc phản vệ độ III giờ thứ 2, suy hô hấp cấp.

Bệnh nhi được xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ phản vệ: Thở oxy, tiêm adrenalin bắp, truyền adrenalin tĩnh mạch, dùng corticoid (solumedrol), kháng histamin (dimedrol) và truyền dịch Natri Clorid 0,9%. Sau xử trí, bệnh nhi cải thiện rõ rệt, tỉnh táo, hết tím tái, huyết áp ổn định, thở đều, các dấu hiệu phù mặt và đỏ da giảm dần.

Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi sát trong bệnh viện ít nhất 24 giờ để phát hiện nguy cơ sốc muộn và biến chứng muộn trên gan, thận, tim, não, phổi.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Dù không gây hoại tử như ong vò vẽ, ong ruồi vẫn có thể gây sốc phản vệ nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Phụ huynh cần đề phòng trong mùa nghỉ lễ khi trẻ vui chơi ngoài trời. Nên phát quang các tổ ong gần nhà, tránh mặc đồ sặc sỡ hoặc dùng nước hoa khi đi picnic trong rừng hoặc vườn cây, nhằm giảm nguy cơ bị ong tấn công.

Theo VTV

comment Bình luận