TP.HCM: Lý giải việc chậm đưa F0 đi điều trị

Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết việc chậm đưa F0 đi điều trị có thể xảy ra nhưng không phải chủ trương như thế, mà do quá trình ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, quá trình vận hành sẽ có sự chệch choạc.
13/07/2021 21:56

 

1-1626179334463211050402

Ông Phan Văn Mãi, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, tại cuộc họp - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

 

Chiều 13-7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP. 

"Ca nhiễm tăng nhanh, quá trình vận hành sẽ có sự chệch choạc"

Tại đây, phóng viên phản ảnh có tình trạng một số ca F0 trên địa bàn TP.HCM chưa được chuyển đến các bệnh viện điều trị kịp thời. 

Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế - thừa nhận có tình trạng F0 chậm chuyển đi điều trị. 

Thời gian qua, TP thực hiện test nhanh để phát hiện sớm F0, sau đó sẽ xét nghiệm PCR để xác định. Ngay khi test nhanh có kết quả dương tính, TP cũng phải lập tức triển khai điều tra truy vết, xem như các ca F0. 

Khi test nhanh phát hiện dương tính, bệnh nhân nào có triệu chứng phải được chuyển đi điều trị ngay, chưa có triệu chứng thì tạm thời đưa đến khu cách ly.

cach-ly-1-16261793509341131537769

Xe đón các trường hợp F1 đưa đi cách ly tập trung (ảnh chụp trưa 11-7 tại một con hẻm bị phong tỏa trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo ông Hưng, từ đợt dịch đầu tiên, TP có 2 bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. 

Nhưng từ đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm tăng cao, TP đã xây dựng, thực hiện nhiều kịch bản nhằm đáp ứng công tác điều trị, hạn chế mức tử vong.

Ông Hưng cho biết một số trường hợp chuyển bệnh nhân còn khó khăn nhưng thời gian không nhiều. 

"Một số trường hợp F0 dù chuyển bệnh nhân có chậm đi nữa, nhưng trường hợp bệnh nhân có triệu chứng thì phải ưu tiên giải quyết, không để chậm trễ quá trình chuyển bệnh nhân đã có xét nghiệm dù là xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR khẳng định", ông Hưng nói. 

Theo phó giám đốc Sở Y tế, hiện nay TP có 19 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân. Hiện TP đang thiết lập thêm 5 bệnh viện nữa. Tổng công suất 24 bệnh viện dã chiến là 44.890 giường bệnh. Hiện nay có 16.757 người đang điều trị.

Về vấn đề này, Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết việc F0 chậm đưa đi điều trị có thể xảy ra nhưng không phải chủ trương như thế, mà do quá trình ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, quá trình vận hành sẽ có sự chệch choạc. Các trường hợp phản ánh sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn. 

"Nếu dịch vẫn tăng, TP sẽ phong tỏa với biện pháp mạnh hơn"

Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự báo tình hình dịch sau 15 ngày giãn cách xã hội, ông Phan Văn Mãi cho biết dự báo sẽ có 3 tình huống.

Thứ nhất là TP kiểm soát được dịch COVID-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện chỉ thị 16, có thể là chỉ thị 16 hay chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 19.

Tình huống thứ 2 là chúng ta chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện 16+ ở một số địa bàn.

Tình huống 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát; TP phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.

TP đang nghiên cứu đề xuất của cơ quan chuyên môn để có giải pháp phù hợp tình hình. Để quyết định chúng ta thực hiện tình huống nào phụ thuộc vào việc thực hiện chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Từng người dân, từng hộ gia đình, từng cơ quan phải thực hiện nghiêm các quy định.

Các cơ quan chức năng cũng phải thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình để đạt được mục tiêu phòng chống dịch cao nhất. Ý thức thực hiện nghiêm của mỗi người, mỗi nhà và tính hiệu quả công tác phòng chống dịch của lực lượng chức năng mới đạt được kết quả cao nhất.

"Kết quả sau 15 ngày phụ thuộc vào hành động của mỗi chúng ta. Tôi mong muốn người dân thời gian tới tiếp tục chung sức đồng lòng chống dịch, để không phải áp dụng các biện pháp xấu nhất để chống dịch", ông Phan Văn Mãi nói.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết thời gian tới, TP sẽ rà soát lại các kế hoạch, các phương án phù hợp với tình hình. Không chỉ là cung ứng hàng hóa mà phải đảm bảo cơ sở vật chất cho điều trị bệnh nhân và chăm lo cho người yếu thế…

"Chăm lo cho vài người trong nhà có khi còn sai sót thì tất nhiên chăm lo cho vài chục triệu người cũng sẽ có những sai sót. Đây là trách nhiệm của chúng tôi. Với tinh thần xây dựng, tôi mong mọi người sẽ có sự góp ý để chúng tôi tiếp thu và làm tốt hơn", ông Phan Văn Mãi nói.

Nơi nào an toàn mới sản xuất, nếu không phải dừng

Liên quan đến vấn đề sản xuất an toàn, thời gian qua TP thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất vừa phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông Mãi khẳng định cho đến nay mục tiêu phòng chống dịch, an toàn sức khỏe của người dân là trên hết và trước hết, nên việc duy trì sản xuất phải đảm bảo an toàn mới sản xuất, nơi nào không an toàn thì phải dừng để củng cố.

Hôm nay 13-7, UBND TP cũng có thông báo đến các doanh nghiệp tại KCN, KCX, KCNC, các cụm công nghiệp và các doanh nghiệp ngoài KCX, KCNC phải rà soát lại tiêu chí an toàn sản xuất. Nếu cần thiết sản xuất phải được các cơ quan chức năng xác nhận an toàn phòng chống dịch.

Thực hiện theo phương thức gồm 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ nếu đủ điều kiện); 2 điểm (một điểm tập trung cho công nhân lao động ăn, ở và bố trí xe đưa đón đến một điểm khác để sản xuất).

Nếu doanh nghiệp đáp ứng được một trong 2 phương thức thì cơ quan chức năng sẽ cùng với doanh nghiệp đảm bảo sản xuất.

Theo Tuổi trẻ

 

comment Bình luận

largeer