TP.HCM: Tình hình dịch căng thẳng ở quận Bình Thạnh

Sau khi tăng cường xét nghiệm nhanh kháng nguyên, quận Bình Thạnh trở thành địa phương có nguy cơ cao khi phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng.
12/07/2021 09:55

Kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại quận, các y bác sĩ tại Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh và đội ngũ trạm y tế các phường tại đây chính thức vào bước vào những ngày "ăn không ngon, ngủ không yên".

Là khu vực có mật độ dân cư đông đúc, chỉ trong thời gian ngắn, Bình Thạnh thuộc nhóm những quận, huyện có số ca nhiễm cao nhất TP.HCM.

Khu cách ly và vùng đệm bị quá tải

Ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết khu vực này là nơi giao lưu, tiếp giáp nhiều, mật độ cư dân rất đông đúc đa dạng thành phần, nghề nghiệp. Do đó, khi dịch bùng phát ở quận Gò Vấp từ điểm nhóm Hội thánh, Bình Thạnh cũng ghi nhận số lượng F0 liên quan khá cao.

Đáng chú ý, chỉ sau 2 ngày áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, qua xét nghiệm tầm soát, quận Bình Thạnh ghi nhận tổng cộng 119 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 84 người có kết quả rRT-PCR khẳng định và 35 ca nghi nhiễm qua test nhanh là những người trong cùng khu nhà trọ đã được phong tỏa.

a1 (2)

Một chốt kiểm soát người ra vào trong những ngày TP.HCM giãn cách xã hội. Ảnh: Duy Hiệu.

"Từ sau ngày 9/7, số lượng ca mắc tại quận tăng gấp 6 lần. Đó là lý do mà Bình Thạnh nâng mức rà soát tại các chốt chặn, cách ly tuyệt đối ngay giữa các phường trong cùng quận", ông Huy nói.

Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết ngày 10/7, một phường phát hiện được 24 F0 trong cộng đồng qua xét nghiệm tầm soát. Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) liệt kê 4 phường của quận Bình Thạnh vào danh sách khu vực có nguy cơ cao

Theo ông Đinh Khắc Huy, khó khăn hiện tại của quận Bình Thạnh là quá tải khu cách ly và vùng đệm dành cho người có test nhanh dương tính chờ để chạy mẫu rRT-PCR.

"Chúng tôi quyết định trưng dụng 2 trường mầm non thành vùng đệm cách ly người chờ kết xét nghiệm chứ không sử dụng chung vùng đệm của F1. Ngoài ra, trong ngày 10/7, quận đã khảo sát một khu vực để xây dựng khu cách ly 400 giường. Cơ sở vật chất chúng tôi có thể đảm đương nhưng lại khó khăn về trang thiết bị", ông Huy chia sẻ.

a2 (2)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong con hẻm có F0 sinh sống ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Hiện tại, các mẫu xét nghiệm rRT-PCR của quận Bình Thạnh được HCDC điều phối chủ yếu đến phòng xét nghiệm của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, do đơn vị này cũng quá tải về số lượng mẫu nên kết quả xét nghiệm trả về khá chậm.

"Nhờ HCDC điều phối đến một số đơn vị khác để giảm tải cho Bệnh viện TP Thủ Đức nên tốc độ trả kết quả đã cải thiện hơn trước. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy phối hợp song song test nhanh và rRT-PCR là sự thay đổi chiến lược phù hợp trong bối cảnh này", ông Huy nhận định.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm

Theo kinh nghiệm trong các đợt tổ chức xét nghiệm tại Hải Dương và Bắc Giang, Bắc Ninh, TS.BS Trần Quang Cảnh, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, cho biết thời gian toàn thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là giai đoạn thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

TS Cảnh cho biết mới đây, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM có hướng dẫn về việc triển khai test nhanh kháng nguyên ngay tại nhà cho người dân. Quận Bình Thạnh là một trong 3 khu vực thí điểm triển khai phương pháp này.

a3 (2)

Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đến từng nhà người dân ở phường 19, quận Bình Thạnh để lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Văn Nguyện.

"Hiện tại, chúng ta còn hạn chế về năng lực xét nghiệm rRT-PCR, thay vào đó, chúng ta cần triển khai rộng rãi test nhanh kháng nguyên để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng", TS Cảnh chia sẻ.

Để triển khai tốt hơn công tác tổ chức xét nghiệm, TS Cảnh đề xuất quận Bình Thạnh cần linh động phối hợp giữa test nhanh và rRT-PCR, huy động thêm nhân lực từ đoàn thanh niên, hỗ trợ nhập liệu, điều phối, ghi thông tin để giảm tải công việc cho nhân viên y tế.

Ngoài ra, quận cần kích hoạt tổ covid cộng đồng hoạt động, có thể triển khai nhiều hình thức, chẳng hạn đi từng ngõ, gõ từng nhà hoặc tạo một nhóm trên mạng xã hội để cập nhật tình hình. Đặc biệt, các khâu tổ chức, kiểm soát tuân thủ gian giãn cách xã hội.

Theo số liệu cập nhật từ Sở thông tin và Truyền thông, từ ngày 19/5, quận Bình Thạnh có tổng cộng 135 ca mắc Covid-19 được công bố, đứng thứ 10 trong số các quận, huyện và TP Thủ Đức. Toàn quận có 85 vùng cách ly và phong tỏa.

 Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 13.556 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Từ 0h ngày 9/7, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16.

Bích Huệ

comment Bình luận

largeer