Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Trầm cảm: Nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn cách biểu hiện bệnh ở nam giới

Một nhóm nghiên cứu người Pháp đang tìm kiếm những bệnh nhân trầm cảm để tham gia vào một nghiên cứu với mục tiêu xác định rõ hơn các triệu chứng trầm cảm ở nam giới, từ đó cải thiện việc chăm sóc và điều trị cho họ.
17/04/2025 13:23

Một nghịch lý đáng ngạc nhiên: Số chẩn đoán trầm cảm ở phụ nữ gấp đôi so với nam giới, nhưng tỷ lệ tự tử ở nam lại cao gấp ba lần. Có phải nam giới ít tìm đến chăm sóc tâm thần? Có phải các triệu chứng của họ khác biệt so với phụ nữ và do đó không được nhận diện đúng?

Để trả lời câu hỏi đó, nghiên cứu mang tên Gendep đã được khởi động với sự hỗ trợ từ các quỹ Pierre-Deniker và Sisley-d’Ornano, đặt mục tiêu làm sáng tỏ nguyên nhân của tình trạng này.

Empty

(Ảnh minh họa)

Margaux Hazan, bác sĩ nội trú chuyên ngành tâm thần và là nhà nghiên cứu về y tế công cộng – người phụ trách nghiên cứu này – đã bắt đầu công trình của mình dựa trên một thực tế: “Tại bệnh viện hay trong các khoa cấp cứu, chúng tôi gặp nhiều nam giới bị trầm cảm, thường là ở mức độ nặng. Điều này trái ngược với lĩnh vực tâm thần ở ngoài cộng đồng, nơi Doctolib ghi nhận hai phần ba số người đặt lịch hẹn với bác sĩ tâm thần là phụ nữ”. Từ đó đặt ra câu hỏi về nguyên nhân của sự chênh lệch này và liệu có phải nam giới chỉ tìm đến sự giúp đỡ khi bệnh đã ở giai đoạn nặng hơn.

Bệnh nhân là những “đồng nghiên cứu viên”

Cả nam và nữ đang trải qua trầm cảm sẽ được khảo sát với số lượng lớn. Họ thuộc về nhóm nghiên cứu ComPaRe (Cộng đồng bệnh nhân tham gia nghiên cứu) của Hệ thống Bệnh viện Công Paris (AP-HP). Nền tảng này hiện đã có hơn 5.000 người tham gia phần nghiên cứu về “trầm cảm”, nhưng nhóm nghiên cứu mong muốn thu hút thêm nhiều người hơn nữa, đồng thời cân bằng lại tỷ lệ giới tính – nam giới hiện chỉ chiếm 20% số người tham gia. “ComPaRe Trầm cảm thực sự là một chương trình nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng. Mỗi nghiên cứu đều có ít nhất hai bệnh nhân là đồng nghiên cứu viên”, bác sĩ tâm thần Astrid Chevance – người làm việc cùng Margaux Hazan tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Thống kê (CRESS) – cho biết.

Ngoài các chuyên gia (bác sĩ tâm thần, nhà xã hội học…), còn có hai người đàn ông đang trải qua trầm cảm nằm trong số mười thành viên của hội đồng khoa học – nơi xây dựng bảng câu hỏi sử dụng trong nghiên cứu này. Mục tiêu chính của nghiên cứu là xác định liệu có tồn tại các triệu chứng trầm cảm đặc thù ở nam giới hay không.

90 triệu chứng được liệt kê để làm rõ chẩn đoán

Để đạt được điều đó, đã có 90 triệu chứng được liệt kê. Một số là cảm xúc như buồn bã, nhưng cũng có những biểu hiện khác như cáu kỉnh. Ngoài ra còn có các yếu tố hành vi như sử dụng chất kích thích (rượu, thuốc lá…), các khó khăn trong quan hệ xã hội, và các triệu chứng liên quan đến tình dục.

Tất cả đều được phân tích trên các thang đo chi tiết nhất có thể: “Chúng tôi không giới hạn câu hỏi về tình dục chỉ trong vấn đề mất ham muốn, chẳng hạn vậy”, Astrid Chevance minh họa. Bằng cách khảo sát bệnh nhân về nhiều biểu hiện có thể có của trầm cảm, mục tiêu là xác định xem những triệu chứng nào nổi bật hơn ở nam giới, và đồng thời xem chúng liên kết với nhau như thế nào cũng như tương quan ra sao với các yếu tố như tuổi tác, tình trạng kinh tế - xã hội...

Ở phụ nữ, vai trò của sự biến đổi nội tiết tố

Các nghiên cứu về sự khác biệt trong biểu hiện triệu chứng đã từng được tiến hành vào những năm 1970 bởi các nhà nghiên cứu Anglo-Saxon, Margaux Hazan nhắc lại. Họ chỉ ra rằng các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài – như hung hăng, cáu kỉnh hoặc hành vi nghiện – phổ biến hơn ở nam giới bị trầm cảm. Về phía mình, bác sĩ tâm thần Lucy Joly – đồng tác giả cuốn La Dépression au féminin (NXB Éditions du Rocher, tháng 9/2024) cùng với Hugo Bottemanne – đã ghi nhận những triệu chứng trầm cảm đặc trưng ở phụ nữ: tăng cảm giác thèm ăn, nhu cầu ngủ nhiều hơn, hay suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, đau nhức cơ thể… Bà cũng quan sát thấy các triệu chứng của phụ nữ có xu hướng thay đổi theo chu kỳ – phần lớn là do ảnh hưởng của nội tiết tố – và họ cũng có nguy cơ cao hơn bị tái phát và chuyển sang trầm cảm mãn tính.

Khi các triệu chứng đặc trưng được xác định rõ hơn, các nhà nghiên cứu cho biết kết quả của nghiên cứu sẽ nhanh chóng được ứng dụng thực tiễn trong lâm sàng. Ngoài ra, trong nghiên cứu khoa học, các thang đo nhạy cảm hơn đối với trầm cảm nam giới có thể được phát triển để cải thiện các nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh. Cuối cùng, như lời mời gọi của Astrid Chevance: “Cần phải phá vỡ sự cấm kỵ trong việc nói về sức khỏe tâm thần ở nam giới.”

Theo Figaro Santé

comment Bình luận