Trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 cần những vòng tròn bảo vệ sức khỏe tinh thần

Trong đại dịch COVID-19, sự mất mát gây ra nguy cơ tiêu cực cho sức khoẻ tâm thần của trẻ có thể sẽ cao hơn. Bởi cùng lúc mất đi cha mẹ - vòng tròn bảo vệ gần nhất, các vòng tròn bảo vệ rộng hơn như trường học, gia đình mở rộng và xã hội nói chung cũng trong tình trạng bị ảnh hưởng cả về tinh thần và vật chất.
04/10/2021 17:19

Theo C.F. Shatan – nhà Tâm lý học nghiên cứu về sang chấn của trẻ em và người trưởng thành trẻ tuổi cho rằng trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và cả học sinh trung học cơ sở là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nó không những tàn phá thể chất, tinh thần mà còn cướp đi sinh mạng người thân của các em. Những suất học bổng, phần quà hỗ trợ tuy không thể giải quyết hết những khó khăn, mất mát do dịch COVID-19 gây ra đối với học sinh dù có thể nói là rất cần thiết. Trẻ em cần cốc sữa, cần buổi ăn, cần mái ấm, cần nhiều hơn thế nữa đó là tình yêu thương, sự chấp nhận, sự sẻ chia, sự dưỡng dục và sự thích ứng tác động đến từng hoàn cảnh của các em.

tremocoidodich

Hành trình của các em không thể dễ dàng ở một khu tập trung để thiếu đi hơi ấm đích thực của người thân nếu các em còn dòng họ thân thuộc. Để lớn lên và trưởng thành, các em cần người hiểu mình và có thể tin cậy để dựa vào khi mệt mỏi, cảm xúc… Hay các em cần lắm một nơi có thể an toàn đúng nghĩa trên bình diện cá nhân bởi đó là mẹ, đó là cha, đó là người các em có thể gửi trao nhiều tâm sự…

Bên cạnh đó, cần có định hượng những phản ứng về tâm lý, tinh thần của các em sớm để có can thiệp, hỗ trợ bằng cách thức khoa học và bài bản nhất. Nếu điểm mấu chốt của tổn thương ở trẻ em này là cảm xúc áp đảo và cảm giác tuyệt vọng thì chỉ có sự nâng đỡ, thấu hiểu toàn vẹn mới có thể làm cho các em mờ dần những nỗi đau chạm đáy… Bằng hành động của mình, việc tập huấn ngay cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn về sang chấn tâm lý đối với các trẻ này dựa trên thực tiễn sàng lọc khi các em đi học là rất cần thiết.

Thêm vào đó, cũng cần hỗ trợ, tư vấn học tập, hỗ trợ kỹ năng sống theo chu kỳ ở bất kỳ môi trường nào trẻ sống ngay cả trẻ em vào các cơ sở giáo dục thì có thể đến thăm định kỳ và thực hành công tác xã hội; Với một số trẻ còn người thân dòng họ, việc hỗ trợ đầy đủ dụng cụ học tập, điều kiện học tập và tư vấn hỗ trợ tinh thần nhất là lắng nghe nhu cầu của các em là điều quan trọng. 

Còn theo Thạc sĩ Tâm lý trẻ em và vị thành niên, chuyên gia độc lập Phương Hoài Nga: Khi mất đi các nguồn lực bảo vệ, trẻ em có nguy cơ đối mặt các vấn đề sức khoẻ tinh thần như lo lắng đến mức lo âu, tuyệt vọng tới mức trầm cảm. Đôi khi không chỉ là những rối loạn về cảm xúc, có thể là các rối loạn về hành vi như tức giận vô cớ, tự hại hay hành vi nguy cơ khác.

chamlotremocoi

Nếu tình trạng kéo dài mà không được hỗ trợ phù hợp có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ tinh thần, kéo theo thể chất và các chức năng sống khác, có thể đến khi các con đã trưởng thành. Cần phải nói thêm rằng không phải tất cả trẻ em đều có phản ứng giống nhau trước sự mất mát. Và không phải cứ mất mát trẻ sẽ có vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Nhưng chắc chắn mọi trẻ em, đặc biệt sau sang chấn lớn như vậy, đều cần nhận được sự quan tâm xác đáng.

Bà Phương Hoài Nga cho rằng cần thiết lập mạng lưới xã hội bao gồm công tác xã hội đến y tế, sức khoẻ tinh thần và giáo dục. Sự hỗ trợ mang tính mạng lưới này sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em được sống tại địa phương quen thuộc, tiếp tục theo học tại môi trường thân quen, đặc biệt là được ở gần với những người thân của gia đình.

Mạng lưới đó đồng thời sẽ theo sát và đánh giá các nguy cơ khác nếu có như bạo lực, thiếu đồ ăn, và vấn đề về sức khoẻ thể chất và tinh thần khác, để có thể kết nối trẻ, nhà trường, trung tâm bảo trợ và gia đình mở rộng tới nguồn lực xã hội khác.

Hoạt động tư vấn tâm lý học đường tại các trường học phần lớn do thầy cô giáo kiêm nhiệm. Bà Nga cho rằng thầy cô có thể cân nhắc hoạt động thiết thực, đơn giản và dễ thực hiện. Thầy cô hãy sàng lọc để phân loại vấn đề của các em đang ở mức nguy cơ hay ở mức có vấn đề về sức khoẻ tinh thần hoặc vấn đề khác để có sự hỗ trợ phù hợp.

Đồng thời, thường xuyên giữ liên hệ với gia đình đang nhận nuôi hoặc người giám hộ để cùng theo dõi tình trạng tinh thần và lĩnh vực sống của các em. Kết hợp với thầy cô giáo chủ nhiệm để chắc rằng trong lớp học hoặc trường học, em luôn có người bạn đi kèm. Ngoài các hoạt động hỗ trợ, hoạt động tương trợ nhóm đối với các bạn cùng chia sẻ nỗi đau mất người thân, cha mẹ có thể cũng giúp ích rất nhiều.

Trong trường hợp các trường trên cùng địa bàn có trẻ nhỏ mất cha mẹ, quản lý cấp trường có thể kết hợp với nhau để thầy cô học hỏi từ nhau, hoặc nhận thêm hỗ trợ của chuyên gia. Hiện có nhiều chuyên gia y tế, tâm lý sẵn lòng mở ra vòng tròn hỗ trợ cho các gia đình và thầy cô.

Thu Trang

 

comment Bình luận

largeer