Trẻ sơ sinh có nguy cơ chậm phát triển do lạm dụng thuốc kháng sinh

Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Israel và Phần Lan tiến hành phát hiện điều trị kháng sinh trong vòng 14 ngày sau sinh có liên quan đến việc chậm tăng cân và phát triển chiều cao ở các bé trai, cho đến khi được 6 tuổi.
27/02/2021 09:11

Thuốc kháng sinh là thuốc dùng để điều trị các bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Mỗi loại thuốc kháng sinh sẽ có một tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn. Tuy nhiên đây là loại thuốc không thể tùy tiện sử dụng khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Thuốc cần được sử dụng đúng liều, đúng bệnh nếu không sẽ gây ra những tác dụng phụ đáng tiếc.

tre-so-sinh-thuoc-khang-sinh-24-2-2021

Không nên cho trẻ dùng thuốc kháng sinh nhiều. Ảnh minh họa

Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Israel và Phần Lan tiến hành phát hiện điều trị kháng sinh trong vòng 14 ngày sau sinh có liên quan đến việc chậm tăng cân và phát triển chiều cao ở các bé trai, cho đến khi được 6 tuổi.

Tác động của kháng sinh đối với trẻ sơ sinh được đánh giá qua nghiên cứu tiến hành trên 12.400 trẻ sinh từ năm 2008-2010 tại Bệnh viện Ðại học Turku (Phần Lan). Các bé không có bất thường về gien hoặc mắc một bệnh mãn tính nào ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và cũng không cần điều trị kháng sinh lâu dài. Nhưng vì lý do nào đó, khoảng 1.150 trẻ (9,3%) đã tiếp xúc với thuốc kháng sinh trong vòng 14 ngày đầu tiên sau khi chào đời.

Các chuyên gia nhận thấy trong 6 năm đầu tiên, bé trai tiếp xúc với kháng sinh có trọng lượng thấp hơn đáng kể so với trẻ không tiếp xúc sản phẩm này. Chiều cao và chỉ số khối cơ thể (BMI) của các bé cũng thấp hơn đáng kể trong độ tuổi từ 2 đến 6. Những tác động này không được ghi nhận ở các bé gái. Kết quả trên cũng lặp lại trong một nghiên cứu tương tự ở Ðức.

Các chuyên gia cho biết tiếp xúc với kháng sinh trong những ngày sơ sinh được phát hiện có liên quan đến các rối loạn về hệ vi sinh vật đường ruột, kéo dài đến năm 2 tuổi. Cụ thể, trẻ sơ sinh sớm tiếp xúc với thuốc kháng sinh có hệ vi sinh đường ruột kém đa dạng hơn so với trẻ không tiếp xúc trong tháng đầu tiên. Nhưng từ tháng thứ 6 trở đi, lượng vi khuẩn có lợi trong ruột của nhóm tiếp xúc thuốc kháng sinh bắt đầu khôi phục bằng với nhóm đối chứng và tăng dần lên theo thời gian. Những phát hiện này cho thấy sự suy giảm tăng trưởng ở trẻ nhỏ có thể bắt nguồn từ những thay đổi do kháng sinh gây ra trong thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột.

Giáo sư Omry Koren, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Ðại học Bar-Ilan (Israel), cho biết "kháng sinh là loại thuốc cực kỳ quan trọng và cứu sống trẻ sơ sinh, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng chúng cũng có thể gây ra những hậu quả lâu dài không mong muốn".

Trước đó, nhiều nghiên cứu khác đã cho thấy thuốc kháng sinh được thiết kế để tiệu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng giết chết những "vi khuẩn tốt". Có rất nhiều hậu quả từ việc này: Vi khuẩn đường ruột giúp chúng ta hấp thu năng lượng từ thực phẩm, và điều này quyết định cân nặng của trẻ. Nếu chúng ta thay đổi hệ vi sinh đường ruột, chúng ta thay đổi cách thức em bé hấp thu năng lượng từ thực phẩm, và em bé tăng cân. Chúng ta thấy rằng điều này có thể dẫn tới chứng béo phì cũng như sự phát triển của các bệnh khác khi trẻ lớn lên.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đến 30% đơn thuốc kháng sinh là không cần thiết, ví dụ trong trường hợp nhiễm vi rút, thuốc không giúp hồi phục bệnh. Một nghiên cứu ở Canada vào năm 1995 cho thấy hai trong số ba trẻ sơ sinh đã nhận được thuốc kháng sinh trước khi chúng tròn một tuổi. Một nghiên cứu khác được lặp lại trong năm 2010, và tỉ lệ này đã giảm xuống một phần ba trẻ sơ sinh sử dụng kháng sinh trước khi chúng tròn một tuổi.

Do đó, để giảm các trường hợp dùng kháng sinh cho trẻ nhỏ, nên tăng cường hệ miễn dịch để chống lại các bệnh do vi khuẩn và virus. Hệ miễn dịch mạnh khỏe cũng là hàng rào bảo vệ giúp trẻ phòng tránh hoặc vượt qua dễ dàng các bệnh nhiễm trùng.

Trẻ cần được tăng cường miễn dịch thường xuyên bằng các biện pháp gián tiếp và trực tiếp. Các biện pháp gián tiếp gồm bổ sung dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, tốt nhất là vui chơi ngoài trời nơi không khí trong lành. Các biện pháp trực tiếp gồm tiêm văcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, bổ sung chất tăng cường miễn dịch như vitamin, hoạt chất Beta-(1.3/1.6)-D-glukan thuộc nhóm betaglucan...

Theo VietQ

comment Bình luận

largeer