Triển vọng mới trong phòng, chống bệnh liên quan lão hóa

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát triển thành công một vaccine giúp loại bỏ các tế bào “zombie” - loại tế bào liên quan đến nhiều bệnh do lão hóa.
03/01/2022 15:40

Các tế bào “zombie” là những tế bào đã già yếu và mất khả năng tự sửa chữa, nhưng lại không chết đi. Thay vào đó, chúng hoạt động bất thường và giải phóng những hóa chất có thể làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh gần kề và gây viêm. Theo thời gian, tình trạng tích tụ liên tục các tế bào “zombie” trong cơ thể góp phần gây ra lão hóa, suy giảm nhận thức thần kinh và dẫn tới ung thư.

Từ việc xác định một prôtêin có trong các tế bào “zombie” trên người và chuột, các chuyên gia tại Ðại học Juntendo đã tạo ra một vaccine peptide dựa trên loại axít amin cấu thành nên prôtêin này. Nhờ đó, vaccine mới có thể thúc đẩy cơ thể tạo ra các kháng thể có khả năng gắn vào tế bào “zombie”, cho phép các tế bào bạch cầu dễ dàng loại bỏ những tế bào lão hóa này.

Khi tiêm vaccine mới cho những con chuột bị xơ cứng động mạch, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều tế bào “zombie” đã bị loại bỏ và những vùng bị ảnh hưởng bởi bệnh này cũng thu nhỏ lại. Còn khi tiêm vaccine cho chuột già, quá trình lão hóa của chúng diễn ra chậm hơn so với những con không được tiêm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu cho biết nhiều loại thuốc có tác dụng loại bỏ tế bào lão hóa đang được sử dụng như chất chống ung thư, nhưng thường có nhiều tác dụng phụ. Còn tác dụng phụ của vaccine mới ít hơn, trong khi hiệu quả lại kéo dài hơn. “Chúng tôi hy vọng vaccine mới sẽ được ứng dụng trong điều trị xơ cứng động mạch, tiểu đường và các bệnh liên quan đến lão hóa khác” - Giáo sư Toru Minamino, tác giả chính, cho biết.

Cũng trong nỗ lực chống các bệnh do lão hóa, các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra các tế bào “zombie” độc hại có trong não của những người tử vong vì bệnh Alzheimer. Thành quả hứa hẹn giúp mở ra một mục tiêu tấn công quan trọng cho các loại thuốc được thiết kế để điều trị Alzheimer - dạng thoái hóa thần kinh phổ biến nhất.

Trước đó, nhóm nghiên cứu đã phân tích 140.000 tế bào lấy từ 76 bộ não, được hiến tặng trong một dự án khoa học quy mô lớn về lão hóa và sa sút trí tuệ. Kết quả cho thấy 2% số tế bào này là tế bào lão hóa và có xuất hiện các đám rối sợi thần kinh chứa prôtêin tau - một tác nhân gây khởi phát bệnh Alzheimer. Trước phát hiện mới, đồng tác giả Miranda Orr tin tưởng các liệu pháp nhắm đích vào tế bào “zombie” trong bộ não có thể giúp giảm tác động của tích tụ prôtêin tau, qua đó trì hoãn sự tiến triển của Alzheimer.

Lâu nay, các giải pháp và phương pháp điều trị chống lão hóa luôn là mục tiêu lớn của các nhà khoa học, cũng như thường thu hút các nhà đầu tư lớn mong muốn trì hoãn lão hóa và chống lại các bệnh liên quan đến quá trình này. Như trong giai đoạn 2011-2014, các nghiên cứu được công bố từ Hãng dược phẩm sinh học Alkahest (Mỹ) chỉ ra rằng loại máu lấy từ chuột non có lợi ích đáng kể đối với sức khỏe não bộ khi nó được sử dụng trên chuột già. Kể từ đó, các nhà nghiên cứu xác định được khoảng 8.000 prôtêin trong máu có thể dùng trong các liệu pháp chống lão hóa.

Cũng theo phát hiện mới đăng trên Tạp chí Nature Metabolism, chiết xuất procyanidin C1 (PCC1) từ hạt nho có thể tấn công các tế bào suy giảm chức năng và kéo dài tuổi thọ cho chuột.

Trước đó, các chuyên gia tại Viện dinh dưỡng và sức khỏe Thượng Hải (Trung Quốc) nghiên cứu 46 hợp chất thực vật nhằm tìm ra thuốc chống lão hóa tiềm năng. Họ phát hiện PCC1 can thiệp vào sự tồn tại của tế bào “zombie” bằng cách kích hoạt quá trình tự hủy diệt của các tế bào, trong khi không tác động đến tế bào khỏe mạnh. Kết quả thử nghiệm PCC1 trên chuột từ 24-27 tháng tuổi (tương đương với người từ 75-90 tuổi) cho thấy phương pháp này giúp chúng tăng thêm 9% tuổi thọ tổng thể. 

Theo các tác giả, những kết quả tích cực trên củng cố thêm lập luận cho rằng việc nhắm vào các tế bào lão hóa có thể là một liệu pháp can thiệp hiệu quả vào quá trình lão hóa ở người.

Theo Newsweek, Sciencedaily

comment Bình luận

largeer