Truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh

Truyền thông là một quá trình thông tin hai chiều diễn ra liên tục để chia kiến thức, thái độ, tình cảm và kỹ năng nhằm tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau giữa bên truyền và bên nhận tin để dẫn đến những thay đổi trong nhận thức, thái độ, hành động.
05/04/2023 14:51

Như vậy, truyền thông nhằm mục đích: Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và cập nhật một cách có hệ thống kiến thức, xây dựng thái độ đúng mực, tình cảm đúng đắn, vận dụng một cách tự giác, linh hoạt và sáng tạo để tạo ra kỹ năng khi thực hiện sự thay đổi hành vi sức khỏe.

89afa027bf23677d3e32_2112202216

(Ảnh: Trung tâm Y tế quận 3)

Ưu điểm của truyền thông giúp hiểu rõ về đối tượng và phản ứng của họ đối với vấn đề chúng ta muốn truyền thông, từ đó có các biện pháp thích hợp làm thay đổi hành vi của đối tượng, làm cho họ chủ động tìm ra cách giải pháp cho vấn đề mà bản thân và cộng đồng đang quan tâm.

Để đạt được hiệu quả cao trong công tác truyền thông giáo dục phải xây dựng được mô hình truyền thông và dựa vào mô hình đó mà thực hiện cũng như kiểm tra và đánh giá kết quả của quá trình truyền thông.

g1s

Mô hình truyền thông 

Sơ đồ trên diễn tả mối quan hệ và hiệu quả trong truyền thông: Người truyền thông phải xác định được đối tượng truyền thông. Xác định được nội dung của vấn đề truyền thông để gửi thông điệp đến cho người nhận. Đưa thông điệp đến cho người nhận bằng phương thức nào? Truyền thông phải đạt được hiệu quả đối với những thông điệp mà đối tượng nhận được. Người truyền thông sẽ nhận được sự phản hồi của người nhận.

Mỗi phần tử của mô hình truyền thông đều quan trọng, gắn bó mật thiết và tác động lẫn nhau trong suốt quá trình truyền thông. Nếu thiếu một phần tử nào thì quá trình truyền thông sẽ không diễn ra hoặc có diễn ra nhưng sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.

Mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học là:

Người truyền thông là ai?             =>     Giáo viên, cán bộ đoàn thể, nhân viên y tế trường học,..

Thông điệp nói về  vấn đề gì?      =>      Các chủ đề về sức khỏe

Nhằm mục đích gì?                      =>       Nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi hiệu quả

Bằng con đường nào?                 =>       Các kênh truyền thông

Phản hồi                                       =>       Có thay đổi được nhận thức,  thái độ   

Có hai phương pháp truyền thông chính là: truyền thông gián tiếp và truyền thông trực tiếp.

Phương pháp truyền thông gián tiếp được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như vô tuyến truyền hình, phát thanh, sách, báo viết, báo điện tử, báo tường, tạp chí và các loại như áp phích, tờ rơi, tranh cổ động, video..

Ưu điểm của truyền thông gián tiếp là nội dung thống nhất, tin cậy; có khả năng truyền tin nhanh đến được với nhiều người và nhiều nhóm đối tượng; các nội dung có thể phát đi, phát lại nhiều lần; tạo được dư luận xã hội và môi trường thuận lợi cho việc thay đổi hành vi của đối tượng.

Nhược điểm của truyền thông gián tiếp là nội dung không đặc thù với từng nhóm đối tượng; khó thu được thông tin phản hồi. nên khó đánh giá được hiệu quả; phụ thuộc nhiều vào các phương tiện truyền thông; ít hiệu quả trong việc giúp đối tượng thay đổi hành vi.

Phương pháp truyền thông trực tiếp chuyển tải được thông tin, thông điệp trực tiếp giữa người truyền và người nhận như nói chuyện trước đám đông, thảo luận nhóm, họp lớp, tư vấn sức khỏe, thăm hộ gia đình..

Ưu điểm của truyền thông trực tiếp là giúp chúng ta hiểu rõ về đối tượng và phản ứng của họ với vấn đề chúng ta muốn truyền thông, từ đó có các biện pháp thích hợp làm thay đổi hành vi của đối tượng, làm cho họ chủ động tìm ra các giải pháp cho vấn đề mà bản thân và cộng đồng quan tâm. Do đó đánh gía được hiệu quả của truyền thông.

- Nhược điểm của phương pháp này là tốn nhân lực và kinh phí; người truyền thông phải có kiến thức, kỹ năng; hiệu quả phụ thuộc vào năng lực của người truyền thông.

Truyền thông giáo dục sức khỏe còn có thể vận dụng các kênh truyền thông khác như kịch, tiểu phẩm, trò chơi, lễ hội, các cuộc thi.. Các loại hình này dễ thu hút sự chú ý và ưa thích của học sinh. Thông qua các hình thức này, người truyền thông lồng ghép các nội dung truyền thông, vận động đến đông đảo đối tượng. Ngoài ra, ở nhà trường, truyền thông giáo dục sức khỏe còn sử dụng loại hình phổ biến dễ thực hiện nhất đó là những cuộc trao đổi nói chuyện giữa bạn bè, người thân, cha mẹ với con cái, giáo viên với học sinh, nhưng cần phải xác định được nội dung, yêu cầu của thông điệp.

Những trở ngại trong quá trình truyền thông đối với người làm công tác truyền thông, đó là: Thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng và không có sự thống nhất giữa nói và làm; it tiếp xúc với đối tượng, thiếu hiểu biết những vấn đề mà đối tượng gặp phải, những vấn đề cản trở họ;  hình thức, phong cách xa lạ, thái độ “ cấp trên”, thiếu tôn trọng đối tượng, chỉ ra lệnh mà không giảỉ thích tại sao, làm như thế nào nên đối tượng khó thực hiện; đưa ra quá nhiều thông tin một lúc, nội dung không phù hợp, trình bày khó hiểu; Chỉ giảng giải, truyền thông tin, không lắng nghe thông tin phản hồi, không hỏi và tham khảo ý kiến của đối tượng để điều chỉnh nội dung, phương pháp, phương tiện; Không biết cách động viên đối tượng, không biết hướng dẫn cách làm cụ thể, thiết thực, chỉ khuyên bảo chung chung hoặc phê phán, chỉ trích; chưa thực hiện được những phương thức lồng ghép trong hoạt động truyền thông nên thiếu sự ủng hộ, cộng tác của các cấp lãnh đạo,các tổ chức liên quan; Thiếu kinh phí để hoạt động truyền thông...

Những trở ngại đối với đối tượng thường gặp là: Đối tượng không thích chủ đề đang trình bày; không cảm tình với người trình bày; cảm thấy người truyền thông không tôn trọng mình nên không muốn nghe; thiếu tập trung chú ý‎ vì đang bận việc khác, đang căng thẳng, đang buồn, nhiều tiếng ồn, nóng nực, thời gian dài...

Nhà trường muốn thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe đạt hiệu quả cần: Vận dụng các phương pháp truyền thông khác nhau; hiểu rõ đối tượng; tế nhị đối với tâm tư, tình cảm của học sinh; sử dụng ngôn ngữ phù hợp; làm rõ thông điệp truyền thông; ghi nhận phản hồi; nhận biết giới hạn về mặt chuyên môn của cá nhân để tìm cách bổ sung; biết phối hợp và biết cách làm việc theo nhóm.

Dù truyền thông theo phương pháp nào, phương tiện nào cũng cần phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, giới và giới tính, học vấn của học sinh thì mới đem lại hiệu quả tích cực không chỉ cho bản thân học sinh mà còn lan tỏa đến từng gia đình và cộng đồng xã hội.

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

comment Bình luận

largeer