Tủ thuốc gia đình cần có những loại thuốc nào trong điều trị COVID-19

Để người mắc COVID-19 nhận biết được những loại thuốc cần có trong gia đình cũng như cần mang theo khi điều trị, BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có buổi chia sẻ trực tuyến về vấn đề này.
13/09/2021 19:42

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát như hiện nay, tủ thuốc gia đình cần có loại thuốc nào. Xin bác sĩ tư vấn cho chúng tôi? Trường hợp người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan, ung thư thì tủ thuốc cần lưu ý thêm? Trong trường hợp không thể mua được thuốc, người dân có thể gọi cho ai để tư vấn, hỗ trợ không?

Thật ra thì không phải chỉ đến COVID-19 này, bình thường trong mỗi gia đình, chúng ta cũng nên chuẩn bị những loại thuốc thiết yếu, cần sử dụng ngay trong tình huống ban đêm bị ốm, hoặc không thể tiếp cận ngay với dịch vụ y tế.

Với COVID-19, việc ra đường rất khó khăn nên việc chuẩn bị thuốc càng trở nên quan trọng hơn. Đầu tiên cần là thuốc rất cơ bản, là thuốc hạ sốt cần phải có. Các gia đình nên chuẩn bị cả thuốc hạ sốt cho người lớn và trẻ em. Loại thuốc hạ sốt mà chúng ta nên sử dụng là acetaminophen hay ta vẫn gọi là thuốc paracetamol đấy ạ. Cái này có rất nhiều dạng: uống, đặt hậu môn, gói bột pha nước... Tùy thuộc vào lứa tuổi dành cho gia đình mình, ta chuẩn bị chế phẩm phù hợp.

Với gia đình có trẻ em, nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn để dễ dàng hơn khi tiếp nhận thuốc. Thuốc này không cần bác sĩ chỉ định, chỉ cần trên 38 độ C là có thể dùng thuốc rồi.

Thứ hai là thuốc xịt mũi họng rửa mũi rửa họng, thuốc nhỏ mắt, cũng nên chuẩn bị sẵn. Thứ ba là các thuốc chống dị ứng. Hiện nay có nhiều thuốc chóng dị ứng khác nhau, phổ biến là loại có tên gốc loratadine hoặc desloratadin. Các bạn có thể dễ dàng hỏi ở các hiệu thuốc.

Tiếp theo nữa là thuốc điều trị đau dạ dày. Vì trong thời gian cách ly, chúng ta rất căng thẳng nên có thể xuất hiện nguy cơ đau dạ dày. Các thuốc dự phòng điều trị đau dạ dày, ví dụ thuốc ức chế ppi, dự trữ trong gia đình hỗ trợ xuất hiện triệu chứng khó chịu, chưa đến mức nhập viện.

Bên cạnh đó, các thuốc thiết yếu cho bệnh nhân huyết áp, tiểu đường, có bệnh mạn tính, hen phế quản... phải đảm bảo có đủ thuốc đề phòng các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Hiện tại riêng với TP HCM rất khó khăn khi ra ngoài. Nhưng chính quyền thành phố hoặc Bộ Y tế có rắt nhiều cách để hỗ trợ. Mỗi đơn vị xã phường đều có trạm y tế và đường dây y tế, họ có thể hỗ trợ người dân khi có vấn đề sức khỏe. Hiện nay cũng có đội y tế lưu động, hình thức rất mới, các anh chị đó có thể hỗ trợ.

Thứ ba là có những đơn vị cung ứng thuốc online, nhà thuốc rất uy tín, hoặc dịch vụ cung ứng thuốc của đơn vị uy tín, chúng ta có thể liên hệ với đơn vị đó họ cung ứng cho mình. Tất nhiên thuốc đó phải là thuốc thông thường, còn thuốc cần chỉ định thì phải có ý kiến của bác sĩ.

tuthuocgiadinh

Bác sĩ có thể chia sẻ về triệu chứng ngộ độc paracetamol và cách điều trị được không ạ? 

Ngộ độc paracetamol thì triệu chứng ban đầu dễ gây nhầm lẫn vì không điển hình. Bệnh nhân có thể phát ban, sẩn ngứa hoặc có cảm giác buồn nôn, nôn hoặc đau bụng, tiêu chảy đi ngoài. Điều này cũng có thể gặp ở nhiều loại ngộ độc khác nhau. Đối với paracetamol thì có triệu chứng điển hình hơn. Nặng nhất là gây suy gan. Khi đó men gan trong cơ thể tăng cao, người bệnh mệt mỏi, thẫn thờ, vàng da vàng mắt, tiểu sẫm màu. Lúc ấy người uống đã tổn thương cả tế bào và đường mật trong gan.

Việt Nam đang có hai loại thuốc kháng virus là remdesivir và molnupiravir điều trị COVID-19, nhờ bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng?

Hiện Bộ Y tế chỉ khuyến cáo sử dụng loại thuốc remdesivir để điều trị Covid-19. Người dân bắt buộc phải được sử dụng thuốc này trong bệnh viện vì đây là thuốc tiêm truyền. Thực ra chúng ta cũng không thể mua thuốc này để tự dùng.

Loại thuốc thứ 2 - dạng uống viên là thuốc kháng virus tương đối mới, có tên molnupiravir thì đang trong giai đoạn nghiên cứu ở Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên kết quả ban đầu cho thấy thuốc có tác dụng tương đối tốt, an toàn với bệnh nhân Covid-19. Thuốc này hiện chỉ được nhập về Việt Nam theo đường chính thống, bạn không nên cố gắng mua thuốc này ở ngoài vì đây có thể là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hoặc thuốc giả.

Thuốc kháng virus chỉ hiệu quả khi sử dụng sớm, lúc mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Thời gian sử dụng hai thuốc này trung bình từ 5-7 ngày, không quá 10 ngày. Bạn cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Tôi là F0, không sốt, có cần uống luôn paracetamol hay kháng viêm không? Do giãn cách tôi không mua được thuốc để sẵn trong nhà, tôi phải làm sao?

Thứ nhất là chúc mừng bạn ở độ tuổi 50 mà nhiễm không có triệu chứng, rất đáng mừng. Nếu ta không có triệu chứng thì ta không có chỉ định dùng paracetamol. Vì thuốc chỉ có hiệu quả hạ nhiệt độ thôi, không có công hiệu dự phòng. Một số bệnh nhân của tôi từng sốt thật thì uống paracetamol, cứ uống thuốc này kéo dài, nhưng không phải đâu ạ. Ta chỉ uống khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C mà thôi. Các thuốc kháng viêm và chống đông không được khuyến cáo khi không có triệu chứng.

Gần đây, mạng xã hội có lan truyền phác đồ dùng thuốc Ivermectin để ngăn ngừa và điều trị tại nhà cho bệnh nhân COVID-19 và được rất nhiều người chia sẻ. Trong khi đó, loại thuốc này chỉ được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt chỉ định điều trị giun lươn. Tôi có nên sử dụng thuốc này?

Một trong những vấn đề đội ngũ y tế rất quan tâm đó là nhiều người chia sẻ các phác đồ điều trị COVID-19 không chuẩn xác. Như phác đồ dùng thuốc Ivermectin được dùng để điều trị một số bệnh ký sinh trùng. Một số nghiên cứu trên thế giới có thử nghiệm, triển khai thì có khuyến cáo là thuốc có hiệu quả với Covid-19 ở quy mô nghiên cứu nhỏ. Nhưng ở quy mô nghiên cứu lớn hơn, cộng gộp nhiều nghiên cứu thì loại thuốc này không có tác dụng, hiệu quả trong điều trị COVID-19.

Bộ Y tế có hội đồng chuyên gia thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị COVID-19 mới nhất. Bạn hoàn toàn yên tâm với các chỉ định mới, chính thống từ Bộ Y tế. Bạn không nên tin và nghe theo những phác đồ truyền miệng trên mạng.

Chồng tôi là F0 đang điều trị thuốc tiểu đường và hạ huyết áp. Nhưng khi uống theo đơn thuốc điều trị Covid-19 do bác sĩ kê, anh kiên quyết bỏ thuốc trị bệnh nền đang uống vì cho rằng uống quá nhiều thuốc một lúc không tốt. Tôi nên khuyên chồng như thế nào? 

Đây là điều rất sai lầm. Việc khống chế bệnh nền, huyết áp cần ổn định, chỉ xảy ra khi sử dụng thuốc hợp lý. Khi sử dụng thuốc Covid-19, không nên bỏ thuốc bệnh nền. Khi điều trị bệnh COVID-19, điều quan trọng là phải kiểm soát được đường huyết. Chúng tôi không bao giờ khuyến cáo bỏ thuốc huyết áp hoặc tiểu đường.

Cần tính đến việc thuốc huyết áp hoặc tiểu đường có tương tác với thuốc COVID-19 hay không. Điều này bác sĩ cần cân nhắc rất nhiều, nhưng người dân không biết. Khi được cung cấp gói thuốc COVID-19, người dân cần liên lạc với đơn vị cung cấp. Trường hợp bị huyết áp tiểu đường, cần liên lạc với bác sĩ đang điều trị bệnh nền, hỏi họ xem khi uống hai loại thuốc có tương tác với nhau không.

Trong trường hợp chưa liên lạc được với bác sĩ, các bạn hoàn toàn có thể duy trì thuốc huyết áp và tiểu đường mỗi sáng. Sau đó, bạn mới cố gắng liên hệ với bác sĩ. Chỉ cần một cơn tăng huyết áp hoặc giảm đường huyết có thể khiến bệnh nhân hôn mê, lúc này việc cấp cứu sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Tôi thấy giờ mọi người mua kháng sinh Azithromycin uống theo toa truyền trên mạng rất nhiều. Cứ ra nhà thuốc mua Azithromycin là dược sĩ nói thuốc này điều trị F0. Trong khi phác đồ điều trị của Sở Y tế TP HCM thì không có thuốc đó. Thực hư vấn đề như nào?

Azithromycin đang có điểm thử nghiệm trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, tuy nhiên tất cả nghiên cứu đều thấy thuốc hiệu quả trong điều trị COVID-19, hiện cũng không có nghiên cứu nào nói về hiệu quả thuốc này điều trị COVID-19 nữa. Tuy nhiên trong quá trình ta nhiễm virus, có thể nhiễm vi khuẩn bội nhiễm, thì Azithromycin là thuốc điều trị được.

Xin khẳng định Azithromycin không điều trị được virus corona gây COVID-19, nhưng có thể điều trị được bội nhiễm vi khuẩn.

thuocdieutricovid

Nhiều người dân trong khu chung cư tôi ở chia sẻ: Nếu mắc COVID-19, bị sốt, không cần đo sốt cao hay thấp, cứ dùng thuốc hạ sốt liên tục 4 - 6 tiếng/viên, uống suốt trong vòng 7 ngày, vừa giảm sốt vừa giảm đau, vừa giúp thải virus ra khỏi cơ thể? Tôi có nên thực hiện theo? 

Hoàn toàn không nên thực hiện theo phương pháp này. Paracetamol là thuốc điều trị triệu chứng. nếu bạn sốt, thuốc sẽ hiệu quả làm giảm sốt, và cũng chỉ hiệu quả khi bạn 38 độ C. Sốt là phản ứng chống lại vi khuẩn của cơ thể Khi ấy ta sẽ vã mồ hôi, mệt mỏi, nhưng đây là cơ chế bảo vệ cơ thể để có vũ khí chiến đấu lại mầm bệnh. Khi cơ thể trên 38 độ hoặc 38 độ 5 trở lên mới sốt.

Sốt chính là quá trình cơ thể huy động phản ứng miễn dịch chống virus. Việc sử dụng paracetamol có tác dụng phụ. Có một số trường hợp suy gan sau khi dùng thuốc. Thuốc cần sử dụng đúng chỉ định, khi sốt trên 38 độ 38 độ 5. Cũng không dùng thuốc để dự phòng khi không sốt. Kể cả khi đã sốt, thời gian sử dụng chỉ là 3 đến 5 ngày. Sau đó bạn cần gọi chuyên gia để tham khảo ý kiến xem có cần điều trị chuyên sâu hay không.

Mẹ tôi 78 tuổi, đi tiêm vaccine AstraZeneca về ba hôm nay đều sốt, sưng đau chỗ tiêm, mệt mỏi. Tôi cho bà uống nhiều vitamin C, nước đu đủ, cà rốt... kèm 2 viên thuốc paracetamol loại 500 mg, ngày ba lần sau bữa ăn. Hôm nay tôi thấy màu da tay chân, lòng trắng mắt bà có vẻ hơi vàng, liệu tôi có làm sai điều gì không bác sĩ?

Rất chia sẻ với bạn, đúng là khi tiêm vaccine về, tác dụng phụ hay gặp là sốt và đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm. Nếu sốt trên 38 độ C, ta có thể uống hạ sốt. Bạn không nói rõ nbaf sốt như thế nào, nếu sử dụng hàm lượng 2 viên, thì bệnh nhân phải nặng khoảng 75 kg trở lên.

Khả năng đầu tiên, đáng lo ngại nhất, đó là ngộ độc paracetamol. Biểu hiện của ngộ độc là vàng da, vàng mắt, bác phải được thăm khám bởi bác sĩ để khẳng định.

Khả năng thứ hai, đó là khi ta cung cấp quá nhiều beta caroten, bình thường ta chỉ cung cấp lượng nhỏ, nay cung cấp lượng lớn, thì có thể làm cho bàn tay, bàn chân bị vàng do cơ thể không kịp tiêu hết. Ta có thể theo dõi để hiểu thêm các triệu chứng.

Tôi không được thăm khám trực tiếp để biết được nguyên nhân. Nếu được, bạn có thể đưa bà đi khám hoặc sử dụng dịch vụ khám online để bác sĩ có thể nắm được tình trạng của bà và điều trị.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer