“Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2023" với chủ đề "The Big Catch Up - Bắt kịp”

“Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới” được tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4, nhằm thúc đẩy việc sử dụng vaccine để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm và được công nhận là một trong những can thiệp y tế thành công nhất trên thế giới.
26/04/2023 11:40

"Tuần lễ tiêm chủng năm 2023" có chủ đề “The Big Catch Up - Bắt kịp”, nhằm thúc đẩy việc tiêm đuổi, tiêm bù để mỗi cá thể và mọi người bị lỡ mũi tiêm vaccine đều được tiếp cận đủ với vaccine để tăng hiệu quả bảo vệ và dự phòng.

Vaccine – Phát minh quan trọng của nhân loại

Năm 1798, vaccine đậu mùa đầu tiên được tìm ra, kể từ đó, hàng trăm loại vaccine đã được phát triển trên toàn thế giới.

Empty

(Ảnh: Báo Chính phủ)

Trong hơn 200 năm qua, vaccine đã bảo vệ chúng ta chống lại khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, giúp ngăn chặn từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Tiêm phòng vaccine giúp ngăn ngừa những bệnh gây suy nhược, tàn tật và tử vong do những căn bệnh có thể dự phòng được bằng vaccine như bạch hầu, viêm gan A và B, sởi, quai bị, bệnh viêm phổi, bại liệt, tiêu chảy Rota vi rút, uốn ván,…Lợi ích của tiêm chủng đang ngày càng mở rộng đến thanh thiếu niên và người lớn, bảo vệ con người chống lại những bệnh nguy hiểm như cúm, viêm màng não và các loại ung thư (như ung thư cổ tử cung và ung thư gan), thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành.

Cùng với việc phòng chống dịch bệnh, vaccine cũng giúp hạn chế sự lan rộng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Sự gia tăng toàn cầu về dịch bệnh do vi khuẩn kháng thuốc đang là mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng. Việc điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh gặp nhiều khó khăn và tốn kém nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Khi được tiêm vaccine, người được tiêm sẽ giảm được nguy cơ nhiễm bệnh, do đó giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh, điều này góp phần hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Đặc biệt, trong hơn ba năm qua, khi chúng ta phải đối mặt với đại dịch toàn cầu COVID-19, trải qua những mất mát, đau thương, chúng ta càng nhận thấy được tầm quan trọng của vaccine. Sau khi các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được thực hiện rộng rãi ở các quốc gia, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong đã giảm đáng kể.

Chung tay bắt kịp cho hàng triệu trẻ em bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine trong đại dịch

Trong 3 năm đại dịch COVID-19 vừa qua, rất nhiều trẻ em đã không được tiêm ngừa vaccine đầy đủ và đúng lịch. Điều này dẫn đến nguy cơ rất lớn bùng phát trở lại các dịch bệnh, nhất là khi gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp. Không những vậy, những thông tin sai lệch vẫn đang lan truyền nhanh chóng xung quanh chủ đề tiêm chủng càng làm tăng thêm mối đe dọa này.

Empty

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hiện nay có khoảng hơn 20 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm phòng các vaccine cần thiết. Nhiều quốc gia chưa cung cấp đầy đủ các loại vaccine, gia đình trẻ thiếu điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế, thiếu thông tin chính xác về tiêm chủng,…

Trong năm 2022, WHO và UNICEF đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em trên toàn cầu tiếp tục có mức sụt giảm cao nhất trong khoảng 30 năm qua. Theo đó, tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ ba liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) – thước đo để đánh dấu tỷ lệ bao phủ vaccine giữa các quốc gia – đã giảm 5% từ năm 2019 đến năm 2021, xuống còn 81%.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, 25 triệu trẻ đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP trong tiêm chủng thường xuyên. Con số này cao hơn 2 triệu so với số liệu năm 2020 và 6 triệu so với năm 2019. Điều này cho thấy, càng ngày càng có nhiều trẻ em có nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa.

Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2023 có chủ đề “The Big Catch Up – Bắt kịp” được tổ chức với mong muốn hỗ trợ các quốc gia quay trở lại đúng hướng nhằm đảm bảo nhiều người hơn được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được. Chúng ta cần hành động ngay để bù đắp cho hàng triệu trẻ em đã bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine trong đại dịch COVID-19, khôi phục tỷ lệ tiêm chủng thiết yếu ít nhất bằng mức của năm 2019 và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu để cung cấp dịch vụ tiêm chủng.

Mục tiêu cuối cùng của Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới là để có thêm nhiều trẻ em, người lớn và cả cộng đồng được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine, giúp họ có cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương

comment Bình luận

largeer