Ung thư trực tràng trẻ hóa: Xu hướng đáng lo ở người dưới 50 tuổi

Hiện nay, ung thư trực tràng đang có xu hướng trẻ hóa đáng lo ngại. Trước đây thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng gần đây số ca mắc ở nhóm dưới 50 tuổi ngày càng tăng.
03/07/2025 19:49

Ung thư trực tràng là gì?

Trực tràng là đoạn cuối cùng của ruột già, là một khoang nằm giữa đại tràng và hậu môn. Nó bắt đầu ở đoạn cuối của đại tràng và kết thúc khi đi đến đoạn ngắn, hẹp dẫn đến hậu môn.

Ung thư trực tràng là tình trạng các tế bào ác tính hình thành trong trực tràng. Ung thư trực tràng là loại ung thư khá phổ biến của hệ thống tiêu hóa, xảy ra khi các tế bào trong lớp niêm mạc của trực tràng bị đột biến và phát triển ngoài tầm kiểm soát.

Empty

 Ung thư trực tràng loại ung thư phổ biến ở hệ tiêu hóa (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân dẫn đến ung thư trực tràng

Theo GLOBOCAN năm 2022 - một dự án do Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện, mỗi năm Việt Nam có hơn 16.800 ca mới ung thư đại trực tràng, chiếm gần 10% tổng số ca ung thư, với hơn 8.400 ca tử vong. Từ 1995, tỷ lệ bệnh nhân dưới 50 tuổi tăng 45%, cho thấy xu hướng trẻ hóa rõ rệt. Nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghi nhận 13% bệnh nhân dưới 50 tuổi, trong đó nhóm 40 - 49 tuổi chiếm 16,6%. Lối sống hiện đại gồm ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ, thiếu vận động và căng thẳng được xem là nguyên nhân chính.

Ung thư trực tràng bắt đầu khi các tế bào bình thường ở trực tràng bị đột biến DNA. Phần lớn nguyên nhân gây ra hiện tượng này vẫn chưa rõ. Tế bào bình thường hoạt động theo trật tự để duy trì chức năng cơ thể. Khi DNA bị lỗi và trở thành ung thư, tế bào tăng sinh mất kiểm soát, không ngừng nhân lên dù không cần thiết. Kết quả là các tế bào tích tụ thành khối u ác tính.

Theo thời gian, các tế bào ung thư phát triển, xâm lấn phá hủy mô khỏe mạnh xung quanh và có thể tách ra di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Dấu hiệu dễ nhận biết của ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng thường gây ra các triệu chứng như thay đổi thói quen đại tiện với tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, phân nhỏ hoặc lẫn máu do khối u gây chảy máu và hẹp lòng trực tràng. Người bệnh có thể đau bụng âm ỉ hoặc quặn thắt vùng hạ vị, kèm cảm giác đầy hơi, khó chịu do tắc nghẽn ruột. Mệt mỏi, suy nhược xuất phát từ mất máu mạn tính gây thiếu máu và mất nước do tiêu chảy kéo dài. Giảm cân không rõ nguyên nhân phản ánh tình trạng viêm và suy dinh dưỡng do khối u tiến triển.

Empty

 Đau bụng dưới kéo dài là biểu hiện của ung thư trực tràng (Ảnh minh họa)

Các biện pháp phòng ngừa ung thư trực tràng

Mặc dù không thể hoàn toàn loại bỏ nguy cơ mắc ung thư trực tràng, bạn có thể giảm thiểu khả năng mắc bệnh bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

Khám sức khỏe định kỳ

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường hoặc tổn thương tiền ung thư ở trực tràng, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Ưu tiên sử dụng thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế đồ ăn nhiều chất béo bão hòa, thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn.

Tăng cường vận động thể chất

Tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ béo phì.

Giữ tinh thần lạc quan, hạn chế căng thẳng

Tinh thần thoải mái, tích cực góp phần nâng cao hệ miễn dịch và hỗ trợ phòng chống các bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm ung thư.

Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư trực tràng cũng như nhiều bệnh ung thư khác.

Hạn chế sử dụng rượu bia

Tiêu thụ đồ uống có cồn thường xuyên có liên quan đến nguy cơ ung thư trực tràng cao hơn, vì vậy cần hạn chế tối đa.

Ngọc Tiên (Tổng hợp)

comment Bình luận