Vai trò của cơ sở bán lẻ thuốc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Để đối phó với đại dịch COVID-19, cần sự chung sức của các nguồn lực xã hội với sự tham gia của cả hệ thống y tế bao gồm cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, hệ thống các cơ sở kinh doanh dược, vật tư trang thiết bị, oxy y tế… trong đó bao gồm cả hệ thống cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc).
22/09/2021 11:00

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trãi qua 4 đợt dịch bệnh COVID-19. Trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021, Việt Nam gặp nhiều thách thức với diễn biến dịch phức tạp, khả năng lây nhiễm cao và số ca mắc mới gia tăng liên tục. Trong đợt dịch này, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 350 ngàn trường hợp mắc COVID-19.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó dịch COVID-19 bao gồm: giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16; tăng cường công tác xét nghiệm; thành lập các bệnh viện dã chiến từ thành phố đến quận huyện, chuyển đổi công năng và nâng cao năng lực điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai mô hình trạm y tế lưu động; chăm sóc và quản lý người bệnh COVID-19 tại nhà … trên cơ sở tận dụng các nguồn lực xã hội với sự tham gia của cả hệ thống y tế bao gồm cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, hệ thống các cơ sở kinh doanh dược, vật tư trang thiết bị, oxy y tế… trong đó bao gồm cả hệ thống cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc).

Nhà thuốc là nơi cung cấp dịch vụ và thông tin chăm sóc sức khỏe được đa số người dân ưa chuộng. Với xu hướng hiện nay tại Việt Nam, nhà thuốc là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vai trò của nhà thuốc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 bao gồm:

Cung ứng thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh: Thực hiện các tiêu chuẩn Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP) tại Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 22/01/2018 của Bộ Y tế quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, nhà thuốc phải cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn phù hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc; chỉ được bán thuốc kê đơn khi người bệnh có đơn thuốc theo quy định; tham gia vào hoạt động tự điều trị, bao gồm cung cấp thuốc và tư vấn dùng thuốc không kê đơn; góp phần đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.

   Hệ thống nhà thuốc tại Thành phố với hơn 6.500 nhà thuốc trong đó có hơn 4.000 nhà thuốc tham gia Chương trình bình ổn thuốc góp phần bình ổn thuốc trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhất là các thuốc thiết yếu.

Cung ứng trang thiết bị y tế và phương tiện phòng chống dịch: Nhà thuốc được kinh doanh các sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, khẩu trang, nước súc miệng, nước sát khuẩn tay, dung dịch khử khuẩn… Tùy vào phạm vi kinh doanh đã đăng ký, nhà thuốc còn có thể được kinh doanh các loại thiết bị theo dõi sức khỏe như máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2), nhiệt kế, test nhanh kháng nguyên COVID-19...

Truyền thông biện pháp phòng chống dịch và phát hiện kịp thời ca nghi nhiễm: Nhà thuốc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong quá trình hành nghề như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuấn, giữ khoảng cách với người mua thuốc, khai báo y tế…

Tuyên truyền cho người dân đến mua thuốc thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng, chống dịch COVID-19.

Ngay từ đầu đợt dịch, Sở Y tế đã triển khai công tác khai báo y tế tại nhà thuốc để giám sát và phát hiện kịp thời ca nghi nhiễm. Trường hợp có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... nhà thuốc hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, nhà thuốc thực hiện việc báo cáo cho cơ quan y tế trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19 để tiến hành theo dõi, giám sát.

Tham gia tư vấn, hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà: Trong thời điểm nhiều người mắc và nghi mắc COVID-19 phải cách ly, theo dõi điều trị tại nhà thì việc tư vấn, hỗ trợ người bệnh là một giải pháp giảm tải cho hệ thống y tế Thành phố, giúp việc theo dõi, điều trị bệnh nhân COVID-19 hiệu quả hơn.

Dược sĩ phụ trách chuyên môn và nhân viên nhà thuốc có thể tham gia các tổ tư vấn của Hội Dược học thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường nguồn nhân lực hỗ trợ ngành y tế, góp sức cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân:

Đối với các trường hợp không có điều kiện tự mua thuốc điều trị, tổ tư vấn có thể phối hợp với cơ sở y tế hỗ trợ Túi thuốc điều trị COVID-19 và các loại thuốc điều trị khác đến tận nhà cho người bệnh.

Hướng dẫn sử dụng thuốc và theo dõi sức khỏe người bệnh COVID-19 tại nhà.

Tư vấn các trường hợp cần trợ giúp y tế để kết nối với cơ sở điều trị khi cấp thiết.

Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng và nhân dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống nhà thuốc trên địa bàn tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của mình, chia sẻ gánh nặng cùng ngành y tế và góp phần kiểm soát thành công dịch bệnh.

*"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

                                                                             Đăng Khải

comment Bình luận

largeer