Vai trò của đường và tinh bột trong thai kỳ

Theo Tiến sĩ Neerja Goel, Bác sĩ phụ khoa cao cấp, Sharda Care - Healthcity (Ấn Độ), carbohydrate là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể, cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động hằng ngày.
16/12/2024 07:33

Đường, một loại carbohydrate đơn giản, cung cấp năng lượng nhanh chóng. Tuy nhiên, các loại carbohydrate không phải đều có tác động giống nhau đối với cơ thể. Đường và carbohydrate tinh chế (như bánh mì trắng, đồ ăn nhẹ có đường, soda, và bánh ngọt) được cơ thể hấp thụ nhanh chóng, dẫn đến sự gia tăng đột ngột mức đường huyết. Điều này có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, thèm ăn và dễ cảm thấy đói sau một thời gian ngắn.

Ngược lại, carbohydrate phức hợp (có trong ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau) được cơ thể tiêu hóa và hấp thụ chậm hơn, cung cấp năng lượng ổn định và bền vững hơn. Các loại thực phẩm này cũng cung cấp nhiều chất xơ, mang lại những lợi ích sức khỏe đáng kể. Đặc biệt trong thời kỳ mang thai, duy trì mức đường huyết ổn định rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, vì sự biến động mạnh của lượng đường trong máu có thể gây ra những vấn đề không mong muốn cho cả hai.

tinhbot

(Ảnh minh họa: Health)

Rủi ro cho người mẹ

Bệnh tiểu đường thai kỳ

Tiến sĩ Goel đã nhấn mạnh một trong những rủi ro nghiêm trọng nhất khi tiêu thụ quá nhiều đường và carbohydrate trong thời kỳ mang thai là bệnh tiểu đường thai kỳ. Đây là tình trạng mà cơ thể không thể sản xuất đủ insulin để kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến mức glucose trong máu tăng cao.

Tăng cân

Chế độ ăn giàu carbohydrate và đường cũng có thể dẫn đến tăng cân quá mức trong thời kỳ mang thai. Khi tiêu thụ quá nhiều đường đơn, cơ thể có thể gặp tình trạng dư thừa calo mà khó có thể đốt cháy, dẫn đến việc tăng cân. Tăng cân quá mức trong thai kỳ có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Tăng viêm

Tiến sĩ Goel nhấn mạnh rằng đây là một mối lo ngại đặc biệt trong thời kỳ mang thai, vì tình trạng viêm quá mức có thể dẫn đến các biến chứng như kháng insulin và góp phần gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ. Hơn nữa, viêm mạn tính còn có liên quan đến các kết quả thai kỳ kém, bao gồm chuyển dạ sớm và các vấn đề liên quan đến nhau thai.

Rủi ro cho em bé

Tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh

Chế độ ăn nhiều đường và carbohydrate có thể tạo ra một môi trường không lành mạnh cho sự phát triển của thai nhi. Khi lượng đường trong máu tăng cao, nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là các dị tật liên quan đến tim và cột sống.

Thai nhi phát triển quá mức

Tiêu thụ quá nhiều đường và carbohydrate tinh chế trong thời kỳ mang thai cũng có thể dẫn đến tình trạng thai nhi to quá mức, tức là em bé phát triển quá lớn trong tử cung. Điều này xảy ra khi lượng glucose dư thừa từ máu của mẹ được chuyển đến thai nhi, khiến em bé tích trữ nhiều chất béo hơn.

Theo Onlymyhealth

comment Bình luận

largeer