Vai trò của người cao tuổi với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
19/09/2023 10:11

Vị trí, vai trò của người cao tuổi trong khối đại đoàn kết dân tộc

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc là một trong những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam như Người từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Nhận thức được tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc trong tiến trình của cách mạng, để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của Người cao tuổi trong việc củng cố, xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.

Năm 1941, ngay sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: cách mạng muốn thắng lợi cần phải đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, trong đó việc phát huy vai trò của các bậc phụ lão, cao niên là việc làm cần thiết. Người thường xuyên viết thư, trực tiếp nói chuyện thăm hỏi, động viên các bậc phụ lão cần tiếp tục phát huy vai trò của mình tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Người từng nói: “Đối với người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao”.

Tháng 6/1941 trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”, Bác đã chỉ rõ vai trò của người cao tuổi có ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng đất nước, đến quê hương và gia đình, họ chính là những người đáng kính, có uy tín, là nơi quy tụ tinh thần đoàn kết, sức mạnh dân tộc: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão” [1].

z4706183023473_cdeefe36cd65c03bbf98ad95e1275489

Người cao tuổi tham gia các hoạt động văn nghệ - thể dục - thể thao

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh trách nhiệm của Người cao tuổi trong tiến trình cách mạng, đồng thời kịch liệt phê phán những ai có tư tưởng lười biếng, né tránh cho rằng mình đã già, đã nghỉ hưu không cần phải làm gì nữa. Trong “Thư gửi các vị phụ lão” ngày 21/9/1945, với tư cách là một người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê phán quan niệm "Lão lai tài tận" (nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa), “Lão giả an chi” (người già nên ở yên) của một số người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh nước ta vừa mới giành được độc lập với muôn vàn khó khăn đang ở phía trước rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, trong đó có vai trò quan trọng của người cao tuổi: “Hiện nay, nước ta mới tranh lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh một vai” [2].

Người chỉ rõ: với các bậc phụ lão tuổi cao sức yếu, tuy không làm được việc nặng nhọc, nhưng cũng không nên trông chờ, ỷ lại con cháu, mà phải biết phát huy kinh nghiệm của mình để dìu dắt động viên thế hệ trẻ: “Con cháu ta, thanh niên sức khỏe thì gánh vác việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ” [3].

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, người cao tuổi không chỉ là người có kinh nghiệm, uy tín, là người lao động cần cù, sáng tạo trong xây dựng gia đình, quê hương, đất nước, mà còn là người dám hy sinh thân mình cho độc lập tự do của dân tộc. Họ chính là những người trực tiếp làm nên lịch sử, gìn giữ bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong bài viết “Càng già càng giỏi” đăng trên báo Nhân dân số 4218, ngày 22/10/1965, Người viết: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thụ thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mĩ, cứu nước. Các cụ tùy điều kiện mà tổ chức đội Bạch đầu quân để làm những công việc như: khuyến khích con cháu tham gia bộ đội và thanh niên xung phong; giữ gìn trật tự trị an làng xóm; giúp đỡ dân quân, tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng; cổ động bà con đặt hũ gạo chống Mĩ cứu nước…” [4].

Người cao tuổi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Thực tiễn đã chứng minh vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, Người cao tuổi là những chiến sỹ du kích già với “tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước” luôn đi đầu và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, xứng đáng với danh hiệu: “Tuổi cao chí khí càng cao; Múa gươm giết giặc ào ào gió thu; Sẵn sàng tiêu diệt quân thù; Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng” [5]. Trong kiến quốc, họ là những chiến sỹ trên mặt trận “diệt giặc đói, diệt giặc dốt”, các cụ đã tham gia tích cực vào phong trào bình dân học vụ, động viên con cháu hăng say lao động tăng gia sản xuất, thực hiện “hũ gạo tiết kiệm” chống nạn đói, xây dựng đời sống mới, tích cực động viên con cháu lên đường nhập ngũ tham gia hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc… Qua đó càng thể hiện vai trò to lớn không thể thiếu của mình trong sự nghiệp Kháng chiến, kiến quốc: “Càng già, càng dẻo, lại càng dai; Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai; Đôn đốc con em làm nhiệm vụ; Vuốt râu mừng xã hội tương lai” [6].

Những năm qua, người cao tuổi Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò to lớn của mình trong việc gìn giữ, kết nối các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, đóng góp công lao to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Cả nước hiện có khoảng trên 12,5 triệu người cao tuổi, trong đó có hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất. Người cao tuổi đã đóng góp hơn 11 triệu ngày công với gần 3.500 tỷ đồng, hiến 25 triệu m2 đất để mở rộng, xây dựng đường giao thông, đào kênh mương, các công trình phúc lợi (nhà văn hóa, trạm y tế, trường học),… góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Hơn 600.000 người cao tuổi tham gia công tác đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tại các địa phương; hơn 300.000 người tham gia các tổ chức an ninh tự quản giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, cung cấp 200.000 nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an. Cả nước có trên 77.000 câu lạc bộ của người cao tuổi thu hút trên 2,5 triệu người cao tuổi tham gia. 64% số hội viên khuyến học là người cao tuổi.

Cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước, là một thành viên quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội người cao tuổi Việt Nam đã không ngừng đổi mới sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, tập hợp và phát triển hội viên. Hội đã đề xuất nhiều nội dung quan trong trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phản biện xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước của người cao tuổi Việt Nam thường xuyên được tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của những người có kinh  nghiệm đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh như: “Tuổi cao – Gương sáng”, “Người cao tuổi mẫu mực”, “Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Người cao tuổi tham gia xây dựng dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Người cao tuổi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”,…

Cần có chính sách quan tâm kịp thời, phù hợp đối với người cao tuổi

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, ghi nhớ vai trò, công lao của người cao tuổi. Người luôn căn dặn các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các ngành, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương và nhân dân ta phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, động viên và giúp đỡ kịp thời đối với Người cao tuổi, qua đó đảm bảo sức khỏe và cuộc sống cho họ, để họ tiếp tục phát huy vai trò cống hiến cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.

Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sớm Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng công tác chăm sóc Người cao tuổi, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ngày 10/5/1995, Hội người cao tuổi Việt Nam được thành lập. Tiếp đó, trên cơ sở đề nghị của Hội người cao tuổi Việt Nam lấy ngày 6/6/1941 làm ngày truyền thống của người cao tuổi, ngày 26/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6/6 hàng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam” nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước làm gương cho lớp trẻ đi sau tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ  để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu đẹp, văn minh, dân chủ bền vững. Đồng thời, vận động toàn dân tham gia phong trào chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội cùng nhau chăm sóc Người Cao tuổi, tạo điều kiện để Người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích và nghĩa tình.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, tháng 10/2009 đã thông qua Luật Người cao tuổi. Ngày 14/1/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020. Ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên, đảm bảo thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chương trình nêu rõ, 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025; 85% năm 2030; Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030; Số xã phương, thị trấn có ít nhất 1 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt 50% năm 2025; 90% năm 2030.

Cùng với đó, các Bộ, ban, ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chính sách về bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm giá vé, phí tham gia giao thông, văn hóa thể thao, các hoạt động du lịch, chúc thọ người cao tuổi. Đối với nhóm người cao tuổi từ 80 trở lên thuộc hộ gia đình nghèo không có người phụng dưỡng, hoặc có phung dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thì được hưởng mức trợ cấp 270 nghìn đồng/người/tháng và bảo hiểm y tế. Đối với người cao tuổi được nhận nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại khoản 2 điều 18 Luật người cao tuổi, thì được hưởng mức trợ cấp 360 nghìn đồng/người/tháng.

Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có các mức trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu từ ngày 1/7/2021. Theo đó, mức tăng chuẩn trợ cấp xã hội từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng; Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có người than phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, từ 60 – 80 tuổi được hệ số 1,5 tương đương 540.000 đồng/tháng; Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có người than phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, đủ 80 tuổi trở lên được hưởng hệ số 2,0 tương đương 720.000 đồng/tháng,…

Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đối với người cao tuổi nước ta, qua đó thể hiện tính nhất quán, nhân văn sâu sắc của chế độ ta. Đền đáp lại sự quan tâm đó, những năm qua, người cao tuổi Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò to lớn của mình trong việc gìn giữ, kết nối các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, đóng góp công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Người cao tuổi Việt Nam thực sự là “vốn quý” của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, “rường cột” của gia đình và xã hội, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng ta đã trao tặng: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hồ Chí Minh, Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” (6-1941)

[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002,tr.32.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.32.

[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.521.

[5]. Từ điển HCM sơ giản, tr.451, Nxb Trẻ, Ban khoa học lịch sử, Viện KHXH Thành phố HCM năm 2007

[6]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.214.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

comment Bình luận

largeer