Vi nấm Candida: Những yếu tố nguy cơ gây bệnh

Candida là một vi nấm có thể sống hoại sinh trong trạng thái cân bằng với những vi khuẩn khác trong cơ thể con người. Trong điều kiện nhất định, nó chuyển từ trạng thái hoại sinh sang ký sinh và bắt đầu gây bệnh.
11/08/2022 09:32

Candida là một loài vi nấm, bình thường tồn tại dưới dạng men. Trong những điều kiện thiếu oxy chúng biến thành dạng bào tử. Candida tồn tại trong thiên nhiên rất đa dạng trong hoa quả, rau xanh, những đồ uống lên men. Nó có thể ký sinh và gây bệnh ở mọi vị trí trong cơ thể con người, gây bệnh từ nhẹ đến nặng, từ cấp tính sang mạn tính. Đường lây của Candida khá đa dạng như: Qua tiếp xúc trực tiếp dịch âm đạo, mồ hôi, tế bào bong ra từ người mang bệnh, từ những thức ăn đồ uống nhiễm nấm...

Candida có thể gây bệnh khi mà sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm (bởi bệnh tật, đái tháo đường type 2, hậu COVID-19, suy giảm miễn dịch, chấn thương, sau phẫu thuật, sau dùng kháng sinh hay sử dụng corticoid dài ngày, lớn tuổi…). Nó thường phát triển mạnh trong và sau giai đoạn dùng kháng sinh, thuốc corticoid, thuốc chống ung thư.

Vi nấm Candida dưới kính hiển vi. Ảnh: Istockphoto

Vi nấm Candida dưới kính hiển vi. Ảnh: Istockphoto

Trong trạng thái bình thường của cơ thể con người, số lượng vi nấm sống hoại sinh rất ít. Nếu đem soi tươi các dịch sinh học từ niêm mạc may lắm mới thấy một hai tế bào hạt men nảy búp. Ở đây, vi nấm giữ một thế cân bằng với các vi khuẩn cùng sống với nó. Tất cả tạo thành hệ vi sinh bình thường của cơ thể (normal flora).

Trong một số điều kiện nhất định, vi nấm Candida chuyển từ trạng thái hoại sinh (nhận các chất dinh dưỡng bằng cách phân giải, hấp thụ những sản phẩm hoặc chất thải của các sinh vật khác) sang trạng thái ký sinh (gây bệnh). Đặc trưng của trạng thái ký sinh là số lượng vi nấm tăng lên rất nhiều, có sự thành lập những sợi tơ nấm giả (pseudohyphae) cho phép vi nấm len lỏi giữa những tế bào ký chủ và xâm nhập sâu hơn.

Những yếu tố nguy cơ khiến vi nấm Candida gây bệnh

Các điều kiện thuận lợi cho Candida gây bệnh bao gồm yếu tố sinh lý, yếu tố bệnh lý, đặc trưng nghề nghiệp và việc sử dụng các loại thuốc gây suy giảm miễm dịch. Yếu tố sinh lý, khi người phụ nữ có thai, sự gia tăng các nội tiết tố trong thai kỳ dẫn đến sự biến đổi sinh thái ở âm đạo cộng thêm với tình trạng suy giảm miễn dịch khiến vi nấm có điều kiện phát triển.

Về yếu tố bệnh lý, đái tháo đường là một trong các tình trạng làm gia tăng đường trong máu và các dịch sinh học cùng với hệ miễn dịch suy giảm. Tình trạng dinh dưỡng không phù hợp như thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng đều tạo điều kiện cho vi nấm gây bệnh.

Nghề nghiệp cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm vi nấm. Các nghề làm việc trong môi trường ẩm ướt thường xuyên như bán nước uống, bán trái cây, bán cá, làm bếp trong các nhà hàng ăn uống... dễ đưa đến viêm da, viêm móng và quanh móng do Candida.

Yếu tố sử dụng thuốc là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiễm Candida. Kháng sinh phổ rộng nếu dùng liều cao và thời gian lâu sẽ diệt các vi khuẩn sống chung với vi nấm làm phá vỡ thế cân bằng vi sinh tại chỗ. Sử dụng thuốc kháng viêm có chứa corticoid nhiều, thuốc ức chế miễn dịch (dùng trong điều trị ung thư hoặc ghép cơ quan). sẽ làm suy giảm miễn dịch. Trong hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), bệnh vi nấm Candida xuất hiện khi hệ miễn dịch suy giảm.

Bệnh vi nấm Candida phổ biến ở khắp thế giới, bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và không phân biệt phái tính. Bệnh vi nấm Candida có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất vẫn là niêm mạc và da. 

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM

comment Bình luận

largeer