Việt Nam 35 năm ứng phó HIV: Hành trình từ điều trị cứu sống đến sức khỏe toàn diện cho cộng đồng
Đó là thông điệp mạnh mẽ được truyền tải tại sự kiện “35 năm HIV tại Việt Nam” do Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM tổ chức chiều 3/7.
Chia sẻ tại chương trình, TS.BS Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế – nhấn mạnh: “Việt Nam đã có những bước tiến rất dài trong kiểm soát HIV/AIDS. Từ ca bệnh đầu tiên năm 1990, đến nay, chúng ta đã điều trị cho hơn 182.000 người sống với HIV, phần lớn được quản lý qua hệ thống BHYT. Người có HIV không còn là đối tượng phải sống trong sợ hãi. Họ đang sống khỏe, sống có ích, và là một phần bình thường của xã hội.”

Quang cảnh sự kiện
Bộ Y tế hiện đang triển khai chiến lược 95–95–95: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình; 95% người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng lây nhiễm.
Điều này không chỉ mang ý nghĩa điều trị y tế mà còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Một trong những bước ngoặt lớn trong ứng phó HIV/AIDS tại Việt Nam là sự phổ cập của các biện pháp dự phòng chủ động như sử dụng thuốc PrEP – loại thuốc giúp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV ở nhóm có hành vi nguy cơ cao. Theo Bộ Y tế, PrEP hiện đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế ở 34 tỉnh, thành phố.

Hoa hậu H'Hen Niê và ông Nguyễn Anh Phong – Phó Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM tại sự kiện
Song song đó, chương trình điều trị bằng thuốc ARV qua hệ thống bảo hiểm y tế đã giúp giảm áp lực tài chính cho người nhiễm HIV, đồng thời đảm bảo sự ổn định điều trị lâu dài – yếu tố then chốt để duy trì tải lượng virus thấp và chất lượng sống cao.
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến những người sống với HIV không chỉ sống lâu hơn, mà còn sống khỏe hơn. Họ được tư vấn, điều trị, chăm sóc tâm lý và cả hỗ trợ tái hòa nhập thông qua việc làm, sinh hoạt cộng đồng.”
Một điểm sáng nổi bật trong chương trình là sự tham gia tích cực của các tổ chức cộng đồng, đặc biệt là những người từng sống chung với HIV. Từ người tiếp cận viên, truyền thông viên, đến các nhóm hỗ trợ đồng đẳng, cộng đồng đã trở thành lực lượng tuyến đầu – giúp sàng lọc sớm, giảm kỳ thị, tăng tuân thủ điều trị và giữ vững chất lượng sống cho người nhiễm.

Triển lãm ảnh kỷ niệm và đánh dấu 35 năm Việt Nam ứng phó với đại dịch HIV/AIDS
Câu chuyện của cô Nguyễn Thị Thu Hồng, người sống với HIV từ năm 1996, là một minh chứng. Cô từng bị kỳ thị, bị gọi là “cùi” vì gương mặt sạm đi do tác dụng phụ thuốc ARV. Nhưng sau hơn 30 năm, cô vẫn khỏe mạnh, là người đi phát bao cao su, kim tiêm sạch cho các nhóm nguy cơ cao và là nguồn cảm hứng cho những người có H mới phát hiện.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp cận, hướng dẫn, động viên để người có HIV không bỏ điều trị. Chúng tôi là người trong cuộc nên hiểu rõ họ cần gì,” cô Hồng nói.
Dù đạt được nhiều tiến bộ, nhưng theo Bộ Y tế, Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 13.000 ca nhiễm mới mỗi năm – phần lớn rơi vào nhóm trẻ tuổi, đặc biệt là nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), người chuyển giới, người sử dụng ma túy và người hành nghề mại dâm.
Do đó, công tác truyền thông thay đổi hành vi, giáo dục tình dục an toàn và tăng cường xét nghiệm tự nguyện, bảo mật trong cộng đồng – nhất là trong giới trẻ – cần được triển khai mạnh mẽ và phù hợp với từng địa phương.
Điều trị không còn là điểm kết. Theo TS.BS Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế Cộng đồng TP.HCM: “Người nhiễm HIV cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tổng thể, từ tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản, phòng ngừa lao, viêm gan đến hỗ trợ về nghề nghiệp, bảo hiểm và pháp lý.”
Mô hình “chăm sóc sức khỏe cộng đồng lấy người bệnh làm trung tâm” chính là xu hướng hiện nay, giúp người nhiễm HIV không còn cảm giác bị “cách ly xã hội” mà được sống như một công dân bình thường.
35 năm qua là hành trình đầy nỗ lực – từ y tế, cộng đồng đến chính sách. Nhưng phía trước vẫn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là truyền thông khoa học, không kỳ thị, lấy con người làm trọng tâm.
Người sống với HIV không chỉ cần thuốc, họ cần được tin tưởng, được trao cơ hội, được sống một cuộc đời tử tế, đủ đầy.
Đức Anh

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Đau họng, ợ hơi, tức ngực: Người đàn ông ngỡ ngàng phát hiện ung thư đại tràng sớm qua nội soi
Người đàn ông 37 tuổi khỏe mạnh bàng hoàng phát hiện có tổn thương nguy cơ ung thư nhờ công nghệ nội soi hiện đại tại Bệnh viện Thu Cúc. Câu chuyện của anh là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người trẻ còn đang chủ quan, thờ ơ với sức khỏe tiêu hóa.July 2 at 10:13 am -
Lấy lại nụ cười tự tin với dịch vụ bọc răng sứ tại TCI
Hàng nghìn khách hàng đã tìm lại nụ cười tự tin nhờ dịch vụ bọc răng sứ tại Khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI.July 1 at 12:01 pm -
Chấm dứt ợ hơi, ợ chua, mất ngủ nhờ phương pháp đo áp lực thực quản HRM hiện đại
Từng khổ sở với ợ hơi, ợ chua, nuốt vướng và mất ngủ triền miên, chị H.T.B.L (38 tuổi) đã tìm lại giấc ngủ ngon và sức khỏe chỉ sau thời gian ngắn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc nhờ kỹ thuật đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao HRM.July 1 at 12:00 pm -
Long Châu hợp tác cùng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia chủ động tiên phong tiến hành “kiểm tra kép vì sức khỏe người dân và khách hàng”
Trước thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hệ thống nhà thuốc Long Châu chủ động tiên phong ký kết hợp tác chiến lược với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế).June 25 at 5:09 pm