Hội chứng burnout đang bào mòn giới trẻ như thế nào?

Hiện nay, nhiều người trẻ đang phải đối mặt với trạng thái burnout - hội chứng kiệt sức nghề nghiệp. Khi những áp lực vô hình dần tích tụ, burnout trở thành "cơn sốt âm thầm" bào mòn cả thể chất lẫn tinh thần.
04/07/2025 11:37

Burnout là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), burnout là một hội chứng phát sinh từ căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc và không được quản lý hiệu quả. Đây là hiện tượng chỉ áp dụng trong bối cảnh nghề nghiệp, không mở rộng cho các lĩnh vực khác trong đời sống cá nhân.

Burnout khiến người mắc dễ rơi vào cảm giác chán nản, mất hứng thú, giảm hiệu suất làm việc, thậm chí suy sụp về tinh thần. Hiện tượng thường xảy ra sau một thời gian dài bị căng thẳng hoặc làm việc dưới áp lực cao mà không được nghỉ ngơi hay hỗ trợ phù hợp. Burnout không chỉ ảnh hưởng đến khả năng làm việc mà còn gây tổn hại rõ rệt đến sức khỏe thể chất lẫn tâm lý. Khi cơ thể và tâm trí đã “kiệt sức”, burnout bộc lộ như một lời cảnh báo.

Empty

Làm việc quá sức, áp lực thành tích và thiếu thời gian nghỉ ngơi khiến burnout âm thầm bào mòn sức khỏe giới trẻ (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu nhận biết hội chứng burnout

Hội chứng burnout không xảy ra đột ngột mà âm thầm tích tụ phát triển dần theo thời gian, với các biểu hiện rõ rệt trên cả thể chất, cảm xúc và hành vi. 

Thể chất suy kiệt

Người bị burnout thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải kéo dài dù đã nghỉ ngơi đầy đủ. Họ có thể gặp các triệu chứng như đau đầu mãn tính, căng cơ, rối loạn tiêu hóa hoặc dễ bị ốm vặt do hệ miễn dịch suy giảm. 

Giấc ngủ cũng trở nên chập chờn, ngủ không sâu giấc hoặc ngược lại là ngủ nhiều nhưng không phục hồi năng lượng. Kèm theo đó là ăn uống thất thường, mất cảm giác ngon miệng hoặc ăn uống vô độ để giải tỏa căng thẳng.

Cảm xúc tiêu cực

Burnout không chỉ bào mòn thể lực mà còn ảnh hưởng đến đời sống cảm xúc. Người mắc hội chứng này thường xuyên cảm thấy chán nản, hụt hẫng, mất hứng thú với công việc, bất lực và nghi ngờ chính bản thân mình. 

Họ có thể rơi vào trạng thái buồn bã, dễ cáu gắt, bi quan hoặc có cảm giác cô lập dù vẫn làm việc trong môi trường tập thể. Về lâu dài, cảm giác bế tắc, mất phương hướng có thể khiến người bệnh mất dần lý tưởng sống và mục tiêu cá nhân.

Hành vi thay đổi rõ rệt

Những thay đổi về hành vi thường là dấu hiệu dễ thấy nhất ở người đang trải qua burnout. Họ có xu hướng né tránh công việc, trì hoãn, mất tập trung và làm việc với tinh thần miễn cưỡng, kém hiệu quả. 

Một số người mắc hội chứng này thường bắt đầu tìm đến các thói quen không lành mạnh như sử dụng chất kích thích, ăn uống thiếu kiểm soát hoặc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội như một cách để trốn tránh thực tại.

Empty

Mệt mỏi kéo dài, mất động lực và cảm giác trống rỗng có thể là dấu hiệu bạn đang trải qua burnout (Ảnh minh họa)

Lối thoát cho giới trẻ đang kiệt sức

Burnout không phải là sự yếu đuối mà là lời nhắc nhở bạn đã đi quá giới hạn chịu đựng của chính mình. Thay vì phớt lờ hoặc cố gắng gượng ép bản thân vượt qua, điều quan trọng là phải dừng lại đúng lúc và chủ động thay đổi.

- Tạm dừng để nạp lại năng lượng: Cho phép bản thân được nghỉ ngơi với một kỳ nghỉ ngắn, một ngày không dùng đến thiết bị điện tử hay vài phút thư giãn mỗi ngày.

- Đặt lại mục tiêu và tìm lại ý nghĩa công việc: Thay vì cố gắng để đạt được mọi thứ một cách hoàn hảo, hãy điều chỉnh mục tiêu sao cho phù hợp với sức khỏe và khả năng thực tế. Đồng thời kết nối lại với lý do bạn từng bắt đầu như khát vọng phát triển và những thành tích đã đóng góp.

- Xây dựng mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc: Những mối quan hệ lành mạnh giúp giảm căng thẳng, tăng cảm giác được thấu hiểu và đồng hành, có thể là lá chắn tốt nhất để chống lại burnout.

- Chăm sóc bản thân: Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên là những thói quen đơn giản nhưng rất cần thiết để phục hồi tinh thần. Hạn chế sử dụng chất kich thích, dành thời gian cho sở thích cá nhân cũng góp phần giúp cơ thể và tâm trí tái tạo lại năng lượng.

Minh Châu (tổng hợp)

comment Bình luận