Việt Nam chính thức xoá sổ bệnh phong

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của châu Á đạt được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về loại trừ phong (còn gọi cùi, hủi) cấp Quốc gia
20/05/2022 19:38

Thông tin được PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bệnh viện Da liễu Trung ương, ngày 20/5.

Ở Việt Nam, tất cả các tỉnh thành đều đã được công nhận loại trừ bệnh phong. "Hàng nghìn y bác sĩ đã vào những nơi gian khổ nhất để phát hiện bệnh với phong trào thanh toán phong từng vùng, rồi loại trừ bệnh...", ông Thường nói.

1-3729-1653042253

Một bệnh nhân phong đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương

Phong là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi trực khuẩn Mycobacterium Leprae. Bệnh gây những thương tổn trên da và thần kinh, không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể.

Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc, nhưng người ta cho rằng bệnh lây qua các dịch tiết của người bệnh, đòi hỏi phải có tiếp xúc gần và kéo dài. Tuy nhiên, nếu người bệnh đã bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh của họ giảm tới 99%. Tỷ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi.

Trước đây bệnh phong được coi là bệnh nan y, khó cứu chữa, sau này có thuốc đơn hóa trị liệu, đa hóa trị liệu... nhiều bệnh nhân đã được chữa trị kịp thời, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thành công trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Việt Nam hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh phong trong những năm tới. Bệnh viện Da liễu Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, chỉ đạo Chương trình phòng chống phong Quốc gia. Hiện, trên toàn quốc, số lượng bệnh nhân phong được quản lý khoảng hơn 10.000, số bệnh nhân mới 100-200 ca mỗi năm.

Hiện tất cả bệnh nhân phong được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian quy định, điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Nếu phát hiện sớm thì chỉ sau 6 tháng đến một năm điều trị là có thể khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng.

Đến nay y học vẫn chưa có vaccine phòng bệnh phong, vì vậy ngành y tế khuyến cáo cần tuyên truyền để mọi người hiểu rõ bệnh phong, không xa lánh, sợ hãi, tránh kỳ thị. Vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Khi người nghi ngờ có triệu chứng của bệnh (như thương tổn da kèm theo mất cảm giác nóng, lạnh, đau...), cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.

Bệnh phong ủ bệnh kéo dài có thể lên đến 20 năm nên để thanh toán được bệnh phong cần phải có khoảng thời gian rất dài. Mục tiêu trong kiểm soát bệnh phong trong giai đoạn 2021-2025 là đẩy mạnh và hoàn thành công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên 63 tỉnh/thành.

Theo Vnxpress

comment Bình luận

largeer