Virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua nông sản, thực phẩm, hàng hoá không?

Virus SARS-CoV-2 có thể sống trên bề mặt khác nhau, tại mọi nơi từ vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin về virus có thể sống bao lâu trên thực phẩm và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo chưa có thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đóng gói.
24/02/2021 09:00

Những ngày qua trên báo chí cũng như trên mạng xã hội có một số ý kiến băn khoăn liệu virus SARS-CoV-2 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá hay không. Trả lời cho câu hỏi này, GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết virus SARS-CoV-2 phát tán lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc gần và đường giọt bắn. Giống như các virus Corona khác, virus SARS-CoV-2 có thể sống trên bề mặt khác nhau, tại mọi nơi từ vài giờ đến vài ngày.

pgsts-le-thi-quynh-mai-quy-vinif-su-co-mat-dung-luc24950429-16140948970251736097505

GS Lê Thị Quỳnh Mai- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Ảnh: Minh Thuý

Theo GS Quỳnh Mai, hiện tại chưa có thông tin về virus có thể sống bao lâu trên thực phẩm và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo chưa có thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đóng gói.

"Nếu bạn băn khoăn về khả năng nhiễm Virus SARS-CoV-2 qua thực phẩm thì hãy thực hiện các hướng dẫn về vệ sinh, rửa tay sau khi cầm nắm thực phẩm, rau củ quả bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đi chợ, làm sạch các dụng cụ đựng thực phẩm, rau quả thường xuyên"- GS Mai khuyến cáo.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành văn bản quy định “hàng rào kỹ thuật” để bảo đảm việc thông thương hàng hoá trong điều kiện phòng chống dịch bệnh. Theo đó, để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện việc vận chuyển hàng hóa với các nội dung như sau.

- Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa: Ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày...).

 

- Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong toả hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về).

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển.

- UBND các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào mắc Covid-19 được xác định nguồn lây từ thực phẩm, do đó nên cho hàng hóa thông thương và giao thông trở lại bình thường. Để đảm bảo an toàn, ông Phu khuyến cáo người dân có thể áp dụng các giải pháp như: Đeo găng tay và khẩu trang khi thu hái và bốc xếp hàng hóa, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với lái xe, người vận chuyển, thực hiện khử khuẩn phương tiện theo quy định…

Theo NLĐ

comment Bình luận

largeer