EU khuyến cáo nên thường xuyên xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở các trang trại nuôi chồn

Mới đây, hai cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến cáo các trang trại nuôi chồn ở châu Âu nên thường xuyên xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho các con vật này và thực hiện giải trình tự gene cho tới khi nguy cơ lây truyền virus sang con người được loại bỏ.
19/02/2021 08:58

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu báo cáo về đợt bùng phát dịch COVID-19 tại các trang trại nuôi chồn ở một số nước châu Âu hồi năm ngoái, với các trường hợp xác nhận virus đang lây lan sang người. Báo cáo trên, do Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) biên soạn, khuyến nghị "theo dõi và giám sát các trang trại nuôi chồn... nếu không thể loại trừ nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sang người", yêu cầu thực hiện các cuộc khảo sát và xét nghiệm hằng tuần đối với các con chồn đã chết.

chon-6720a

Báo cáo cũng khuyến nghị thực hiện giải trình tự gene có hệ thống các biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện và kêu gọi chia sẻ giải trình tự gene từ tất cả các động vật nhiễm virus. Theo báo cáo, với sự lây lan nhanh chóng virus SARS-CoV-2 trong các con chồn, việc xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ nên được thực hiện thay vì người nông dân chờ đợi thấy các dấu hiệu của bệnh ở các con chồn.

Theo EFSA và ECDC, tính đến tháng 1 năm nay, virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện tại 400 trang trại nuôi chồn ở 8 quốc gia trong EU. Trong đó, Đan Mạch có 290 trang trại, tiếp đến là Hà Lan (69), Hy Lạp (21), Thụy Điển (13), Tây Ban Nha (3), Lítva (2), Pháp (1) và Italy (1). Báo cáo cũng lưu ý số lượng chồn nuôi đã giảm mạnh và nhiều nước đã cấm nuôi thú để lấy lông do dịch bệnh bùng phát.

Đầu tháng 11 năm ngoái, Đan Mạch đã quyết định tiêu hủy toàn bộ chồn trong nước, khoảng 15-17 triệu con, sau khi phát hiện loài vật này mang biến thể của virus SARS-CoV-2 và đã lây sang người. Cũng trong tháng 11 năm ngoái, Đan Mạch tuyên bố biến thể mới mang tên "Cluster 5" của virus SARS-CoV-2 phát hiện trên chồn đã bị xóa sổ và đây là động vật duy nhất được xác định có khả năng lây nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19 và truyền sang người.

Đan Mạch là nước xuất khẩu lông chồn hàng đầu thế giới. Quyết định tiêu hủy toàn bộ số chồn trong nước vào tháng 11 vừa qua đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị vì việc tiêu hủy chồn không có cơ sở pháp lý. Bộ trưởng Nông nghiệp đã từ chức và Thủ tướng Mette Frederiksen cũng phải xin lỗi người dân. Tháng 12/2020, Chính phủ Đan Mạch thông báo sẽ thiêu hủy xác của 4 triệu con chồn đã được chôn lấp trong tháng 11 do có quan ngại về  nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Theo báo Tin Tức

comment Bình luận

largeer