Vụ tăng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại BV Bạch Mai: Giá khám càng rẻ, chất lượng càng kém?

Bệnh viện Bạch Mai mới có thông báo tăng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tuy nhiên, ngay sau đó đã gặp phải những ý kiến trái chiều và bị Bộ Y tế "tuýt còi". Vậy trong vấn đề tăng giá này có những điều gì cần bàn luận?!.
10/03/2021 16:13

Giá khám bệnh càng rẻ, chất lượng khám bệnh càng thấp?

Liên quan tới việc Bệnh viện Bạch Mai ra thông báo điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, TS Đỗ Thịnh - Trợ lý Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã đưa ra một số ý kiến đáng để mọi người cùng suy ngẫm.

Theo TS Thịnh, việc tăng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Đương nhiên, khi đưa ra biểu giá, phía bệnh viện cũng đã phải tính toán kỹ lưỡng vì đưa vào áp dụng các trang thiết bị y tế hiện đại đều tốn chi phí khá lớn. Đây là nhu cầu tất yếu đối với bệnh viện nếu muốn giữ chân những người bệnh có điều kiện, cần thiết phải sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để chữa trị.

bach mai

Bệnh viện Bạch Mai.

Việc đưa ra các khung khám bệnh, khung chi phí giường bệnh kèm các dịch vụ trọn gói khác cũng là cách để người bệnh có thêm các lựa chọn sao cho phù hợp với túi tiền của mình, đặc biệt là những người bệnh hạn chế về tài chính.

Ông Thịnh cho biết, là một bệnh viện lớn của cả nước, bệnh viện Bạch Mai lại được giao thí điểm tự chủ y tế nhưng sự tăng giá khám bệnh trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp là không đúng lúc. Bởi hiện nay, cuộc sống của nhiều người dân và doanh nghiệp gặp phải khó khăn, nhà nước còn đang có những biện pháp hỗ trợ, giúp cuộc sống, hoạt động kinh doanh của các đối tượng trên vực dậy, trở lại bình thường. Vậy nên, chúng ta cần phải nghĩ đến sự nghiệp chung, không góp phần làm khó khăn thêm đối với người dân, nhất là trong sự nghiệp khám chữa bệnh.

"Bộ Y tế ra văn bản yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai dừng tăng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu là hoàn toàn kịp thời và hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ yêu cầu “tạm dừng”, không chỉ ra vấn đề gì cần phải xem xét, điều chỉnh trong vụ việc này. Vậy, việc tạm dừng tăng giá sẽ diễn ra đến khi nào?", TS Đỗ Thịnh nhấn mạnh. 

TS Đỗ Thịnh cũng chỉ ra, giá dịch vụ khám chữa bệnh vốn mang tính áp đặt”. Song là người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh hay người tiêu dùng (theo nghĩa phổ quát), buộc phải chấp nhận. Quyền hạn chỉ là lựa chọn bậc giá có thể chi trả để “hợp túi tiền”. 

Theo TS Đỗ Thịnh, việc phân chia giá giường bệnh còn có thể hiểu được vì thực chất nó là giá giường & phòng, tương tự như giá giường & phòng của khách sạn, bình dân 100 – 200 nghìn đồng, phòng cao cấp đến tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng.

Song với giá khám bệnh, cùng là khám cho con người nhưng tại sao lại phân ra các bậc khám giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... với giá thành chênh lệch. Nếu tạm tính theo biểu giá mới của Bệnh viện Bạch Mai: Bậc cao nhất 550.000 đồng tương ứng với 100%, nếu chia theo các bậc tiền giảm dần là 450.000 đồng, 350.000 đồng, 250.000 đồng chiếu theo mức giá cao nhất sẽ là 82%; 64%, 46%.

Như vậy, phải chăng, khám giá tiền thấp không tốt bằng khám giá tiền cao và tiền càng thấp thì chất lượng khám bệnh càng giảm? Lúc này, câu hỏi từ người tiêu dùng: giá thấp tương ứng dịch vụ kém, hàm nghĩa kém chuẩn xác?

Sự “khám bệnh kém chuẩn xác” có thể hiểu như: không phát hiện đầy đủ chứng bệnh; chẩn đoán sai bệnh, “lợn lành chữa lợn què”, “tiền mất tật mang”, v.v…. Và thêm nữa, nhiều bậc giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ xuất hiện ở khám chữa bệnh theo yêu cầu, vậy khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế thì sao, rẻ tiền thì có kém chất lượng?

Bach Mai (1)

Khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai.

Bị Bộ Y tế "tuýt còi"

Trước đó, vào ngày 3/3, trên trang web chính thức của Bệnh viện Bạch Mai đăng tải thông báo giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai áp dụng từ ngày 01/4/2021 nhưng ngày sau đó đã bị Bộ Y tế "tuýt còi".

Theo thông báo, để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người dân, bên cạnh việc duy trì giá khám thông thường như hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đã không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng nhiều gói khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.

Cả cộng đồng xã hội nói chung, người bệnh nói riêng, hi vọng những thầy thuốc bậc cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, BS chuyên khoa II, BS chuyên khoa I) là những gương sáng, luôn vì mục tiêu "tất cả vì bệnh nhân"; qua thực tế KCB, hướng dẫn,  giúp đỡ những đồng nghiệp còn ở bậc thấp làm tốt hơn, dần nâng trình độ.

Trong khi, với quy định các bậc giá khám bệnh như Bạch Mai từng công bố, dễ hình dung "tiền nào của ấy", người nghèo, ít tiền, chỉ có thể chọn bậc thấp nhất, 250/550 hay 46%. Vậy chất lượng ra sao? Không may chẩn đoán không chính xác, sai sót nhiều ít, chuyển sang điều trị sẽ "lợn lành hóa lợn què", "tiền mất tật mang", v.v... Hỏi ai chịu trách nhiệm?

Mặt khác, đây là quy định KCB theo yêu cầu. Còn KCB chế độ BHYT, thực tế đang phục vụ đại bộ phận dân chúng thì sao? Báo chí đã từng phản ánh ca thán bệnh nhân BHYT là "loại 2", Phải chăng người bệnh chỉ được thụ hưởng 46% mức cần phải có?

Ngày 24/2/2021, Hội đồng Quản lý của Bệnh viện Bạch Mai đã thông qua Nghị quyết về giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai áp dụng từ ngày 1/4/2021 như sau:

Giá khám bệnh theo yêu cầu: Khám Giáo sư: 550.000 đồng; Khám Phó giáo sư: 450.000 đồng; Khám Tiến sỹ, BSCKII: 350.000 đồng; Khám Thạc sỹ, BSCKI: 250.000 đồng

Giá giường bệnh theo yêu cầu (đã bao gồm chi phí của gói chăm sóc toàn diện):

- Giường dịch vụ - loại 1 (01 người/phòng): 2.300.000 đồng/người/ngày.

- Giường dịch vụ - loại 2 (02 người/phòng): 1.800.000 đồng/người/ngày.

- Giường dịch vụ - loại 3 (03-04 người/phòng): 1.390.000 đồng/người/ngày.

- Giường dịch vụ - loại 2.1(phòng 02 người/01 người bệnh đề nghị sử dụng hết cả phòng): 3.300.000 đồng/người/ngày.

Ngay sau khi thông báo thay đổi giá khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ra văn bản yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tạm dừng điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện, kể cả các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, do diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nên Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập, chưa báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến về việc điều chỉnh giá dịch vụ trong năm 2021 (kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế).

Dương Nhung

 

comment Bình luận

largeer