Xét nghiệm trên diện rộng – Giải pháp căn cơ để kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Tình hình dịch bệnh còn đang hết sức phức tạp: Mầm bệnh vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng, các ca F0 vẫn chưa được phát hiện kịp thời và cách ly triệt để, số ca mắc mới vẫn ở mức rất cao. Ngày 6/8/2021, cả nước vẫn ghi nhận tới 8.324 ca nhiễm mới, trong đó có hàng nghìn ca lây nhiễm trong cộng đồng.
06/08/2021 23:29

Cần có biện pháp triệt để nhằm xác định và cắt đứt chuỗi lây nhiễm

TP HCM đã thực hiện giãn cách xã hội được 1 tháng, song số ca nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong số 4.060 ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận ngày 6/8/2021, vẫn còn rất nhiều ca chưa xác định rõ được nguồn lây. Mặc dù TP HCM đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc một cách rốt ráo, nhưng dễ thấy các trường hợp F0 bị bỏ lọt vẫn còn rất nhiều, khiến tỉ lệ lây lan chưa giảm dù hơn 4 tuần đã qua đi kể từ khi thực hiện giãn cách trên toàn thành phố từ ngày 9/7. Nguyên do một phần là vì việc tổ chức xét nghiệm vẫn chưa thực sự đồng bộ, còn chủ yếu chỉ tập trung ở những “vùng đỏ”, những nơi có nhiều ca mắc. Trong khi đó, các ổ dịch mới vẫn tiếp tục xuất hiện lốm đốm trên bản đồ thành phố, đồng nghĩa với việc mầm bệnh không chỉ tập trung ở một vài nơi mà đã lan rộng trong cộng đồng, nhưng chưa có đủ những biệm pháp hữu hiệu, để nhằm xác định và cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Tương tự như TP HCM, tình hình ở các tỉnh phía Nam cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Số ca nhiễm mới mỗi ngày từ vài trăm đến trên 1000 ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh lân cận đang gây áp lực lớn đối với hoạt động xã hội và đe doạ tính mạng người dân, nếu không được kiềm chế kịp thời. So với TP HCM, các địa phương này còn hạn chế về phương diện tổ chức xét nghiệm sàng lọc, tầm soát F0 trong cộng đồng, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn đang ở mức rất cao và khó dự báo.

Ngày 6/8, Thủ đô Hà Nội ghi nhận 116 ca nhiễm mới và cũng đã chính thức quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn TP thêm 14 ngày. Đây là việc cần thiết bởi lẽ thời gian qua vẫn luôn có trung bình vài chục ca dương tính được phát hiện ngoài cộng đồng mỗi ngày, chủ yếu qua khám và xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt. Nhiều trường hợp F0 đã bắt đầu xuất hiện ở các bệnh viện, siêu thị, chợ  truyền thống, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm… báo hiệu những ngày đầy khó khăn đang ở trước mắt, mặc dù chính quyền Thủ đô đang có những quyết sách quyết liệt hơn.

Nên xét nghiệm trên diện rộng cho toàn dâno

Về tổng thể, những nỗ lực chống dịch ở mức độ cao nhất đang được triển khai ở cả Trung ương và tất cả các tỉnh thành đang có dịch hiện nay. Song có lẽ để thực sự nhận rõ nguy cơ và kiểm soát được tình hình, cần có những hành động cụ thể, bài bản, đồng bộ hơn trong việc xét nghiệm trên diện rộng, đảm bảo phát hiện kịp thời mầm bệnh trong cộng đồng, tách toàn bộ các các F0 ra khỏi xã hội, từ đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm trên quy mô toàn quốc sau những ngày giãn cách.

Chủ trương xét nghiệm tầm soát trên diện rộng cần được thực hiện nhất quán từ Trung ương tới địa phương. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thần tốc xét nghiệm, truy vết trên diện rộng, để nhận rõ tình hình và từ đó có biệm pháp cách ly, ngăn chặn lây lan kịp thời, hiệu quả. Song đâu đó vẫn có những phát biểu chưa hoàn toàn đúng với tinh thần này, gây trở ngại cho quá trình triển khai.

20210524_082257

(Ảnh minh họa)

Ngay từ đầu, chúng ta đã xác định chống dịch như chống giặc. Mà chống giặc thì kinh nghiệm ngàn đời của cha ông ta đã cho thấy rõ phải biết địch, biết ta mới có thể trăm trận trăm thắng. Đáng tiếc, trong trận đánh này, còn quá nhiều điều ta chưa biết về SARS-CoV-2, về những biến đổi phức tạp và khôn lường của loại virus nguy hiểm chết người này. Dù vậy, chí ít trong khả năng của mình, chúng ta cũng cần biết rõ mức độ lây lan và nguy cơ tiềm ẩn trên toàn quốc, hay gọn lại là trên từng địa bàn đang ở mức độ nào, cụ thể ra sao… chứ không phải chỉ là những con số thống kê ở một số nơi, một số điểm nóng, bởi những con số đó chưa đủ đại diện cho tất cả, chưa giúp ta có được nhận thức tình huống đầy đủ, để có đối sách phù hợp nhất.

Cần có chiến dịch ở cấp độ quốc gia

Rõ ràng, để biết được ngọn ngành về tình trạng mầm bệnh đang ở trong cộng đồng, phát hiện sớm các ổ dịch tiềm tàng, việc trước hết phải làm là tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên quy mô lớn. Cần giao cho các địa phương tự tổ chức thực hiện và báo cáo để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc này cần được làm thật, làm quyết liệt chứ không chỉ hô khẩu hiệu hay thực hiện qua loa kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Khi nắm được thông tin lây nhiễm rồi, thì theo kịch bản đã được xây dựng trước, chúng ta đẩy mạnh tổ chức cách ly triệt để, đối với các ca F0 không triệu chứng, thì thực hiện cách ly tại nhà với sự giám sát chặt chẽ và hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng lực lượng y tế tuyến cơ sở. Cần xét nghiệm toàn dân trong một thời gian ngắn và ngăn chặn mầm bệnh triệt để, thì mới mong có thể chặn dứt điểm đà lây lan như hiện nay. Sau đợt 1, cần tiếp tục tầm soát lại theo định kỳ, để đảm bảo các mầm bệnh đã được kiểm soát và triệt tiêu tối đa khi kết thúc giãn cách.

Dĩ nhiên để triển khai được chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn, thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế. Với số lượng các bộ kit và sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, đặc biệt là xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn thiếu thốn như hiện nay, Nhà nước phát động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các mạnh thường quân, thúc đẩy việc xã hội hoá công tác mua sắm và tặng sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho người dân, cho các địa phương để sàng lọc đồng loạt. Thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện nhiều sinh phẩm xét nghiệm chất lượng cao, đa số được nhập khẩu từ nước ngoài, với giá chỉ từ vài chục nghìn đến dưới 100.000 đồng/kit xét nghiệm nhanh. Do đó, chỉ cần Bộ Y tế có những hướng dẫn rõ ràng, chi tiết về chất lượng, cấu hình, xuất xứ nguồn gốc của các sản phẩm này, chắc chắn chúng ta sẽ có được sự ủng hộ của toàn xã hội để có đủ cơ số kit xét nghiệm và trang thiết bị cần thiết, và chiến dịch xét nghiệm tầm soát quy mô lớn nhất từ trước tới nay này sẽ đạt được mục tiêu đề ra – phát hiện kịp thời mọi mầm mống nguy cơ. để ngăn chặn kịp thời.

Về tổ chức lực lượng, ngoài đội ngũ cán bộ y tế đã có nhiều kinh nghiệm, cũng cần huy động các lực lượng ở cộng đồng như các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng và các sinh viên ngành y, tổ chức đồng bộ các chương trình tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn sử dụng và triển khai xét nghiệm sàng lọc cho các đơn vị tuyến cơ sở, các lực lượng tình nguyện đã được chọn lọc. Cách làm này sẽ giải quyết được vấn đề nhân lực xét nghiệm và đảm bảo có thể thực hiện nhanh, hiệu quả trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, có thể tổ chức để các phòng khám, nhà thuốc trên toàn quốc tham gia tổ chức xét nghiệm nhanh cho người dân. Đồng thời cũng nên xem xét khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng các bộ kit xét nghiệm nhanh (được Bộ Y tế phê duyệt) do người dân tự thực hiện tại nhà, tạo thành thói quen bền vững trong việc chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm mầm bệnh COVID-19.

Có thể khẳng định, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sẽ còn nhiều gian truân, nhưng với tinh thần vừa phòng ngự, vừa phản công như chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta sẽ sớm kiểm soát được tình hình. Song, để làm được điều này, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, chí ít là tầm soát cho toàn bộ người dân ở những tỉnh thành đang có dịch là điều cần phải thực hiện. Khi và chỉ khi nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về diễn biến dịch bệnh và mầm mống lây lan trong cộng đồng thì các biện pháp chống dịch mới phát huy được hiệu quả, các con đường lây lan mới có thể được chặn đứng, tạo tiền đề sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Lâm Mộc

comment Bình luận

largeer