"Xót xa" hoàn cảnh cha mẹ khiếm thị nuôi con bại não trong bế tắc

Ba mẹ đều là người khiếm thị bán vé số mưu sinh nhưng cuộc sống của họ còn bội phần khó khăn hơn khi cô con gái 6 tuổi mắc bệnh bại não.
30/09/2020 11:24

Cha mẹ mù nuôi con bại não trong bế tắc

Anh Cường chị Linh đều là người khiếm thị đến với nhau bằng sự đồng điệu về tâm hồn cũng như hoàn cảnh. Những tưởng cuộc đời tối tăm của cặp vợ chồng khiếm thị đã tìm thấy ánh sáng khi có được 2 cô con gái xinh xắn, đáng yêu.

Thế nhưng bóng tối lại lần nữa bao trùm lấy gia đình khi cô con gái nhỏ là bé Nguyễn Hứa Tường Vy (6 tuổi) lại mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh quái ác.

Năm 2019, vợ chồng anh Cường chị Linh quyết định cho bé Vy đi mổ tim khi bé được một suất hỗ trợ mổ tim từ một mạnh thường quân tài trợ.

bo me khiem thi nuoi con bai nao

Hằng ngày, đôi vợ chồng mù đi bán từ sáng sớm đến tối mịt, cứ rong ruổi khắp đó đây bán cho hết vé số.

Sau cuộc phẫu thuật tim, tưởng chừng bé Vy sẽ có một cuộc sống bình thường giống như bao đứa trẻ khác. Nhưng có ai ngờ rằng, lần phẫu thuật tim định mệnh đó, bé trở thành một đứa trẻ bị bại não, nằm một chỗ, hàng ngày, hàng giờ phải có người chăm sóc, túc trực.

Từ khi bé Vy trở bệnh, anh Cường chị Linh lúc nào cũng tự dằn vặt mình vì lần phẫu thuật tim định mệnh đó. Trước khi cô con gái bé bỏng được phẫu thuật tim, chỉ có chị Linh túc trực ở bệnh viện. Anh Cường hôm đó đi bán vé số xa nhà để ráng kiếm thêm tiền lo viện phí, thuốc men cho con.

Anh nhớ, trước khi con bước vào phòng phẫu thuật, anh gọi điện vào bệnh viện, đúng lúc bé chuẩn bị gây mê để phẫu thuật, bé nói với anh: “Ba ơi, ba nhớ vô với con, đừng có bỏ con, nhớ vô nhớ thăm con nha”.

Kể lại giây phút ấy, đến giờ giọng anh Cường vẫn như nghẹn lại, anh bảo: "Tôi nhớ con, thương con quá! Nghe con nói sao mà dễ thương, tôi nghiệp quá, tôi không cầm lòng được”.

Cho dù trước đây mấy lần đi bán vé số bị bọn lưu manh giật vé, buồn thì có buồn nhưng anh không khóc. Vậy mà hôm đó anh đã không cầm được nước mắt khi nghe thấy giọng của con gái.

Ngày mà anh tưởng chừng sẽ thắp lên hạnh phúc trọn vẹn cho con, cho gia đình nhưng nào ngờ lại là ngày dập tắt niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường, khỏe mạnh và đủ đầy của con và của cả gia đình. 

Nhà đã nghèo, nay gặp thêm cảnh con gái nằm một chỗ thì lại càng túng thiếu, khó khăn hơn. Bao nhiêu tiền kiếm được đều dồn vào tiền thuốc men cho bé Vy. Hằng ngày, đôi vợ chồng khiếm thị đi bán vé số từ sáng sớm đến tối mịt, cứ rong ruổi khắp đó đây bán cho hết vé.

Ngày nào bán đắt thì về sớm, những ngày khác thì cứ khoảng hơn 22 giờ đêm mới về đến nhà. Vậy mà cũng không đủ số tiền 500 nghìn đồng cho bé Vy mua thuốc và tập vật lí trị liệu mỗi ngày. Đấy là chưa kể, có những hôm anh chị bị bọn lưu manh giật mất vé số thì lại trắng tay cả gốc lẫn lãi.

be bai nao

Nhiều người khuyên gia đình rút ống thở cho bé Vy, nhưng chị Linh chưa bao giờ ngừng hy vọng.

Sống làm sao khi cơm áo gạo tiền rồi thuốc men cho con cứ vật lộn từng ngày. Lực bất tòng tâm, anh chị đành ngậm ngùi gửi đứa con gái lớn vào nhà Dòng nhờ các sơ cưu mang. Chỉ có như vậy bé mới có cơm ăn, áo mặc hàng ngày và bé mới được đi học đến nơi đến chốn.

Sự hồi sinh kì diệu của đoá hoa Tường Vy 

Theo anh Cường, sau cuộc phẫu thuật định mệnh, bé Vy không cai máy thở được. Bác sĩ nói tim bé ngừng đập, mất tri giác, thông báo người nhà đến để đưa bé về.

Thời điểm ấy, người nào nhìn vào bé cũng rớt nước mắt nghĩ rằng “đóa Tường Vy nhỏ” này có thể sẽ mãi mãi rời xa. Có người thì thầm bảo: “Thôi, rút ống thở cho bé để bé đi thanh thản, chứ sống vậy khổ bé”.

Empty

Nụ cười ngây thơ của "đóa tường vy nhỏ".

Nghe mọi người nói vậy, chị Linh khóc nức nở nhưng vẫn có niềm tin con mình sẽ làm nên điều kỳ diệu. Chị tâm sự, lúc đó chị không đành lòng rút ống thở của bé và chắp tay nguyện cầu điều kì diệu sẽ đến với con gái chị thì đúng lúc đó bé Vy gặp được bà Sương (quê Vĩnh Long) là người chăm bệnh nhân thuê ở bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi bà nghe hoàn cảnh của bé Vy bị di chứng sau mổ, lại là con của đôi vợ chồng mù, bà cầm lòng không đặng nên đã chủ động đăng ký đến để chăm sóc cho bé bằng tất cả tình thương. 

Theo lời kể của bà Sương, lần đầu trông thấy bé Vy thật tội nghiệp. Cô bé gầy gò, xanh xao. Tay, chân cứng đơ, không một chút phản ứng, nhịp thở yếu ớt … thậm chí tóc sau đầu cũng bắt đầu rụng một chỏm, hình thành vết lở loét. Thấy tình hình con bé nặng quá, tôi chỉ định chăm bé giùm chừng mười mấy, hai chục ngày rồi thôi, nhưng càng chăm càng thấy thương con bé... rồi như là duyên trời định bà không bỏ được Vy cho tới tận bây giờ bà vẫn dành tất cả tình thương cho cô bé.

Bà Sương kể tiếp, ngày đó, bé Vy dường như đã gần kề cái chết, ai cũng tin rằng bé sẽ không bao giờ trở lại là một đứa trẻ được nữa. Thế nhưng bà và mẹ bé Vy luôn tin rằng cô bé sẽ không bao giờ đầu hàng số phận.

Thế rồi một hôm, đôi mắt bé bỗng dưng hơi hé mở và chớp cùng với đôi môi như khẽ cười. Lúc bé tỉnh lại là bé biết khóc, cả phòng bệnh ai cũng vỡ òa trong hạnh phúc, bác sĩ cũng kinh ngạc.

Sau đó, bệnh tình bé Vy có tiến triển tốt, bà Sương bắt đầu tập cho Vy  dùng đồ ăn cho con qua ống hút rồi cho bé xem tivi bằng laptop cũ của cậu con trai mà bà đem lên treo trên tường.

Đặc biệt, bà còn dạy cho bé Vy cách tập giao tiếp, phản xạ với môi trường xung quanh. Tuy không nói được, nhưng qua những cử chỉ hành động và ánh mắt của bé, mọi người vẫn có thể hiểu được bé đã biết nhận thức.

Tường Vy đã hồi sinh một cách kì diệu. Thế nhưng, với việc mưu sinh bằng nghề bán vé số thì số tiền anh Cường và chị Linh kiếm được một ngày thực sự không đủ để chi trả một lần tập vật lý trị liệu cho bé Vy. 

Hành trình để Tường Vy trở lại một cô bé tinh nghịch như ngày nào vẫn còn xa lắm...!

Thông tin liên hệ:

Chị Hứa Thị Linh

Địa chỉ: Hẻm Sinco, khu phố 12, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM.

Điện thoại: 0866085934

Theo Dân Trí

comment Bình luận

largeer