Y tế dự phòng giúp người có bệnh được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn

Y tế dự phòng (YTDP) là những hoạt động giúp người khỏe không bị mắc bệnh, người có bệnh được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn
01/11/2023 15:09

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khoẻ người cao tuổi và y tế cộng đồng, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho rằng, nhiều người nghĩ không đúng về YTDP "chỉ là tiêm chủng hay phun thuốc diệt muỗi…". "YTDP là những hoạt động giúp người khỏe không bị mắc bệnh, người có bệnh được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn".

"Nếu nhiệm vụ này được thực hiện tốt thì tỉ lệ người mắc bệnh sẽ giảm, người khỏe mạnh tăng lên, giảm quá tải bệnh viện và tăng năng suất lao động, hiệu quả chăm sóc sức khỏe sẽ rất cao và tiết kiệm được ngân sách nhà nước, túi tiền của người dân".

Dự phòng bậc 1 là dự phòng từ khi người dân còn khỏe mạnh, chưa có bệnh. Đây là hoạt động mang tính chất cộng đồng rộng rãi chứ không chỉ của ngành y tế. Đó là các hoạt động giáo dục, cảnh báo, tạo điều kiện để người dân nâng cao sức khỏe như tạo sân chơi thể thao, đường đi bộ, công viên… trong đô thị, môi trường sống trong lành.

Dự phòng bậc 2 là khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí điều trị, giảm sự sa sút sức khỏe của người dân.

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khoẻ người cao tuổi và y tế cộng đồng, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khoẻ người cao tuổi và y tế cộng đồng, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Ảnh: NVCC

"YTDP đụng đâu cũng thiếu" là câu nói cửa miệng của nhiều y bác sĩ. Đã biết tầm quan trọng của YTDP như vậy nhưng vướng mắc ở đâu để dẫn đến tình trạng như hiện nay?

Theo quy định hiện hành, kinh phí dành cho YTDP là 30% trong tổng ngân sách dành cho ngành y tế. Nhưng số tiền này mới chỉ đủ nuôi bộ máy nên chưa thể thực hiện nhiều hoạt động như mong muốn. Đó là chưa kể nhiều địa phương không chi đủ tỉ lệ trên cho YTDP.

Điều này chứng tỏ các địa phương chưa thực sự coi trọng công tác này. Ngành y có thể huy động chi phí hàng tỉ đồng để điều trị 1 ca viêm gan, viêm thận nhưng lại không lấy đâu ra kinh phí truyền thông, giáo dục phòng chống dịch đau mắt đỏ như vừa qua.

Bảo hiểm y tế mở rộng chi trả sàng lọc sớm một số bệnh là một chuyển biến tiến bộ trong chính sách BHYT, giúp bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giảm chi phí điều trị. Đầu tư cho phòng bệnh nhiều hơn nữa thì không tốn chi phí điều trị bệnh (vốn tốn kém nhiều hơn so với chi phí cho dự phòng).

Ví dụ các bệnh huyết áp, tiểu đường, suy dinh dưỡng, béo phì… đều phòng được. Nhưng hoạt động phòng bệnh hiện nay rất ít. YTDP hiện chỉ chống dịch là chính, còn phòng ngừa bệnh để sức khỏe tốt hơn, giảm được các bệnh do lối sống, do ăn uống, dinh dưỡng… thì chưa nhiều.

Theo tôi, cần phải có luật phòng bệnh, dinh dưỡng cộng đồng. Trong đó phải quy định rõ nguồn kinh phí chi cho hoạt động phòng bệnh. Có luật rồi mới buộc các địa phương nghiêm túc dành kinh phí đầy đủ cho hoạt động YTDP.

Về phía người dân, việc chăm sóc sức khỏe để bớt được chi phí khám chữa bệnh bắt đầu từ đâu?

Việc chăm sóc sức khỏe phải bắt đầu từ khi con người mới ra đời. Nếu mỗi người có biện pháp chăm sóc sức khỏe cho chính mình, họ sẽ sống khỏe mạnh hơn. Đây là một quá trình chứ không phải tự đặt ra mốc cho mình rồi chờ nước đến chân mới nhảy.

Ví dụ, có người nghĩ đến 40 tuổi mới cần bắt đầu chăm sóc sức khỏe tuổi già, chưa tới 40 tuổi thì cứ uống rượu, hút thuốc thoải mái, nên đến 40 tuổi đã có một mớ bệnh trong người, tuổi thọ sẽ giảm, chất lượng cuộc sống giảm.

Hiện tại, cứ khi có bệnh, dịch gì xuất hiện, người dân mới hoang mang, tìm hiểu chớp nhoáng, ai tư vấn thuốc gì cũng mua. Khi bình thường, Nhà nước, ngành y tuyên truyền sống lành mạnh để phòng tránh bệnh thì nhiều người không để ý.

Những chương trình phòng chống tai nạn thương tích như dạy bơi hay kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, người lớn, dạy người dân biết ứng xử khi xảy ra thảm họa, cháy nổ, phòng chống bệnh không lây nhiễm… chưa nhiều. Có nơi mở lớp tuyên truyền, tập huấn cũng ít người tham gia.

Hiện nay tuổi thọ bình quân của nước ta xấp xỉ 74 tuổi, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ trên 60 tuổi. Nhiều người trên 60 tuổi bắt đầu ốm đau, bệnh tật, quanh năm sống với đống thuốc và các chuyến ra vào bệnh viện. Đây là hệ quả của quá trình chăm sóc sức khỏe không đúng.

Người Nhật là dân tộc sống thọ trên thế giới hiện nay, họ có chính sách rất rõ về vệ sinh thực phẩm và được kiểm soát thực hiện triệt để, kỹ lưỡng tới tận chi tiết như thịt lợn làm thực phẩm phải đạt tỉ lệ mỡ nhất định, lượng đường cho phép trong thức ăn... Việt Nam rất cần một chiến lược, những chính sách dài hạn và tổng thể về YTDP tương tự.

Trong lúc chờ đợi chiến lược chung của Nhà nước, ngành y tế cần làm việc gì đầu tiên để bảo vệ sức khỏe người dân?

Ngành YTDP còn nhiều khó khăn, có những việc đáng ra phải làm nhưng chưa thể làm xuể như chuyện xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.

Tuy nhiên, có những việc phải cố gắng làm từ từ. Trước tiên là giáo dục và tạo điều kiện cho người dân nâng cao sức khỏe.

Nước ta đã có chương trình giáo dục sức khỏe nhưng chỉ là những cuộc phát động, phong trào ào ào, chỉ có chính quyền và ngành y tế làm chứ phía người dân thì không mấy hứng thú. Cần đặt ra mục tiêu cụ thể, mời các tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng cùng xây dựng và tham gia theo khả năng, sở trường của từng người, từng tổ chức.

Như vậy, người dân, các tổ chức xã hội mới thấy mình có trách nhiệm, có ý thức hơn trong việc nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và hàng xóm, bạn bè.

Hiện nay, những người giàu có thường quan tâm nhiều đến sức khỏe. Họ dành thời gian chơi thể thao, chọn sống ở nơi có không khí trong lành. Nhưng đó là số ít.

Chính sách chung phải hỗ trợ để số đông còn lại cũng có điều kiện sống lành mạnh và cải thiện sức khỏe thông qua việc đầu tư vào nước sạch, môi trường, dự phòng bệnh sớm, giáo dục lối sống... 

Theo Báo Tuổi Trẻ

comment Bình luận

largeer