Yến giả, nhái, kém chất lượng tràn lan trên thị trường: Cần kiểm soát chặt chẽ khi nghĩ đến xuất khẩu
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện nay, cả nước có 40/63 tỉnh, thành phố có nhà nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt, năm 2017 tổng số trên 8,3 ngàn nhà yến, đến 8/2019 có trên 11,74 ngàn nhà yến tăng 1,42 lần, đến 2021 đạt tổng số 22.363 nhà nuôi yến, năm 2022 đạt 23.742 nhà yến và tăng tiếp trong năm 2023 lên tổng số 26.561 nhà yến và năm 2024 tăng lên 29.320 nhà yến.
Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang 2.981 nhà yến (giảm so với năm 2022 là 2.995 nhà yến), tiếp đến là Tiền Giang (1.732 nhà yến), Đắk Lắk (1.725 nhà yến), sau đến Bình Thuận (1.680 nhà yến).
Sản lượng tổ yến năm 2024 ước đạt 270 tấn (tăng 8,0% so với năm 2023), trong khi đó, kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 sản lượng tổ yến dự kiến đạt 350-400 tấn/năm.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, từ năm 2018, tổ yến là một trong các sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chú trọng, đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Sau 4 năm đàm phán, ngày 9/11/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến sạch của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã chính thức được ký kết (Nghị định thư 2022), điều này mở ra thị trường vô cùng tiềm năng cho ngành yến Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Dân Việt)
Sau khi ký Nghị định thư 2022, đã có 13 doanh nghiệp được Trung Quốc chấp thuận, được phép xuất khẩu, trong đó, hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm tổ yến được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá trị hơn 4 triệu USD.
Hơn 70 doanh nghiệp tham gia các chương trình giám sát, hoàn thiện nhà máy chế biến để tham gia xuất khẩu; Hơn 4.000 nhà yến tham gia vào chương trình giám sát an toàn dịch bệnh; Hơn 220 mẫu tổ yến được xét nghiệm các chỉ tiêu An toàn thực phẩm.
Nhằm mở rộng loại sản phẩm tổ yến xuất khẩu, ngay sau khi ký Nghị định thư 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tiếp tục đàm phán để xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc. Kết quả, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến vào ngày 15/4/2025 (Nghị định thư tổ yến bao gồm cả tổ yến sạch và tổ yến thô và sẽ thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022).
Tại Hội nghị, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y cũng thông tin về một số quy định mới của Trung Quốc tại Nghị định thư năm 2025, trong đó, phải có chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm và Newcastle; giới hạn nitrit, giới hạn nhôm và kiểm tra cảm quan... phải được đưa vào tiêu chuẩn của tổ yến sạch.
Các cơ sở sơ chế tổ yến thô và cơ sở chế biến tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với GACC. Chỉ những sản phẩm được sản xuất sau ngày đăng ký mới được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Những cơ sở chưa đăng ký sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc phải được xử lý nhiệt để đạt nhiệt độ tâm sản phẩm không thấp hơn 70 độ C và duy trì trong ít nhất 3,6 giây.
Tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đóng gói bằng vật liệu mới, phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế. Bao bì bên trong và bên ngoài của sản phẩm phải được niêm phong.
Bao bì bên ngoài của tổ yến thô phải ghi rõ tên và trọng lượng của sản phẩm, số đăng ký của nhà nuôi yến, tên và địa chỉ, số đăng ký của cơ sở sơ chế, điều kiện bảo quản, ngày sản xuất, hạn sử dụng bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Mỗi lô hàng tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc phải kèm theo một bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Hình thức và nội dung của Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y sẽ được hai bên thống nhất trước.
Việc xuất khẩu chính ngạch tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo động lực phát triển mạnh mô hình nuôi chim yến, chế biến tổ yến do Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với khoảng 300 tấn mỗi năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, với lợi thế có bờ biển dài, nhiều đảo và các dãy núi nhô ra biển, ra các đầm, phá nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến, chế biến sản phẩm tổ yến. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực.
Yến sào giả, nhái, kém chất lượng tràn lan thị trường
Dù tổ yến Việt Nam được đánh giá có chất lượng vượt trội so với các nước trong khu vực, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và người dân nuôi yến, ngành yến Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, chịu sự canh tranh khốc liệt với yến nhập khẩu, yến giá rẻ, kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường.
Bà Lý Hứa Thị Lan Phương, Ủy viên Hiệp hội Yến sào Việt Nam thông tin, hiện nay, rất nhiều yến nước ngoài nhập vào Việt Nam nhưng không được kiểm soát chặt chẽ bằng các tiêu chuẩn, hàng rào cản kỹ thuật, rất nhiều người đang sử dụng yến kém chất lượng. "Sản lượng yến nước ngoài nhập vào Việt Nam còn nhiều hơn cả yến sản xuất trong nước, trong khi đó tổ yến đang rớt giá rất nhiều so với trước đây", bà nói.
Bà Phương cho biết, thậm chí bất kỳ ai cũng có thể bán yến sào trên TikTok Shop. Hiện mặt hàng yến luôn nằm trong top 10 doanh số bán hàng trên TikTok Shop, ngay cả một cá nhân không đăng ký kinh doanh cũng có thể bán, số lượng, nguồn gốc, chất lượng tổ yến đó ai kiểm soát?.
Đồng quan điểm, anh Phan Việt Hưng, đại diện Công ty Nhà yến Việt Nam (Ninh Thuận) cho hay, trên thị trường hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm yến kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả.
Rất nhiều người lên TikTok bán các sản phẩm từ yến, trong khi đó không ai kiểm tra, kiểm soát xem nguồn gốc từ đâu, chất lượng ra sao, nhiều người "tiền mất, tật mang" khi mua phải hàng giả.
Vừa qua, một số vụ việc liên quan đến quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả, kém chất lượng trên các nền tảng mạng xã hội bị vạch trần, từ đó, bà Phương, anh Hưng cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm tra chất lượng các sản phẩm yến được bán trên các nền tảng xã hội.
Ngoài vấn nạn yến sào giả, nhái, kém chất lượng đang gây tổn hại không nhỏ cho các doanh nghiệp yến sào, các đại biểu cũng đề cập tới nhiều vướng mắc đối với sự phát triển của ngành yến sào như sự thiếu rõ ràng trong quy định pháp luật về cấp phép xây dựng nhà yến, đa số nhà yến trên cả nước chưa được cấp phép chính thức, những vướng mắc liên quan tới truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch động vật với sản phẩm yến sào... Bên cạnh đó là những giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia cho yến sào Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để phát triển ngành yến sào...
Liên quan đến xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, ông Hồng Đình Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho hay, khi làm việc với các đối tác Trung Quốc, sở dĩ họ chưa mạnh dạn nhập khẩu tổ yến Việt Nam, do họ đã quen sử dụng tổ yến của Malaysia và Indonesia. "Những nhà bán buôn ở Trung Quốc họ e dè nếu nhập khẩu tổ yến của Việt Nam không biết thị trường có chấp nhận hay không", ông Khoa nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dinh dưỡng Avanest Việt Nam thì cho hay, sau 2 năm xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, có thể nói rằng, tổ yến Việt phải cạnh tranh rất khốc liệt với tổ yến Malaysia và Indonesia, tháng 8 tới đây có thể thêm cả Thái Lan.
Làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc, bà Hà cho hay, đối tác đánh giá rất cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam, không phải họ không chấp nhận mà họ chưa có "niềm tin" tuyệt đối với sản phẩm của Việt Nam, trong khi họ đang cần một sản phẩm "đạt chuẩn".
Khẳng định ngành nuôi yến có tiềm năng, lợi thế và giá trị đem lại rất lớn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng cho biết, thời gian tới, Cục sẽ triển khai xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc, quy hoạch vùng nuôi, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh tháo gỡ những khó khăn, doanh nghiệp cần tận dụng thế mạnh, tăng cường chế biến sâu, cạnh tranh lành mạnh, hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo Dân Việt

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Giải pháp bảo vệ trẻ sinh non, tim bẩm sinh trước nguy cơ viêm phổi do RSV chính thức có mặt ở Việt Nam
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những tác nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Với mong muốn đồng hành cùng các bậc phụ huynh và cộng đồng trong hành trình bảo vệ sức khỏe trẻ em, FPT Long Châu mang đến giải pháp mới giúp dự phòng RSV cho trẻ nguy cơ cao.May 2 at 4:48 pm -
Một dòng chữ nhỏ trên hóa đơn nhà thuốc Long Châu – Lời cam kết về sức khỏe và niềm tin
Ngay từ tháng 4/2025, khách hàng khi mua thuốc và thực phẩm chức năng tại hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu sẽ luôn biết rõ thông tin về nơi sản xuất thuốc và được hướng dẫn rõ ràng cách thức tra cứu giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm chức năng.April 28 at 10:19 am -
FPT Long Châu cùng AstraZeneca Việt Nam - Đối tác chiến lược trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Vừa qua, FPT Long Châu đã tổ chức hội thảo khoa học “Hành trình 10 năm Dapa tại Việt Nam - Đồng hành cùng dược sĩ trong tư vấn và quản lý bệnh nhân tim mạch - thận - chuyển hóa” với sự đồng hành của AstraZeneca Việt Nam.April 28 at 9:17 am -
Thanh Hóa: Rà soát, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến sản xuất, phân phối sữa giả
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa, báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định; đối với những trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.April 26 at 8:32 am