350.000 em bé hàng năm không có cơ hội chào đời

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 300.000-350.000 ca phá thai hàng năm, trong đó 62% do mang thai ngoài ý muốn.
08/09/2020 10:10

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng dân số Việt Nam 96,2 triệu người, trong đó số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) gần 25 triệu. Trung bình mỗi năm, dân số Việt Nam tăng thêm gần một triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục tăng, dự báo đạt cực đại vào năm 2027-2028.

Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở Việt Nam là 76,5%. Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ này chỉ thấp hơn Thái Lan. Trong đó, 66,5% dùng các biện pháp tránh thai hiện đại, 10% tránh thai truyền thống. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống như phương pháp xuất tinh ngoài âm đạo, phương pháp tránh ngày phóng noãn... hiệu quả không cao. Đặc biệt, tình trạng có thai ngoài ý muốn đang xu hướng tăng, nhất là với phụ nữ đã có từ hai con trở lên. Do đó số ca phá thai xu hướng tăng cao.

Các phương pháp tránh thai hiện đại phổ biến ngày này gồm: sử dụng bao cao su, đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai, tiêm thuốc tránh thai, que cấy tránh thai, triệt sản, thắt ống dẫn tinh...

pha thai

Trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động về triển khai công tác dân số tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cung ứng dịch vụ ở một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn do nhiều nơi bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội... tác động đến số người mới sử dụng biện pháp tránh thai. Cùng với đó, Covid-19 khiến kinh phí hỗ trợ từ Trung ương giảm mạnh, không đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình.

Trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có tới gần 80 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, trong đó 20 triệu ca có ý định phá thai. Khoảng 222 triệu phụ nữ không sử dụng biện pháp tránh thai nào dù không dự định có con.

Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), 6 tháng cuối năm, nếu tiếp tục áp dụng cách ly xã hội thì các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn. 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình khó tránh thai.

Ngày tránh thai thế giới 26/9 năm nay là một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, chủ động về hành vi mang thai.

Đại diện Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, nhận định, lứa tuổi vị thành niên, thanh niên đang đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, tỷ lệ phá thai. Việc sử dụng biện pháp tránh thai sẽ giúp các gia đình chủ động trong việc sinh con, thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra, đồng thời tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Theo Tổng cục Dân số, công tác truyền thông cần chú trọng nâng cao nhận thức cho giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, đẩy mạnh truyền thông về Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

comment Bình luận

largeer