5 người bị ngộ độc trứng cá sấu hỏa tiễn

Sau khoảng 90 phú ăn món trứng cá sấu hỏa tiễn, 5 người trong gia đình bắt đầu xuất hiện tình trạng nôn, đau bụng và đi ngoài. Các bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Chống độc và khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong tình trạng nôn ói nhiều. Bệnh nhân lớn nhất là bà H. (62 tuổi) và nhỏ nhất 5 tuổi.
23/03/2021 08:35

Gia đình cho biết sáng 21/3, bà H. cùng gia đình sang thăm nhà người quen ở huyện Mê Linh (Hà Nội). Tại đây, gia đình được chiêu đãi món thịt cá sấu hỏa tiễn. Con cá dài khoảng 150 cm và nặng 20 kg. Đến chiều, gia đình có mang theo trứng cá sấu về ăn tối.

Sau khi ăn khoảng 90 phút, các cháu và bà H. bắt đầu xuất hiện nôn, đau bụng và đi ngoài. Bà H. lên Internet đọc thông tin thấy trứng cá sấu hỏa tiễn có độc, nguy hiểm nên cả gia đình lập tức đến Bệnh viện Bạch Mai.

 
5912315532_e98ddd5633_b

Cá sấu hỏa tiễn là cá cảnh, phàm ăn và trứng thường gây độc. Ảnh: Flickr.

Sau khi xác định căn nguyên gây ngộ độc, bà H. được điều trị tại Trung tâm Chống độc, còn 4 cháu nhỏ được chuyển sang khoa Nhi của bệnh viện. Sau 12 giờ điều trị, sức khỏe của bà H. và các cháu ổn định.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết thịt cá sấu hỏa tiễn có thể ăn bình thường nhưng trứng và phần thịt quanh trứng chứa chất độc Ichthyotoxin. Đây là chất gây độc trên hệ tiêu hóa (gây buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy), thần kinh (đau đầu, vã mồ hôi, chóng mặt, ù tai, co giật) và tim mạch (loạn nhịp tim, tụt huyết áp).

Trên thế giới có một số thông báo về bệnh nhân ngộ độc loại này. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trước đây từng có bệnh nhân bị ngộ độc tương tự.

Trên thực nghiệm, các nhà khoa học cho chuột ăn trứng cá sấu hỏa tiễn thì con vật này bị chết. Vì vậy, tiến sĩ Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn trứng cá sấu hỏa tiễn và các bộ phận xung quanh trứng cá.

Cá sấu hỏa tiễn (hay cá hỏa tiễn, cá mỏ vịt, cá nhái đốm, cá láng đốm, cá sấu mõm dài,…) có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, là một trong những loài cá cảnh phàm ăn, sinh trưởng nhanh và rất hung dữ.

Cá sấu hỏa tiễn có mặt trên khá nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong tự nhiên, chúng có thể tồn tại được ở những môi trường nước ngọt khác nhau như đầm lầy, hồ, vùng cửa sông, nước lợ...

Khi nuôi, người dân chỉ cần thả cá sấu hỏa tiễn vào bể nước ngọt là chúng có thể sống và phát triển tốt. Cá sấu hỏa tiễn là loài sinh sản lưỡng tính. Sau khi giao phối cùng con đực, cá cái sẽ đẻ trứng màu đỏ tươi. Mùa xuân là mùa sinh sản của loài động vật này. Đến mùa sinh sản, con cái có khả năng đẻ đến 150.000 quả trứng.

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer