5 phương pháp điều trị tiềm năng dựa trên tế bào gốc

Không chỉ là khối xây dựng quan trọng trong cơ thể, tế bào gốc còn có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác, giúp sửa chữa và tái tạo những loại tế bào bị thương tổn hoặc mất đi. Những năm gần đây, các nhà khoa học đã dựa trên loại tế bào đặc biệt này để phát triển nhiều phương pháp chữa bệnh tiềm năng.
28/04/2022 10:12

Chữa bệnh cơ tim giãn

Bệnh cơ tim giãn (DCM) là bệnh lý nguy hiểm gây suy yếu các cơ của tâm thất - thường dẫn tới suy tim và gây tử vong ở trẻ em. Phương pháp chữa trị duy nhất hiện tại là ghép tim, vốn mất nhiều thời gian để tìm được người hiến tạng thích hợp và có nguy cơ thải ghép. Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một phương pháp dùng tế bào gốc từ tim (CDC) nhằm giúp bệnh nhân DCM sống lâu hơn trong thời gian chờ ghép tim. Trước đó, CDC được phát hiện là có hiệu quả điều trị một số bệnh tim, bởi chúng có thể phát triển thành các tế bào mô tim và chống lại tác động của DCM.

Trong nghiên cứu, các chuyên gia tại Ðại học Okayama đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp CDC trên các mô bị tổn thương do DCM ở những con heo bị bệnh này. Cụ thể, so với những con heo được cho dùng giả dược, những con heo được điều trị bằng tế bào gốc từ tim có phần cơ tim dày lên đáng kể, vừa giúp tăng lưu lượng máu đến khắp cơ thể vừa phục hồi hiệu quả các mô tổn thương. Kết quả thử nghiệm liệu pháp mới này trên một nhóm bệnh nhi DCM cũng cho thấy, tiêm CDC giúp tim hoạt động tốt hơn mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Theo nhóm nghiên cứu, liệu pháp CDC có thể giúp giảm thiểu nhu cầu ghép tim và cho phép bệnh nhân có cuộc sống bình thường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phục hồi tim và đảo ngược sự lão hóa

Không chỉ có triển vọng điều trị suy tim, các nhà khoa học tại Viện Tim Smidt (Mỹ) phát hiện ứng dụng liệu pháp tế bào gốc từ tim còn có thể đảo ngược các vấn đề lão hóa. Trong nghiên cứu trên chuột, các chuyên gia nhận thấy những con chuột được truyền tế bào gốc từ tim không chỉ cải thiện chức năng tim mà còn gia tăng độ dài các telomere tế bào tim - dấu hiệu phục hồi của tế bào tim. Hơn nữa, khả năng vận động của nhóm chuột được điều trị CDC cũng tăng lên khoảng 20% và tốc độ tái tạo bộ lông của chúng cũng nhanh hơn so với nhóm chuột đối chứng không dùng liệu pháp tế bào gốc.

Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân COVID-19

Tuy còn gây tranh cãi, nhưng việc sử dụng tế bào gốc từ dây rốn trẻ sơ sinh được xem là liệu pháp tiềm năng cho nhiều bệnh, bao gồm cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót cho những bệnh nhân COVID-19 dạng nặng. Cụ thể, trong một nghiên cứu tiến hành trên 40 bệnh nhân COVID-19 thuộc diện chăm sóc đặc biệt và đang thở máy tiếp nhận điều trị bằng đường tĩnh mạch, các chuyên gia đã truyền dịch chứa tế bào gốc dây rốn cho phân nửa số bệnh nhân, nửa còn lại được truyền dịch không chứa tế bào gốc. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống sót của nhóm nhận tế bào gốc đã tăng 2,5 lần. Tương tự, nhóm có sẵn bệnh nền trước khi mắc COVID-19 cũng tăng khả năng “đánh bại” SARS-CoV-2 lên gấp 4,5 lần. Ðáng chú ý, nghiên cứu cho thấy việc truyền tế bào gốc không gây ra bất kỳ biến chứng hoặc phản ứng dị ứng nguy hiểm nào.

Chữa đau lưng dưới do thoái hóa đĩa đệm

Theo các chuyên gia, nguyên nhân phổ biến gây đau lưng dưới là do sự thoái hóa của các đĩa đệm nằm giữa các đốt sống. Trong nghiên cứu chung, các chuyên gia tại hai trường đại học Osaka và Kyoto (Nhật Bản) đã sử dụng mô sụn lấy từ tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) để tái tạo các đĩa đệm bị hư hao ở chuột, sau khi họ ứng dụng thành công phương pháp này để điều trị các khiếm khuyết về sụn trên động vật.

Ở thử nghiệm mới, các chuyên gia đã tạo ra mô sụn lấy từ iPSC của người, sau đó cấy vào những con chuột bị tổn thương đĩa đệm. Kết quả cho thấy loại tế bào gốc này có thể tồn tại và duy trì chức năng, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng thoái hóa đĩa đệm.

Ðiều trị mù lòa

Rối loạn tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bao gồm tình trạng thoái hóa điểm vàng. Các chuyên gia tại Trường Y khoa Icahn (Mỹ) cho biết họ đã sản xuất thành công tế bào võng mạc ở khỉ bằng tế bào gốc từ người. Cụ thể, các chuyên gia đã chuyển các tế bào gốc võng mạc lấy từ những bệnh nhân đã qua đời và cấy vào bên dưới điểm vàng trong võng mạc khỉ. Sau phẫu thuật, họ nhận thấy mô ghép đã hoạt động ổn định trong ít nhất 3 tháng mà không có tác dụng phụ nào. Ðiều này chứng tỏ các tế bào gốc của người đã phục hồi một phần chức năng các tế bào võng mạc của khỉ. Nhóm nghiên cứu tin rằng những tế bào gốc đặc biệt này trong tương lai có thể giúp khôi phục thị lực cho những người mắc bệnh võng mạc.

Theo Study Finds

comment Bình luận

largeer