6 loại vaccine Covid-19 được WHO phê duyệt

Sự chấp thuận từ cơ quan y tế toàn cầu là bảo chứng vaccine an toàn và hiệu quả, để dựa vào đó mỗi quốc gia tự tin xúc tiến việc phê duyệt quy định của riêng mình.
02/06/2021 15:55

 6 vaccine được WHO phê duyệt đến nay gồm sản phẩm của Mỹ, Anh sử dụng công nghệ mới như mRNA hoặc vector virus; của Trung Quốc với phương pháp virus bất hoạt truyền thống.

Vaccine Pfizer

WHO phê duyệt vaccine BNT162b2 của Pfizer (tên thương mại là Comirnaty) ngày 1/1. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được tổ chức y tế toàn cầu đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Vaccine điều chế theo công nghệ mRNA, mang thông tin di truyền của COVID-19 vào cơ thể, thay vì virus nguyên bản đã bất hoạt hoặc giảm độc lực. Vaccine cung cấp thông tin về "bản mẫu" của virus mà không gây bệnh. Bản mẫu cho phép hệ miễn dịch làm quen mầm bệnh và tiêu diệt chúng sau này.

Ngày 2/4, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine hiệu quả 95,3%, ngăn ngừa cả trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng. Miễn dịch tạo bởi vaccine kéo dài ít nhất 6 tháng nếu tiêm hai liều. Vaccine Pfizer được sử dụng ở 103 nước.

Vaccine AstraZeneca

Ngày 15/2, WHO phê duyệt vaccine ChAdOx1 của AstraZeneca. Đây là vaccine nòng cốt trong sáng kiến Covax, nhằm tạo điều kiện tiêm chủng công bằng toàn cầu.

Vaccine được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Vector vận chuyển vật chất di truyền của COVID-19. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.

vaccine

Một lọ vaccine COVID-19 của AstraZeneca đươc phân phối theo chương trình Covax đến Morocco, ngày 26/5.

Ngày 21/5, Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho biết hai liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả từ 65-90%. Độ bảo vệ giảm nhẹ từ tuần thứ 10 sau khi tiêm liều đầu tiên.

Tháng 3, vaccine AstraZeneca vấp phải nhiều tranh cãi do để lại tác dụng phụ hiếm gặp là đông máu và giảm tiểu cầu. Đan Mạch và Na Uy đã loại vĩnh viễn vaccine khỏi chương trình tiêm chủng quốc gia. Hiện có 173 nước đang sử dụng vaccine AstraZeneca.

Vaccine Johnson & Johnson (J&J)

WHO cấp phép khẩn cấp cho vaccine Ad26.COV2.S của Johnson & Johnson (J&J) hôm 12/3. Nhờ vậy, hãng đủ điều kiện phân phối thông qua Covax.

Vaccine điều chế bằng công nghệ vector virus giống với AstraZeneca, nhưng virus vô hại được sử dụng là adenovirus 26.

Trong thử nghiệm lâm sàng toàn cầu với 44.000 tình nguyện viên, vaccine hiệu quả 66%. Trong thử nghiệm tại Mỹ, vaccine có tác dụng 72% sau 28 ngày. Ở Nam Phi, độ bảo vệ của vaccine giảm xuống còn 64% do biến chủng B.1.351.

Ưu thế của vaccine J&J là cơ chế một liều, yếu tố then chốt khi nguồn cung đang hạn chế. Vaccine có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường, ở nhiệt độ 2,2-7,7 độ C, không cần đến tủ đông siêu lạnh như sản phẩm của Pfizer. Vaccine J&J được triển khai ở 24 nước.

Vaccine Moderna

Vaccine COVID-19 của Moderna có tên gọi mRNA-1273, được WHO phê duyệt ngày 30/4.

Vaccine sử dụng công nghệ mRNA giống với Pfizer. Tại Mỹ, vaccine có giá 25-30 USD một liều, đắt hơn so với các đối thủ trên thị trường như AstraZeneca (3-4 USD một liều)

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba được Moderna công bố hồi tháng 4/2021, vaccine hiệu quả 90%, ngăn ngừa được các ca nhiễm COVID-19 nghiêm trọng. Ưu điểm của nó là không cần bảo quản cực lạnh, giúp quá trình phân phối dễ dàng hơn. 49 nước đang sử dụng vaccine của Moderna.

Vaccine SinoPharm

Ngày 7/5, WHO phê duyệt khẩn cấp vaccine đầu tiên của Trung Quốc, đến từ hãng dược SinoPharm, có tên gọi BBIBP-CorV. Vaccine được triển khai ở 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng sau AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

vaccin 3

Nhân viên y tế cầm một lọ vaccine SinoPharm ở Văn phòng Y tế Panadura, Colombo, Sri Lanka, ngày 8/5. Ảnh

Hôm 27/5, Trung Quốc công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn ba, sau khi 200 triệu liều vaccine được tiêm khắp thế giới. Theo đó, BBIBP-CorV hiệu quả 78,1% ngăn ngừa các ca nhiễm có triệu chứng và 73,5% với những ca không triệu chứng. Nghiên cứu ghi nhận 201 trường hợp gặp tác dụng ngoài ý muốn. Nghiên cứu tiền lâm sàng hồi tháng 2 cho thấy vaccine vẫn hiệu quả chống biến thể Nam Phi, dù hoạt tính yếu hơn so với chủng virus ban đầu.

SinoPharm sử dụng virus bất hoạt, một công nghệ truyền thống để điều chế vacicne. Phương pháp này từng được dùng với vaccine bại liệt.

Vaccine SinoVac

WHO phê duyệt khẩn cấp CoronaVac, vaccine của hãng dược SinoVac ngày 1/6. Trước đó, vaccine đã được sử dụng ở Trung Quốc và hơn 20 nước khác.

Vaccine điều chế bằng virus bất hoạt, giống với BBIBP-CorV của SinoPharm. Ban đầu, COVID-19 được nuôi lớn trong tế bào vero, phân lập từ tế bào biểu mô thận. Sau đó, các nhà khoa học bất hoạt virus bằng một loại chất hữu cơ, khiến chúng không thể gây bệnh hay nhân lên khi tiêm vào cơ thể.

Trong thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, CoronaVac đạt hiệu quả hơn 50% ngăn ngừa COVID-19. Trong thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ, các chuyên gia kết luận vaccine hiệu quả 91,25%.

(Theo vnexpress)

comment Bình luận

largeer