6 sai lầm khi cố giảm chỉ số triglyceride

Triglyceride là loại chất béo có mặt trong hầu hết mô mỡ cơ thể, đồng thời cũng có trong nhiều thực phẩm.
11/12/2023 18:59

Theo các chuyên gia, loại và lượng thức ăn mà chúng ta tiêu thụ có ảnh hưởng đến hàm lượng triglyceride trong máu. Khi nạp quá nhiều calo, cơ thể sẽ lưu trữ lượng calo dôi dư dưới dạng triglyceride. Trong khi đó, triglyceride cao (thường gọi là mỡ máu cao) là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh nguy hiểm. Tuy thay đổi chế độ ăn và lối sống có thể giúp giảm mức triglyceride, nhưng bạn cần tránh mắc 6 sai lầm sau đây:

Không ăn tinh bột - đường (carb)

Ðể giảm mức triglyceride, chúng ta không nhất thiết phải loại bỏ mọi loại carb, mà nên ăn loại có lợi cho sức khỏe. Chẳng hạn, bạn nên tiêu thụ carb từ ngũ cốc nguyên hạt, bởi nó cung cấp đầy đủ các chất xơ và dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Thành phần chất xơ hòa tan trong ngũ cốc nguyên hạt còn làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó trì hoãn quá trình hấp thụ đường và chất béo, làm mềm phân và thúc đẩy nhu động ruột. Ngoài ra, lượng chất xơ không hòa tan trong ngũ cốc nguyên hạt còn giúp no bụng lâu hơn. Nói cách khác, tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt giúp tránh nguy cơ ăn quá nhiều, khiến cơ thể trữ calo thừa dưới dạng triglyceride.

Ảnh: Life

Ảnh: Life

Không cân bằng đường huyết

Ăn nhiều thực phẩm thêm đường cũng làm tăng triglyceride. Khi dùng đường, gan sẽ phân hủy carb thành glucose, rồi chuyển hóa thành glycogen - nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nhưng tại một thời điểm, gan chỉ có thể chuyển hóa một số lượng hạn chế glucose, nên phần thừa sẽ được trữ dưới dạng các axít béo dùng tạo ra triglyceride.

Trong điều kiện bình thường, tuyến tụy sẽ tạo ra hoóc-môn insulin để đáp ứng với lượng glucose trong máu. Nhưng khi glucose không thể di chuyển vào tế bào một cách hiệu quả, tuyến tụy trở nên chậm chạp trong việc sản xuất insulin, dẫn đến tình trạng kháng insulin và gây tiểu đường. Do đó, giảm lượng đường bổ sung và chọn ăn loại carb thích hợp có thể giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả và duy trì mức triglyceride lành mạnh.

Ăn sai loại chất béo

Các chế độ ăn kiêng giảm cân - như Keto và Whole30 - thường khuyến khích ăn nhiều đạm động vật và thực phẩm giàu chất béo, nên dễ khiến bạn tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa, dẫn tới tăng triglyceride. Nên nếu muốn giảm triglyceride, bạn cần đảm bảo lượng chất béo bão hòa chiếm không quá 10% lượng calo dung nạp hằng ngày, hoặc thay thế bằng chất béo không bão hòa có trong các loại hạt và omega-3 trong cá béo và hạt lanh. Một cách giảm lượng chất béo bão hòa khác là ăn thịt nhiều nạc và chế biến thức ăn bằng loại dầu giàu chất béo không bão hòa như dầu bơ và dầu ôliu.

Uống nhiều rượu

Rượu cũng cung cấp calo và việc pha thêm thức uống chứa đường càng làm tăng thêm lượng calo dung nạp. Chất cồn từ rượu được xử lý tại gan và lượng calo dư đều được lưu trữ dưới dạng chất béo. Theo thời gian, lượng calo tăng thêm đó sẽ làm tăng triglyceride. Ðược biết, mức uống rượu điều độ là không quá 2 ly/ngày với nam và 1 ly/ngày với nữ. Nhưng tốt hơn hết vẫn là nói “không” với bia rượu.

Không vận động đủ

Vận động thể chất thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe tim và giảm triglyceride, nhờ thúc đẩy cơ thể đốt cháy calo. Ðơn cử, các bài tập aerobic (bao gồm đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, chạy bộ) làm tăng nhịp tim và nhịp thở, từ đó giúp chức năng phổi và tuần hoàn đạt hiệu quả tốt nhất. Theo khuyến cáo, mọi người cần tập luyện ít nhất 150 phút ở cường độ vừa hoặc 75 phút ở cường độ mạnh mỗi tuần.

Không cai thuốc lá

Hút thuốc là yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim, do nó thúc đẩy sự hình thành mảng bám trong động mạch và làm giảm dần lưu lượng máu. Việc dùng các sản phẩm thay thế như thuốc lá điện tử cũng không tốt. Nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc lá điện tử có thể gây hại cho mức cholesterol, glucose và triglyceride như khi hút thuốc lá truyền thống.

Theo Life

comment Bình luận

largeer