93 năm Đảng Cộng sản Việt Nam – Những chặng đường lịch sử vẻ vang

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong suốt 93 năm qua, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” trên đất nước Việt Nam.
02/02/2023 15:01

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo Việt Nam

Sau 26 năm nổ súng xâm lược Việt Nam, ngày 6/6/1884, Hiệp định Patơnốt giữa triều đình Nhà Nguyễn với Pháp được kí kết, đánh dấu cuộc xâm lược của thực dân Pháp đã hoàn thành. Trong và sau quá trình xâm lược Việt Nam, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra sôi nổi theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau: Phong trào yêu nước của nhân dân Nam Kì; Phong trào yêu nước theo khuynh hướng phong kiến, tiêu biểu là phong trào Cần Vương (1885 – 1896) và phong trào nông dân Yên Thế (1884 – 1913); Phong trào yêu nước theo khuynh hướng tư sản đầu thế kỉ XX: Phong trào Đông Du; Phong trào Duy Tân; Phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907); Phong trào “tẩy chay Khách trú”(1919); Phong trào chống độc quyền xuất nhập ở cảng Sài Gòn (1923); Khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo (1930)…

Empty

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Như vậy, trước yêu cầu lịch sử, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra sôi nổi. Mục tiêu của các cuộc đấu tranh ở thời kỳ này đều hướng tới giành độc lập cho dân tộc, nhưng trên các lập trường giai cấp khác nhau nhằm khôi phục chế độ phong kiến, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, hoặc cao hơn là thiết lập chế độ cộng hòa tư sản. Các phong trào đấu tranh diễn ra với các phương thức và biện pháp khác nhau: Bạo động hoặc cải cách; với quan điểm tập hợp lực lượng bên ngoài khác nhau: Dựa vào Pháp để thực hiện cái cách, hoặc dựa vào ngoại viện để đánh Pháp… nhưng cuối cùng các cuộc đấu tranh đều thất bại.

Thất bại của các phong trào yêu nước nêu trên đã chứng tỏ giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản và hệ tư tưởng phong kiến, tư sản không đủ năng lực để lãnh đạo phong trào yêu nước, giải quyết thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về giai cấp lãnh đạo. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra lúc này là phải tìm một con đường cách mạng mới, với một giai cấp có đủ tư cách đại biểu cho quyền lợi của dân tộc, của nhân dân có đủ uy tín và năng lực, để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đi đến thành công.

Trước yêu cầu của lịch sử, tháng 6/1911 người thanh niên xứ Nghệ - Nguyễn Văn Ba (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc) đã lên tầu sang phương Tây tìm đường cứu nước. Sau 10 năm tìm tòi, khảo sát các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, tháng 7/1920, Người đã tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc sau khi đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đó là con đường cách mạng vô sản. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người - từ người yêu nước bình thường trở thành người cộng sản, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (1).

Empty

Lá cờ chiến thắng bay trên nóc hầm tướng Đờ cát, ngày 07/5/1954, đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (Ảnh tư liệu)

Sau khi trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực nghiên cứu, học tập, truyền bá lý luận cách mạng vô sản. Đồng thời có những chuẩn bị quan trọng về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Để giải quyết nguy cơ chia rẽ trong phong trào cộng sản Việt Nam, trước yêu cầu của lịch sử, cuối năm 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đến Hương Cảng (Trung Quốc) nhanh chóng triệu tập đại biểu các tổ chức cộng sản. Từ ngày 6/1/1930 đến ngày 8/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp tại Hương Cảng. Hội nghị đã đồng thuận và quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Điều lệ và bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên;…

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, đưa cách mạng Việt Nam sang một bước ngoặt lịch sử vĩ đại: Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng” (2).

Những thắng lợi vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam, trở thành nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Một là, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi ra đời, với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập với các phong trào cách mạng lớn: Từ cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936-1939, đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945, trực tiếp là cao trào kháng Nhật cứu nước, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tháng 3 đến tháng 8/1945.

Empty

Xe tăng của Quân giải phóng Miền Nam húc đổ cổng Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đánh đổ chế độ thuộc địa 5 năm của phát xít Nhật, 87 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng nền cộng hòa dân chủ, chế độ dân chủ nhân dân đầu tiên ở Việt Nam, tạo tiền đề để phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc được mở ra, kỷ nguyên dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, được làm chủ đất nước và xã hội, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, thực hiện các quyền cơ bản của con người.

Cách mạng Tháng Tám đã kết hợp đúng đắn đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, thống nhất lợi ích của các giai cấp với lợi ích tối cao của dân tộc, kết hợp chặt chẽ mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng độc lập, tự do và ý chí tự lực, tự cường, quyết “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” như lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu rõ. Đó là thắng lợi của đường lối cứu nước và sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh và vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả của quá trình Đảng chủ động nắm bắt thời cơ cách mạng, phát động và lãnh đạo cao trào cách mạng cứu nước, phát triển tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc tạo ra thực lực cách mạng, phát triển sức mạnh trong nước để khi nhân tố bên ngoài thuận lợi xuất hiện, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Đảng đã chớp thời cơ phát động Tổng khởi nghĩa. Triệt để tận dụng thời cơ đồng thời chủ động đẩy lùi nguy cơ: thực dân Pháp quay lại áp đặt sự cai trị như trước ngày 9-3-1945 và quân Đồng Minh kéo vào giải giáp quân Nhật và có ý đồ phá hoại nền độc lập của Việt Nam. Chớp đúng thời cơ và đẩy lùi nguy cơ là thành công nổi bật của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đánh giá ý nghĩa lớn lao của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (3).

Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Empty

Đại lộ Thăng Long (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự, độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính, vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, kế thừa truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, Đảng đã phát triển phong phú các hình thức chiến tranh nhân dân, phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam, kết hợp Kháng chiến với Kiến quốc đã đưa kháng chiến đến thắng lợi với Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và ký kết Hiệp định Geneve, miền Bắc hoàn toàn giải phóng có điều kiện thuận lợi, hòa bình tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), Đảng lãnh đạo đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Một đảng thống nhất lãnh đạo một nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chiến lược cách mạng khác nhau là đặc điểm nổi bật của cách mạng Việt Nam thời kỳ 1954-1975 và cũng là điểm đặc biệt trên thế giới, điểm sáng tạo góp phần làm phong phú thêm Chủ nghĩa Mác - Lênin.

Cùng với đường lối cách mạng, Đảng phát triển sáng tạo về phương pháp cách mạng. Sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng: Lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân. Tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng. Kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy. Đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị. Đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận. Kết hợp ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ. Thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ. Nắm vững phương châm chiến lược đánh địch lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, đè bẹp quân địch để giành thắng lợi cuối cùng.

Đường lối chính trị, quân sự và phương pháp cách mạng đúng đắn do Đảng đề ra và thể hiện phong phú trong chiến tranh cách mạng “đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn” đánh thắng thế lực đế quốc giàu mạnh nhất, hung bạo nhất trong thời đại ngày nay.

Thực tiễn chiến tranh cách mạng ở Việt Nam chứng minh: “một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược” (4).

Ba là, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Sự nghiệp đổi mới là kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, khi còn chiến tranh và trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm sáng kiến của nhân dân, Đảng đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế.

Đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đề ra  là bước đổi mới quan trọng về tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn những luận điểm của Karl Marx và V.I.Lenin về những đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hiểu rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới cũng là kết quả của quá trình tổng kết, tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn, từng bước khắc phục lối tư duy chủ quan, duy ý chí, giáo điều, nóng vội và thấy rõ sự cần thiết phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Đường lối đổi mới dựa trên cơ sở sáng kiến, nguyện vọng và lợi ích của các tầng lớp nhân dân và do đó trở thành yêu cầu khách quan, tất yếu của cuộc sống.

36 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, quản lý hành chính, tập trung, bao cấp, nền kinh tế hiện vật sang nền kinh tế hàng hóa, nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội (1996), đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ra khỏi tình trạng của nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước có mức thu nhập trung bình (2008), phấn đấu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất và văn hóa tinh thần. Chính trị, xã hội ổn định và hệ thống chính trị vững mạnh với vai trò của Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quan hệ đối ngoại mở rộng, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 191 nước trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”.

Tổng kết 35 năm tiến hành đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (5). 

Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2023), nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, chúng ta càng cảm phục về tư tưởng, tầm vóc và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, nói chung, trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nói riêng. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam luôn tự hào khi đang được sống, lao động và học tập trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo sáng suốt đúng đắn của Đảng. Do vậy, việc tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo của Đảng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công cuộc đổi mới, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tích cực vào hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng trong cuộc sống, đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.314.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.12, tr.406.

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, trang 25.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 37, trang 489.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 1, trang 24,25.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

comment Bình luận

largeer