Ấn Độ trả giá vì chiến lược vaccine sai lầm

Sneha Marathe, 31 tuổi, mất nửa ngày để đặt lịch hẹn tiêm vaccine COVID-19 trực tuyến nhưng bị hủy vào phút cuối.
15/05/2021 10:27

"Đó là cuộc thi 'tay ai nhanh hơn'. Chỉ ba giây thôi là hết suất rồi", Marathe nói. Cô ban đầu đặt được lịch hẹn thành công, nhưng bị bệnh viện hủy vào phút chót vì không có vaccine. Marathe lại cố gắng đăng ký một suất tiêm khác.

Tất cả người 18-44 tuổi ở Ấn Độ phải đăng ký trên nền tảng trực tuyến CoWin của chính phủ để được tiêm chủng. Khi nhu cầu vượt xa nguồn cung, những người Ấn Độ am hiểu công nghệ thậm chí còn viết code để can thiệp vào trang web nhằm đặt được suất tiêm vaccine.

Marathe không biết viết code, nhưng cô nằm trong số hàng triệu người Ấn Độ được tiếp cận công nghệ, không giống như hàng trăm triệu người khác không có điện thoại thông minh hoặc Internet - hiện là cách duy nhất để đăng ký tiêm chủng.

081329191-19fd1281-421d-4518-8-3513-9120-1620968581

Một nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine Covaxin tại Kolkata, Ấn Độ hồi tháng trước (Ảnh: Reuters)

Hiện khoảng 960 triệu người Ấn Độ đủ điều kiện tiêm vaccine, đòi hỏi nước này có 1,8 tỷ liều, nhưng nguồn cung họ sở hữu thấp hơn nhiều so với mức đó. Nước này tiêm chưa đến hai triệu liều vaccine mỗi ngày. Tình trạng thiếu hụt trầm trọng diễn ra trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ hai đang hoành hành và giới chuyên gia cảnh báo làn sóng thứ ba sẽ tiếp tục ập đến. Câu hỏi được đặt ra là vì sao nhà sản xuất vaccine lớn nhất toàn cầu, thường được mệnh danh là "hiệu thuốc của thế giới", lại gần như không có vaccine cho chính mình?

Giới chuyên gia cho rằng chính phủ nước này đã lên kế hoạch tồi. "Ấn Độ đợi đến tận tháng một mới đặt hàng vaccine, trong khi họ có thể đặt trước sớm hơn nhiều. Và họ đặt mua số lượng không đáng kể", Achal Prabhala, điều phối viên của AccessIBSA, tổ chức thúc đẩy tiếp cận thuốc ở Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, cho biết.

Từ tháng một đến tháng 5, Ấn Độ đã mua chưa đến 250 triệu liều hai loại vaccine đã được phê duyệt là Oxford-AstraZeneca, được sản xuất với tên gọi Covishield bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), và Covaxin của tập đoàn Ấn Độ Bharat Biotech. Với giá hai USD mỗi liều, chúng nằm trong số những loại vaccine rẻ nhất trên thế giới.

Với tuyên bố rằng Ấn Độ đã đánh bại COVID-19, Thủ tướng Narendra Modi khi đó thậm chí còn thực hiện "ngoại giao vaccine". Số lượng vaccine họ tặng cho nước khác còn nhiều hơn số liều được tiêm ở Ấn Độ vào tháng ba.

Trái ngược với Ấn Độ, Mỹ và EU đã đặt hàng trước nhiều liều hơn mức họ cần gần một năm trước khi có vaccine. "Cách làm này khiến các nhà sản xuất vaccine được đảm bảo rằng họ sẽ có thị trường, giúp họ ấn định nguồn cung và doanh số rõ ràng hơn, đồng thời đảm bảo các nước có được số lượng lớn càng nhanh càng tốt ngay khi vaccine đã sẵn sàng".

Ấn Độ sau đó đã đặt hàng thêm 100 triệu liều Covishield và 20 triệu liều Covaxin, dự kiến được giao vào cuối tháng 7. Nhưng hiện chỉ khoảng 36 triệu người Ấn Độ được tiêm phòng đầy đủ và khoảng 100 triệu người vẫn chờ tiêm mũi vaccine thứ hai.

Không giống như chiến lược chi tiền trước, nhận hàng sau của Mỹ và Anh, Ấn Độ phải đợi đến ngày 20/4, khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát, mới chi trước 610 triệu USD cho SII và Bharat Biotech nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine.

Theo Malini Aisola, người đồng sáng lập Mạng lưới Hành động Dược phẩm Toàn Ấn Độ, một sai lầm khác là Ấn Độ đã không tận dụng hết năng lực sản xuất của mình, như chuyển đổi nhà máy sinh học thành dây chuyền sản xuất vaccine. 4 công ty, trong đó có ba công ty nhà nước, gần đây mới được trao quyền sản xuất Covaxin.

Trong khi đó, vào đầu tháng 4, các nhà phát triển Sputnik V của Nga đã ký hợp đồng với một loạt công ty dược phẩm Ấn Độ để sản xuất vaccine này.

Ban đầu, với tư cách là khách hàng duy nhất, chính quyền liên bang có thể giữ đòn bẩy lớn hơn nhiều đối với việc định giá, Aisola nói. "Với cách mua sắm hàng loạt tập trung, giá vaccine lẽ ra còn có thể thấp hơn hai USD/liều. Thay vào đó, nó lại tăng lên", bà nói thêm.

Kể từ ngày 1/5, các bang và bệnh viện tư nhân đã tự thiết lập giao dịch với các nhà sản xuất. Các đảng đối lập gọi đây là "trò lừa đảo", nói rằng chính phủ liên bang đã thoái thác trách nhiệm, mở ra "sự cạnh tranh giữa các bang".

Các bang phải trả 4 USD, gấp đôi giá mua của chính phủ liên bang, cho một liều Covishield và 4 lần đối với Covaxin (8 USD). Hai công ty dược phẩm nói rằng đây là mức giá đã giảm cho các bang như một "cử chỉ từ thiện". Các quốc gia khác và các bệnh viện tư nhân cũng cạnh tranh để có được nguồn cung vaccine khan hiếm.

Kết quả là Ấn Độ trở thành một thị trường vaccine tự do. Tại các bệnh viện tư nhân, một liều vaccine giờ có thể lên tới 1.500 rupee (20 USD). Một số bang hiện công bố kế hoạch nhập khẩu vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Nhưng Ấn Độ vẫn chưa phê duyệt các loại vaccine này và không nhà sản xuất nào có thể đảm bảo nguồn cung trong vài tháng tới. Ấn Độ đã cấp phép cho Sputnik V nhưng chưa rõ khi nào triển khai loại vaccine này.

Một số người cáo buộc SII và Bharat Biotech "trục lợi" trong đại dịch, vì họ đã nhận được tài trợ nhà nước. Nhưng những người khác nói rằng lỗi nằm ở chính phủ. Ấn Độ là quốc gia duy nhất mà chính phủ liên bang không phải là người mua duy nhất và là một trong số ít nơi tiêm chủng không miễn phí.

Nhưng các chuyên gia y tế công cộng lưu ý rằng SII và Bharat Biotech cần phải minh bạch hơn về chi phí sản xuất và các hợp đồng thương mại. Aisola nói rằng SII cần phải tiết lộ cách họ chi 300 triệu USD nhận được từ chương trình Covax quốc tế và Quỹ Gates, quỹ tài trợ vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp. SII đã nhận được thông báo pháp lý từ AstraZeneca vì không thể thực hiện lời hứa là gửi 50% nguồn cung cho các quốc gia thu nhập thấp.

Mặc dù Ấn Độ đã ủng hộ từ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19 nước ngoài, New Helhi không có động tương tự đối với Covaxin. Trái ngược với quan điểm quốc tế, họ đã phản đối đề xuất từ các lãnh đạo đối lập về việc cấp phép bắt buộc và cho phép các công ty dược phẩm khác sản xuất vaccine đã được phê duyệt, cho rằng các biện pháp này sẽ "phản tác dụng".

Tiến sĩ Bhan đồng ý rằng ở giai đoạn này, cần có thời gian để chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các công ty dược phẩm khác, nhưng ông cũng không rõ tại sao New Delhi không làm vậy từ trước.

"Tiêm phòng cho 70% dân số 1,4 tỷ người của Ấn Độ luôn là một chiến dịch kéo dài về hoạch định và đòi hỏi kiên nhẫn. Nhưng với thành tích của đất nước về tiêm chủng các loại vaccine trước đây, đó không phải là nhiệm vụ bất khả thi", Bhan nói.

Phương Vương (Theo BBC)

comment Bình luận

largeer