Ăn nhiều hành muối ngày Tết gây ra tác hại gì?

Tại miền Bắc, hành muối là món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong dịp Tết. Vị chua chua, hăng hăng của hành muối khiến vị giác của bạn trở nên nhạy bén và ngon miệng hơn. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều món ăn này, cơ thể của bạn sẽ đối diện với một số nguy cơ về sức khỏe.
07/01/2021 15:02

Thành phần dinh dưỡng của củ hành

Hành được biết đến là loại gia vị quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hành củ có nhiều ứng dụng y học có giá trị vì chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất hữu cơ, bao gồm: các hợp chất lưu huỳnh và quercetin. Hành cũng chứa các thành phần khoáng chất như canxi, magiê, natri, kali, selen, phốt pho và là một nguồn cung cấp vitamin C, vitamin B6 và chất xơ rất tốt.

cu hanh

Củ hành chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất.

Do dồi dào các chất dinh dưỡng nêu trên nên hành rất có lợi đối với sức khỏe con người.

Các chất phytochemicals có hàm lượng đáng kể trong củ hành là chất kích thích cơ thể hấp thu vitamin C giúp thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, chống lại độc tố và các tác nhân ngoại lai khác nhau có thể dẫn đến bệnh tật. Hành còn được sử dụng như một dược liệu để ngăn ngừa ung thư.

Hành củ khá giàu các hợp chất có tác dụng ngăn cản sự phát triển và lan truyền của các tế bào ung thư. Quercetin là một hợp chất rất mạnh mẽ và liên quan đến việc ngăn ngừa hoặc giảm sự lây lan của ung thư.

Hành củ có một lượng đáng kể quercetin. Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa mạnh, có thể làm giảm sự hiện diện và tác động của các gốc tự do trong cơ thể. Các gốc tự do là các sản phẩm phụ hóa học của quá trình trao đổi chất tế bào và chúng có thể khiến các tế bào khỏe mạnh đột biến thành các tế bào ung thư. Do đó, bất kỳ thực phẩm nào giàu chất chống oxy hóa, có khả năng làm trung hòa các gốc tự do, đều có lợi cho mọi người, vì mỗi người đều dễ bị bệnh tấn công do stress oxy hóa.

Ngoài ra, ăn hành thường xuyên còn chống được các bệnh về răng miệng, tim mạch, tiểu đường và chống lại côn trùng....

Tác hại của hành muối

Mặc dù củ hành đơn thuần rất có lợi cho sức khỏe nhưng khi chế biến làm hành muối, liệu các chất dinh dưỡng trong củ hành có còn nguyên vẹn?

hanh muoi

Ăn quá nhiều hành muối sẽ gây hại cho sức khỏe. (Hình minh họa)

Vào dịp Tết, hành muối là món ăn dễ dàng được tìm thấy ở bất kỳ mâm cơm nào. Mang hương vị chua, hăng, hành muối giúp kích thích vị giác, giảm được cảm giác ngấy mỡ của bánh trưng, giò chả, thịt gà... Hành hay được muối cùng với dưa. Món dưa hành rất tốt cho những người bị hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, táo bón… Bên cạnh đó, hành cũng là thực phẩm có tác dụng giữ nước, có khả năng tránh sỏi tiết niệu, viêm khớp và bệnh gút. Giúp lưu thông máu tốt hơn, tăng cường tiết mồ hôi, ngừa cảm cúm, cảm lạnh.

Trả lời trên báo chí trước đó, ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám - Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chia sẻ, hành muối cũng có nhiều chất giúp máu trở nên loãng hơn, không bị đóng cục, giúp giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim mạch. Hợp chất flavonoids là những chất kháng ôxy hóa rất tốt giúp ngăn chặn hư tổn tế bào do sự hình thành các gốc tự do.

Tuy nhiên, đây cũng là món ăn dễ gây ngộ độc, nhiễm trùng nếu dụng cụ muối hành không đảm bảo vệ sinh. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội trả lời trước truyền thông, hàm lượng muối trong dưa hành rất cao có thể gây nên các vấn đề về tuần hoàn và tim mạch. Đặc biệt nó là nguyên nhân chính gây nên tình trạng tăng huyết áp. Hàm lượng muối dư thừa trong mạch khiến thành mạch cứng hơn, gây tăng huyết áp.

hanh

Hình minh họa.

Trong hành muối cũng có nhiều chất gây chua làm dạ dày tăng tiết dịch vị, gây đau dạ dày. Ngoài ra chúng còn chứa nitrosamin gây ung thư dạ dày. Đặc biệt, khi sử dụng dưa hành muối và uống rượu đồng thời sẽ gây nên tình trạng nóng ruột, khiến tình trạng đau dạ này nặng hơn. Hàm lượng nitrit lớn trong hành muối còn gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt thói quen của người Việt là ăn kèm dưa hành với các món mặn có hàm lượng đạm và protein cao. Điều này khiến nitrit có trong hành muối tạo phản ứng với các amin bậc hai có trong thực phẩm và tạo thành hợp chất nitrozamin gây ung thư.

Đặc biệt, khi hành muối bị nổi váng, chúng ta tuyệt đối không nên ăn vì các váng đó là một số loại nấm gây hại như aspergilus flavor, vi nấm này sản sinh ra độc tố aflatocin có thể gây ung thư gan, tổn thương tim, phổi, hệ thần kinh trung ương…

Do những tác hại nêu trên, vào ngày Tết, chúng ta không nên ăn quá nhiều hành muối để đảm bảo sức khỏe và đón Tết lành mạnh. Đặc biệt những người có vấn đề về viêm loét dạ dày, phụ nữ mang thai cần hạn chế món ăn này.

Thanh Hương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer