Thời điểm trẻ có thể ăn được hành tỏi

Hành tỏi là một trong số những gia vị phổ biến khi chế biến thực phẩm. Với người lớn, các loại củ này rất tốt góp phần làm tăng hương vị thức ăn, giúp ngon miệng và chống được một số bệnh tật. Vậy, với trẻ em, khi nào chúng có thể ăn được hành, tỏi?
19/11/2020 17:44

 Tác dụng của hành, tỏi đối với sức khỏe

Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, trong hành có chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe bao gồm protein, lipit, gluco, vitamin A, B, C, sắt, canxi, ma-giê… Những chất này có tác dụng ức chế đối với vi khuẩn E.Coli, tụ cầu khuẩn và cả nấm da. Không những thế các dưỡng chất này ctăng cường khả năng miễn dịch, phòng ngừa các bệnh dịch truyền nhiễm đường hô hấp và đường ruột  ở con người.

Trong hành còn có chất Odorin, chất giúp các mạch máu được thư giãn, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị chứng cao huyết áp hiệu quả. Đặc biệt, phần gốc có màu trắng của cọng hành có thể phân giải protein, nếu cho thêm gia vị hành vào món ăn có thể giảm bớt lượng cholesterol tích tụ ở thành mạch máu, đề phòng được các chứng xơ vữa động mạch, mỡ cao máu, đường huyết cao.

Đối với tỏi, đây là loại gia vị có chức năng kháng khuẩn, diệt khuẩn tuyệt vời. Trong tỏi có chứa Alliin, được chuyển hóa thành Allicin sau khi đi vào mạch máu. Chất này có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe một cách nhanh chóng. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mỗi ngày không nên ăn nhiều hơn 4 tép tỏi và không ăn khi bụng đói để tránh việc tỏi diệt luôn những lợi khuẩn tốt cho sức khỏe.

hanh toi

Hình minh họa.

Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, hành tỏi là gia vị có thể ngăn ngừa được ung thư. Theo nhóm nghiên cứu của TS Opara, ĐH Kingston, Anh, thành phần polyphenols tự nhiên từ những loại gia vị như hành, tỏi, ngò... còn có tác dụng như chất bảo vệ để ngăn ngừa một số bệnh ung thư hiện nay. TS Opara nhấn mạnh, sự kết hợp đa dạng các loại rau gia vị trong thói quen ăn uống có thể mang hiệu quả ngăn ngừa tốt nhất.

Khi nào trẻ ăn được hành, tỏi

Mặc dù được biết đến là các gia vị có lợi cho sức khỏe nhưng với trẻ em, không thể tùy tiện cho trẻ sử dụng vì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của chúng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra độ tuổi thích hợp để trẻ có thể sử dụng hành tỏi trong mỗi bữa ăn.

Theo bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn, Chuyên khoa Dinh dưỡng Nhi, ĐH Worcester: Trẻ sau 8 tháng tuổi có thể sử dụng 1/2-1 củ hành vừa. Khi chế biến, bạn cắt nhuyễn đều tay, ướp hành cùng cá hoặc thịt gà, thịt lợn, trứng để tăng thêm gia vị, kích thích trẻ ăn ngon và tốt cho sức khỏe. Đối với tỏi, sau 1 tuổi, bạn có thể thêm tỏi vào món ăn của bé nhưng chỉ nên cho 1-2 tép nhỏ. Đập dập tỏi là phương pháp được khuyên để giải phóng những hợp chất tốt chứa lưu huỳnh. Trẻ dưới 2 tuổi không nhất thiết phải ăn được, chỉ cần quen với vị và mùi.

Có nên ăn hành, tỏi mọc mầm không?

Nhiều người có tâm lý, hành tỏi sẽ giống như khoai tây có độc tố khi mọc mầm. Nhưng đây là quan điểm sai lầm. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh hành, tỏi mọc mầm không gây độc tố. Tuy nhiên, khi bị mọc mầm, các chất dinh dưỡng sẽ được nuôi mầm vì thế phần củ mất đi chất tinh dầu nên không còn thơm ngon và dậy mùi. 

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm của Hội Hóa học Hoa Kỳ khẳng định, những củ tỏi đã mọc mầm 5 ngày có hoạt tính chống ôxy hóa tốt cho tim cao hơn tỏi tươi và cũng có chuyển hóa cho thấy nó còn tạo ra những chất có lợi khác cho cơ thể. Tuy nhiên, trong các bữa ăn hằng ngày thì việc sử dụng hành, tỏi để làm gia vị chứ không phải là nguồn chất chống ôxy hóa đáng kể cung cấp cho cơ thể.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer