Ăn thịt bò tái, người đàn ông kéo ra con sán dài 5m

Sau khi đau bụng dữ dội và cảm thấy có gì chạm vào da mình, người đàn ông nhảy lên khỏi bồn vệ sinh lấy hết cam đảm kéo sợi sán khỏi cơ thể.
26/09/2020 12:02

Anh Duachang Achayoddee, 34 tuổi ở Nakhon Sawan, Thái Lan cho biết, sự việc ám ảnh xảy ra vào tối 21/9 vừa qua. Anh vào nhà vệ sinh do bị đau bụng dữ dội, sau đó anh cảm giác có thứ gì đó chạm vào da mình.

Khi nhìn xuống, anh thấy một đoạn sán dài màu vàng đang còn động đậy thò ra. Quá hoảng hốt, anh nhảy lên khỏi bồn vệ sinh sau đó lấy hết cam đảm kéo sợi sán khỏi cơ thể.

Khi bị kéo xuống nền nhà vệ sinh, đoạn sán vẫn ngọ nguậy. Sau đó anh lấy thước đo và vô cùng sốc khi biết nó dài tới 5 m.

san

Con sán được kéo ra khỏi cơ thể anh Duachang

“Tôi không biết nó đã ở trong người tôi bao lâu. Thật là ghê sợ”, anh Duachang rùng mình nhớ lại.

Khi mang mẫu sán đến bệnh viện, bác sĩ xác định đây là sán dây bò, còn có tên khoa học là Taenia saginata. Nguyên nhân do ăn thịt bò sống, tái.

Anh Duachang chia sẻ, bản thân anh rất thích ăn Key Neua, một món salad bò sống cay phổ biến ở vùng đông bắc Thái Lan.

Bác sĩ nghi ngờ trong người anh Duachang vẫn còn sán nên đã kê thêm thuốc uống.

“Bụng của tôi đã cảm thấy dễ chịu hơn khi kéo được con sán ra nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn nôn khi biết mình có nhiều sán như vậy. Các bác sĩ nói vài ngày nữa tôi sẽ ổn hơn”, anh Duachang cho hay.

Cũng tại Thái Lan, vào năm ngoái ghi nhận trường hợp tương tự. Trong lúc đi vệ sinh, anh Kritsada Ratprachoom, 44 tuổi, ở tỉnh Udon Thani vô cùng hoảng hốt khi lôi ra một con sán dài tới 9,7 m.

Trước đó 1 tuần, anh Kritsada trải qua ca phẫu thuật cắt ruột thừa, ban đầu anh lầm tưởng đó là một đoạn dây còn sót lại sau ca mổ nhưng ngay sau đó anh nhận ra vật thể đang rơi khỏi người mình là một con sán dây.

Sán dây bò là bệnh ký sinh trùng khá phổ biến, lây truyền sang người chủ yếu do ăn thịt sống, uống nước nhiễm trứng sán.

Khi đốt sán già từ cơ thể người rơi ra ngoài sẽ giải phóng hàng trăm ngàn trứng sán. Khi trâu, bò ăn phải sẽ nở ra ấu trùng, xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “gạo bò”.

Nang ấu trùng sán bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.

Khi người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.

Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Thường thì chỉ có một con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần 3 tháng để trưởng thành và sản xuất đốt sán.

Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá…

Để điều trị sán dây bò, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc. Sau 3-4 tháng, nếu xét nghiệm phân không còn đốt sán và trứng sán là khỏi.

Theo Vietnamnet

comment Bình luận

largeer