Bắc Giang tăng cường các biện pháp quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các văn bản pháp luật khác có liên quan, nâng cao chất lượng hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có công văn về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh.
28/11/2023 17:03

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về hoạt động quản lý, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện các quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích; các nội dung thẩm định, thỏa thuận dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định, nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích trong các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích ở địa phương.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện các hành vi khác trái pháp luật và thuần phong, mỹ tục; hướng dẫn tổ chức, cá nhân cung tiến đồ thờ phù hợp với di tích. Tăng cường giám sát chuyên môn các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, để nâng cao chất lượng thực hiện các dự án tu bổ di tích.

Chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những di tích nổi tiếng. Ảnh: Bacgiang.gov

Chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những di tích nổi tiếng. Ảnh: Bacgiang.gov

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương, kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm tại di tích theo quy định. Biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, sách ảnh giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa, vùng đất - con người Bắc Giang gắn với phát triển du lịch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương cân đối nguồn vốn đầu tư, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công để hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích.

Sở Tài chính hằng năm bố trí kinh phí hỗ trợ tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 02/10/2019 của UBND tỉnh. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, triển khai có hiệu quả Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan tham gia ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ của ngành đối với công tác quy hoạch, các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; giới thiệu giá trị di tích bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân và du khách trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động tu bổ di tích trên địa bàn. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể các dự án được triển khai bằng nguồn vốn đầu tư nào); tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban Quản lý di tích cơ sở.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích. Đối với các di tích bị lấn chiếm đất, UBND cấp huyện cần có biện pháp kịp thời, kiên quyết trong việc thu hồi đất trả về cho di tích; thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng có hiệu quả đất di tích. Có các biện pháp tích cực, hiệu quả trong việc bảo vệ di tích, bố trí người có trách nhiệm trông coi di tích, không để xảy ra tình trạng mất cắp, hư hỏng di vật, cổ vật, cháy, nổ tại các di tích. Lễ hội tổ chức tại di tích, Ban Tổ chức lễ hội phải phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý di tích cơ sở trong việc bảo vệ di tích, phòng, chống cháy, nổ, các hoạt động xâm hại khác làm ảnh hưởng đến di tích, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích…

Diệu Hoa

comment Bình luận

largeer